Khi ngư dân vươn khơi, bám biển

(Baohatinh.vn) - Giảm dần khai thác thủy sản ven bờ, phát triển vùng khơi đang là hướng đi chung của bà con ngư dân Hà Tĩnh. Những năm gần đây, khát vọng vươn khơi, bám biển của ngư dân đang được tiếp sức, hỗ trợ mạnh mẽ để nghề đánh bắt thủy sản không chỉ giúp ngư dân làm giàu mà còn góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Dấu ấn nhiệm kỳ 2010 - 2015 (bài 37):

Cách đây 5 năm, khai thác hải sản của tỉnh luôn “đủng đỉnh” với sản lượng đạt trên dưới 22.000 tấn/năm. Dẫu tiềm năng, lợi thế không hề thua kém nhưng hiệu quả sản xuất của chúng ta luôn đứng sau các tỉnh lân cận. Đó là chuyện của 5 năm về trước, còn bây giờ, khắp các vùng biển Nghi Xuân, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh... đều đã có những con tàu đánh bắt xa bờ công suất lớn, “vùng vẫy” ở các ngư trường Vịnh Bắc Bộ, Bạch Long Vĩ...

Khi ngư dân vươn khơi, bám biển ảnh 1

Nhờ phát triển mạnh đội tàu đánh bắt xa bờ nên sản lượng khai thác hải sản của bà con ngư dân tăng đáng kể.

Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Nghi Xuân - Trịnh Quang Luật cho biết: “Những năm qua, huyện Nghi Xuân đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, các ngân hàng tạo điều kiện giúp ngư dân vay vốn đóng mới tàu thuyền, mua sắm ngư cụ, phát triển nghề khai thác hải sản. Đặc biệt, huyện thực hiện tốt chính sách hỗ trợ ngư dân của tỉnh về đóng mới, cải hoán tàu xa bờ theo Nghị quyết 90 của HĐND tỉnh, đồng thời, quản lý tàu thuyền, bảo vệ an toàn cho ngư dân trên biển. Hiện nay, toàn huyện có gần 852 tàu, trong đó, có 32 tàu khai thác xa bờ công suất từ 200 - 450 CV, hoạt động hiệu quả, mang giá trị kinh tế cao”.

Về cảng cá Cửa Sót - Thạch Kim (Lộc Hà) mỗi sáng sớm đều bắt gặp hình ảnh sôi động, nhộn nhịp, bà con trên bến dưới thuyền chuyền tay nhau những mẻ tôm, mẻ cá trong niềm phấn khởi. Ông Trần Văn Trúc (xóm Trung Nghĩa, xã Thạch Bằng) - một tấm gương điển hình vươn khơi, đổi thay cuộc đời từ biển, vui vẻ cho biết: “Hơn 40 năm mưu sinh ở “đầu sóng ngọn gió”, tôi thấm thía nỗi khổ của nghề đánh bắt gần bờ, sử dụng phương tiện thô sơ, dựa vào kinh nghiệm. Cũng từ đó, khi có cơ hội lớn từ chính sách, gia đình tôi dồn toàn tâm, toàn lực để đầu tư nâng cấp tàu thuyền có công suất lớn, ngư cụ hiện đại, ứng dụng các tiến bộ khoa học trong đánh bắt xa bờ”. Năm 2014, từ chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện, ông quyết định bán tàu có công suất 45 CV để mua tàu công suất 420 CV. Từ khi có tàu lớn vươn khơi, sản lượng cá, mực ngày một tăng, cuộc sống gia đình đổi thay mọi mặt.

Giảm dần khai thác gần bờ, phát triển khai thác xa bờ là hướng đi tất yếu để phát triển khai thác hải sản bền vững. Đó chính là chiến lược của tỉnh nhằm thực hiện mục tiêu giảm dần những tàu cá có công suất nhỏ dưới 20 CV, đồng thời, phát triển những tàu công suất lớn hơn. Ông Trần Xuân Hoàng - Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho hay: Những năm qua, nhờ triển khai thực hiện tốt chính sách đầu tư tín dụng đóng mới, nâng cấp tàu xa bờ của tỉnh, cơ cấu sản xuất thủy sản chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng sản lượng đánh bắt ven bờ, tăng tỷ trọng sản lượng đánh bắt xa bờ; phương thức sản xuất hướng tới đánh bắt các đối tượng có giá trị kinh tế cao, tạo nên sản phẩm hàng hóa tập trung có giá trị xuất khẩu ngày càng lớn.

Khi ngư dân vươn khơi, bám biển ảnh 2

Công nhân Công ty TNHH MTV Đóng tàu Bến Thủy thi công đóng mới 2 tàu cá được vay vốn theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ.

Năm 2011, toàn tỉnh mới chỉ có 39/3.808 tàu cá xa bờ, công suất bình quân 20,17 CV/chiếc nhưng đến nay, đã có 197/3.692 tàu cá xa bờ, công suất bình quân 27,3 CV/chiếc. Nhờ phát triển mạnh đội tàu đánh bắt vùng lộng, vùng khơi cùng với hệ thống thông tin liên lạc, máy tầm ngư tốt, ngư lưới cụ hiện đại... nên sản lượng khai thác hải sản đến nay đạt 32.000 tấn, trị giá 1.010 tỷ đồng, tăng trung bình 4,3% về sản lượng, 10,4% về giá trị; thu nhập bình quân lao động nghề cá 40 triệu đồng/năm. Đặc biệt, xây dựng được 54 tổ ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển với 296 tàu cá giúp nhau về ngư trường, hỗ trợ khi gặp khó khăn, hoạn nạn trên biển.

Đặc biệt, cơ hội đóng những con tàu vỏ thép giá trị hàng chục tỷ đồng đã đến với bà con ngư dân khi tỉnh ta tập trung thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, ngư dân có thể vay đến 95% kinh phí đóng tàu vỏ thép, lãi suất 1%, 70% kinh phí đóng tàu vỏ gỗ, lãi suất từ 3% năm, được hỗ trợ vốn vay mua sắm máy móc, trang thiết bị. Với sự vào cuộc của các cấp chính quyền và các ngân hàng, nhiều chủ tàu mạnh dạn đăng ký vay vốn mới theo Nghị định 67 để đóng tàu vỏ sắt, tàu dịch vụ hậu cần có công suất từ 900 - 1.100 CV.

Ông Lê Văn Ất (xóm Hội Thủy, xã Xuân Hội, Nghi Xuân) - người tiên phong đóng tàu vỏ sắt công suất lớn cho biết: “Mặc dù gia đình tôi đã có tàu gỗ 300 CV nhưng từ lâu tôi đã ước ao sắm cho mình một tàu sắt hơn 800 CV để khi vươn khơi, không còn lo lắng vào những ngày biển động. Tàu vỏ sắt chắc chắn sẽ vượt trội về tốc độ, độ an toàn cao, đủ điều kiện bám biển dài ngày, giúp chúng tôi vươn tới ngư trường vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa, mang lại hiệu quả cao hơn”.

Chủ đề Khai thác tài nguyên trái phép

Đọc thêm

Đào phai vào mùa tuốt lá

Đào phai vào mùa tuốt lá

Thời điểm này, các chủ vườn đào ở xã Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đang tất bật tuốt lá để đào ra nụ và lộc mới, cung ứng ra thị trường vào dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

Hệ thống cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh từng bước được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.