Khi cán bộ coi trọng hành lễ, coi nhẹ hành pháp

Sự việc cán bộ một số cơ quan, đơn vị đi lễ trong giờ hành chính cho thấy kỷ cương, kỷ luật hành chính đang bị chính những người đứng trong bộ máy xem nhẹ trước mưu cầu lợi ích, sở thích cá nhân.

“Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, câu nói từ bao đời nay đến dịp Tết này vẫn không thay đổi với một số cán bộ từ Trung ương tới địa phương. Vụ việc đoàn cán bộ Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, thuộc Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương tổ chức đi lễ Đền Mẫu (Hưng Yên) trong giờ làm việc, 5 cán bộ thuộc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội tranh thủ giờ nhà nước tới Hưng Yên hành lễ hay gần 20 cán bộ Sở Y tế tỉnh Bình Định đồng loạt xin nghỉ phép đáp máy bay ra Bắc đi hội… được nói tới trong những ngày qua xem ra chỉ là những vụ việc được “làm rõ” khi báo chí tích cực vào cuộc. Dư luận đặt câu hỏi vậy đằng sau đó, có còn trường hợp nào tương tự không? Chắc là có chỉ có điều chưa được nhắc và nêu tên mà thôi. Thực trạng đó đặt ra phải xem lại trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ đảng viên trong tình hình hiện nay.

khi can bo coi trong hanh le coi nhe hanh phap

Không khó để bắt gặp cán bộ trong giờ làm việc đi lễ ở đền, chùa vào dịp lễ, Tết - Ảnh mang tính minh họa: Minh Châu

Phải nói rằng, đi lễ, hành hương đầu năm đã trở thành nét văn hóa truyền thống của dân ta. Tự do tín ngưỡng là quyền của mỗi người và cán bộ, công chức nhà nước cũng không phải là ngoại lệ. Nhưng riêng với đối tượng này thì không thể tùy tiện nhằm ngày làm việc, dùng giờ hành chính để đi được.

Người dân, doanh nghiệp sẽ nghĩ gì khi đầu xuân năm mới tìm đến cơ quan nhà nước giải quyết công việc thì “cửa đóng, then cài”? Trách nhiệm, đạo đức của cán bộ, công chức ở đâu khi họ đã không “vì dân”, khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhu cầu giao dịch của người dân lại bị đình trệ thêm một vài ngày nữa? Bản thân người cán bộ, công chức cũng hiểu hơn ai hết sau dịp nghỉ Tết dài ngày, khối lượng công việc tồn đọng cùng những việc mới phát sinh cũng rất cần được giải quyết sớm. Nhất là trong điều kiện nền kinh tế của ta năng xuất, chất lượng hiệu quả thấp và sức ép hội nhập quốc tế ngày càng cao, đòi hỏi phải chạy đua với thời gian.

Để chủ động khắc phục thực trạng trên, ngày 02/2/2017 - ngày làm việc đầu tiên của năm mới Đinh Dậu, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 156/CĐ-TTg đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Trong đó, yêu cầu “cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương theo Chỉ thị số 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; khẩn trương tập trung giải quyết, xử lý công việc ngay sau những ngày nghỉ Tết, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp và nhu cầu giao dịch của nhân dân. Tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính, không sử dụng xe công đi lễ hội trừ trường hợp thực thi nhiệm vụ, không tổ chức liên hoan ảnh hưởng đến thời gian và hiệu quả làm việc”.

Trong phiên họp thường kỳ của Chính phủ diễn ra ngay sau đó, Thủ tướng một lần nữa yêu cầu các cấp, các ngành bắt tay ngay vào công việc sản xuất, kinh doanh, đảm bảo hoạt động bình thường tại mọi miền Tổ quốc, không còn tinh thần “tháng Giêng là tháng ăn chơi". Thủ tướng nhấn mạnh: “Bất cứ cán bộ, công chức nào trong giờ hành chính mà đi lễ hội thì đều phải xử lý nghiêm”.

Vậy nhưng những ngày sau đó, việc cán bộ đi lễ trong giờ hành chính liên tục được đưa ra. Họ dường như quên mất mình đang đứng trong bộ máy nhà nước, bỏ ngoài tai những quy định, chỉ thị từ cấp trên để đi cầu tài, cầu lộc, vụ lợi cá nhân. Đương nhiên, vi phạm quy định, kỷ luật lao động, với những cán bộ, công chức ở các cơ quan trên sẽ nhận những hình thức kỷ luật nhưng câu chuyện cán bộ dùng xe biển xanh, giờ làm việc để đi lễ thì năm nào cũng được báo chí đề cập, năm nào cũng có công văn chấn chỉnh nhưng dường như vẫn là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.

Và đó cũng chỉ là một biểu hiện của căn bệnh trầm kha cán bộ tranh thủ giờ làm việc để làm việc riêng như đi muộn về sớm, ăn sáng, cà – phê, đón con… Thực trạng này đặt ra yêu cầu phải thay đổi cách thức quản lý, phân công công việc gắn liền với xử lý kỷ luật thích đáng cán bộ vi phạm, không bao che, “giơ cao, đánh khẽ” "rút kinh nghiệm, kiểm điểm sâu sắc, rồi cuối năm vẫn hoàn thành nhiệm vụ... Từ đó, khắc phục dứt điểm thực tế cán bộ hưởng lương từ tiền đóng thuế của dân nhưng việc liên quan đến quyền lợi của người dân, đòi hỏi cán bộ giải quyết thì lại không chạy bởi cán bộ còn lo giải quyết những nhu cầu cá nhân.

Nếu như ngay ngày làm việc đầu tiên của năm mới, rất nhiều các cơ quan từ Trung ương đến cơ sở đã gương mẫu, bắt tay vào làm việc, không có cuộc gặp mặt đầu năm như thường lệ thì việc làm này, tinh thần này cần được cổ vũ, tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ trong các cơ quan, tổ chức; đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, công chức cần gương mẫu, nghiêm túc chấp hành, thực hiện cải cách hành chính, xây dựng hình ảnh người cán bộ liêm chính, mẫu mực trong lòng nhân dân.

Và hơn cả, khi đất nước phải mất rất nhiều năm nữa để hội nhập đầy đủ mới theo kịp được những nước phát triển khác thì cần sớm loại bỏ khỏi bộ máy những cán bộ trách nhiệm đạo đức công vụ kém, chỉ vun vén cho bản thân, vụ lợi và cần những cán bộ biết quý trọng thời gian, dám dấn thân, tận tâm, tận lực cống hiến vì đất nước, vì nhân dân.

Theo Minh Châu/dangcongsan.vn

Đọc thêm

Bán "hàng Nhật bãi", liệu có cần quản lý?

Bán "hàng Nhật bãi", liệu có cần quản lý?

Được giới thiệu có nguồn gốc từ Nhật Bản, các sản phẩm hàng hóa đã cũ kỹ vẫn được nhiều người dân Hà Tĩnh mua và sử dụng. Vậy, việc kinh doanh loại hàng này liệu có hợp pháp?
Nguy hiểm khi qua cầu không có lan can

Nguy hiểm khi qua cầu không có lan can

Cầu số 2 và cầu số 3 bắc qua sông Sóc thuộc xã Nam Phúc Thăng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) hiện đã hư hỏng và không có lan can, khiến nhiều người di chuyển qua đây bị rơi xuống sông.
Cần phát quang cây bụi bên bờ kênh Vách Nam

Cần phát quang cây bụi bên bờ kênh Vách Nam

Kênh Vách Nam có nhiệm vụ tiêu thoát lũ cho một số vùng của thị trấn Thạch Hà và các xã: Thạch Ngọc, Việt Tiến (Thạch Hà, Hà Tĩnh), tuy vậy, việc phát quang, dọn dẹp cây bụi hai bên kênh lại chưa được chú trọng.
Cần sớm sửa chữa cầu Cơn Gáo ở Kỳ Hoa

Cần sớm sửa chữa cầu Cơn Gáo ở Kỳ Hoa

Cầu Cơn Gáo thuộc xã Kỳ Hoa (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) có vai trò rất quan trọng trong việc triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn hồ chứa nước thượng nguồn Sông Trí vào mỗi mùa mưa lũ.
Thiếu nước sạch bên... nhà máy nước!

Thiếu nước sạch bên... nhà máy nước!

Dù trên địa bàn có nhà máy nước sạch song nhiều năm qua, rất nhiều hộ dân ở xã Tiến Lộc cũ, nay là thị trấn Nghèn (Can Lộc, Hà Tĩnh) lại rơi vào tình trạng thiếu nước sạch!
"Vô tư" đi ngược chiều trên quốc lộ 1!

"Vô tư" đi ngược chiều trên quốc lộ 1!

Khi điểm mở dải phân cách trên quốc lộ 1 thuộc địa phận huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) lắp thêm rào chắn, nhiều người chọn đi ngược chiều nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.