Khởi nghiệp từ “đặc sản” của núi rừng Kẻ Gỗ

(Baohatinh.vn) - Với khát vọng làm giàu từ đặc sản quê hương, anh Phan Khắc Đạt ở xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đã mạnh dạn khởi nghiệp sản xuất rượu từ cây sim rừng Kẻ Gỗ.

Sinh ra ở vùng núi rừng Kẻ Gỗ (xã Cẩm Mỹ), tuổi thơ với những ngày hè rong ruổi trên từng chân núi, đỉnh đồi, Phan Khắc Đạt (SN 1991) hiểu rõ về tiềm năng của sim rừng nơi đây. Lớn lên, Đạt luôn nung nấu ý định khởi nghiệp, làm giàu từ cây sim rừng.

Khởi nghiệp từ “đặc sản” của núi rừng Kẻ Gỗ

Sim rừng là loại đặc sản của vùng núi rừng Kẻ Gỗ.

Nghĩ là làm, anh vào mạng Internet tìm kiếm thông tin về sản xuất rượu sim và đi nhiều cơ sở sản xuất rượu trong, ngoài tỉnh học hỏi kinh nghiệm. Sau quá trình tích lũy kiến thức, tháng 7/2022, anh Đạt bắt tay vào sản xuất thử nghiệm rượu sim rừng Kẻ Gỗ.

Khởi nghiệp từ “đặc sản” của núi rừng Kẻ Gỗ

Rượu sim rừng Kẻ Gỗ được anh Đạt chưng cất, ngâm ủ từ 6 tháng đến 2 năm.

Anh Phan Khắc Đạt chia sẻ: “Mẻ sản xuất đầu tiên vì chưa đầu tư máy móc nên tôi nhập rượu đã khử andehit ở cơ sở trên địa bàn huyện về ngâm; sim rừng thu mua của người dân hái ở vùng núi đồi Kẻ Gỗ. Sau 6 tháng đưa ra thị trường, sản phẩm nhận được nhiều phản hồi tốt từ khách hàng. Với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, tôi đang xây dựng cơ sở sản xuất rượu sim rừng Kẻ Gỗ theo tiêu chuẩn OCOP”.

Ở mẻ sản xuất đầu tiên, anh Đạt ngâm ủ 2.000 lít rượu sim trong 14 chum sành. Với giá bán 100.000 - 120.000 đồng/lít, anh đạt doanh thu 200 triệu đồng. Đặc biệt, sản phẩm được tin dùng như tiếp thêm động lực để anh đầu tư máy móc, xây dựng cơ sở sản xuất.

Khởi nghiệp từ “đặc sản” của núi rừng Kẻ Gỗ

Anh Đạt đầu tư hơn 500 triệu đồng để xây dựng cơ sở vật chất, trang bị máy móc hiện đại sản xuất rượu.

Trên diện tích hơn 200 m2 của gia đình, đầu năm 2023, anh Phan Khắc Đạt đã mạnh dạn đầu tư hơn 500 triệu đồng để xây dựng cơ sở sản xuất rượu theo công nghệ hiện đại. Với hệ thống tủ nấu cơm, nồi chưng cất, máy khử andehit… chu kỳ mỗi lần sản xuất (15 - 20 ngày), cơ sở của anh Đạt cho ra lò khoảng 100 lít rượu trắng.

Thời điểm này, sim rừng Kẻ Gỗ đang vào mùa thu hoạch nên vợ chồng anh Đạt cũng tất bật chuẩn bị để sản xuất mẻ rượu mới. Tranh thủ mọi thời gian rảnh rỗi, 2 vợ chồng lại chạy máy bóc tách gạo để nấu cơm rượu, liên hệ để thu mua sim.

Khởi nghiệp từ “đặc sản” của núi rừng Kẻ Gỗ

Cơm rượu được nấu bằng tủ điện công suất 100 kg/80 phút, cho năng suất và chất lượng cao hơn so với nấu rượu truyền thống.

Anh Phan Khắc Đạt cho biết: “Gia đình có truyền thống nấu rượu từ nhiều đời nên tôi nắm khá rõ bí quyết, tuy nhiên, khi học hỏi quy trình sản xuất rượu theo công nghệ hiện đại thì một số công đoạn phải thay đổi. Chẳng hạn, trước khi nấu cơm rượu, theo truyền thống thì không được vò gạo qua nước nhưng kỹ thuật hiện đại lại phải vò sạch gạo. Sim rừng Kẻ Gỗ lâu nay vẫn nổi tiếng có độ ngọt đậm hơn sim các vùng khác nên tôi tự tin rượu sim rừng Kẻ Gỗ có vị đặc trưng hơn”.

Khởi nghiệp từ “đặc sản” của núi rừng Kẻ Gỗ

Rượu sim rừng Kẻ Gỗ đang xây dựng tiêu chuẩn OCOP 3 sao

Để nâng tầm sản phẩm, anh Phan Khắc Đạt đang xây dựng đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cho rượu sim rừng Kẻ Gỗ. Hiện nay, rượu sim rừng Kẻ Gỗ đã được đăng ký thương hiệu.

Anh Phan Khắc Đạt cũng đang gián tiếp “thắp lửa” khởi nghiệp cho người dân địa phương khi nhiều người đã đưa cây sim trên vùng đồi về trồng tại vườn để nâng cao thu nhập. Được biết, sim rừng đang được thu mua với giá 25.000 – 35.000 đồng/kg.

Anh Phan Văn Trí – Bí thư Đoàn xã Cẩm Mỹ chia sẻ: “Anh Phan Khắc Đạt là người táo bạo, dám nghĩ dám làm. Năm 2017, anh Đạt xây dựng cơ sở sản xuất hàng rào li tâm. Tuy nhiên, sản xuất – kinh doanh hàng rào li tâm gặp khó khăn nên anh Đạt tiếp tục khởi nghiệp sản xuất rượu sim rừng Kẻ Gỗ. Xã đang hỗ trợ anh Đạt xây dựng cơ sở sản xuất rượu sim rừng Kẻ Gỗ theo chương trình OCOP, góp phần khai thác thế mạnh sim rừng cũng như khuyến khích người dân trồng cây sim nâng cao thu nhập”.

Chủ đề Sản phẩm OCOP Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast