Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hà Tĩnh “đói” nguyên liệu!

(Baohatinh.vn) - Với công suất 110 ngàn tấn sắn tươi/năm, sau khi đi vào hoạt động từ tháng 10 tới, Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hà Tĩnh (đóng trên địa bàn huyện Kỳ Anh) cần khoảng 4.000 ha sắn nguyên liệu. Song, hiện doanh nghiệp mới liên kết sản xuất được gần 2.000 ha tại Kỳ Anh...

Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hà Tĩnh “đói” nguyên liệu!

Tháng 10/2018, một dây chuyền sản xuất đi vào hoạt động, Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Hà Tĩnh (xã Kỳ Sơn - Kỳ Anh) cần tới 4.000 ha nguyên liệu

Năm 2017, Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hà Tĩnh (thuộc Công ty TNHH Thương mại – dịch vụ Thành Mỹ Phát) liên kết trồng sắn với nông dân 8 xã vùng thượng Kỳ Anh. Ông Nguyễn Quang Thành – Giám đốc Nhà máy, cho biết: “Trước đây, Nhà máy Vedan Hà Tĩnh không chú trọng phát triển vùng nguyên liệu, ở đâu sắn rẻ họ tìm mua. Sau khi mua lại Vedan, chúng tôi đầu tư 50 tỷ đồng thay đổi công nghệ đã lạc hậu, mở rộng liên kết trồng sắn với người nông dân trên cơ sở cung cấp giống chậm trả, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm”.

Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hà Tĩnh “đói” nguyên liệu!

Hiện Nhà máy mới chỉ vận động người dân sản xuất gần 2.000 ha sắn

Theo ông Thành, Nhà máy chú trọng chất lượng sản phẩm bằng cách đưa giống sắn năng suất, hàm lượng tinh bột cao cho người dân trồng. Để người dân yên tâm hợp tác lâu dài, nhà máy cam kết giá mua sắn tối thiểu vụ 2018 – 2019 là 1.200 đồng/kg với hàm lượng tinh bột 28%, tỷ lệ tạp chất < 3%. Đến vụ thu hoạch, nếu giá sắn thị trường cao hơn, nhà máy sẽ mua theo giá thị trường, nhưng nếu thấp hơn, nhà máy vẫn mua với giá 1.200 đồng/kg.

Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hà Tĩnh “đói” nguyên liệu!

Nhà máy tận dụng trồng 40 ha sắn trong khuôn viên để chủ động nguyên liệu và cung cấp một phần giống vụ sau cho người dân

Mặc dù doanh nghiệp đã nỗ lực xây dựng vùng nguyên liệu, song đến nay, người dân cũng chỉ mới sản xuất được gần 2.000 ha. Trong khi đó, vào tháng 10 tới, khi 1 dây chuyền đi vào hoạt động với công suất 200 tấn tinh bột/ngày (27 ngàn tấn tinh bột/năm), nhà máy sẽ cần tới 4.000 ha sắn.

Để chủ động nguyên liệu và cung cấp một phần giống cho vụ sau, ngoài trồng thêm 40 ha trong khuôn viên, nhà máy phải kết nối bao tiêu thêm sản lượng sắn ở Quảng Bình với diện tích khoảng 1.000 ha, nhưng vẫn chưa đủ nguyên liệu sản xuất.

Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hà Tĩnh “đói” nguyên liệu!

Thiết bị lạc hậu của Nhà máy Vedan Hà Tĩnh phải thay thế hoàn toàn

Theo phản ánh, trước đây, khi liên kết với Vedan, người dân vùng thượng Kỳ Anh ồ ạt mở rộng diện tích sắn. Vedan đổ vỡ, người dân lao đao nên bây giờ họ thận trọng, chờ kết quả vụ thu hoạch tới rồi mới "tính tiếp". Thậm chí, nhiều người chưa ý thức vấn đề liên kết bền vững bởi trong gần 2.000 ha sắn, chỉ mới 1.500 ha ký hợp đồng. Đồng nghĩa 500 ha tự phát, đến kỳ thu hoạch sẽ gặp thiệt thòi bởi doanh nghiệp lên lịch thu hoạch và bao tiêu cho bà con liên kết trước. Nếu người trồng ngoài liên kết thu hoạch sắn để lâu ngày, chất lượng tinh bột giảm thì giá sẽ thấp hơn.

Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hà Tĩnh “đói” nguyên liệu!

Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Hà Tĩnh gấp rút đưa dây chuyền sản xuất hoạt động vào tháng 10/2018

Về vấn đề này, ông Trần Đình Gia – Bí thư Huyện ủy Kỳ Anh, cho rằng: “Nền đất khô cằn vùng vùng thượng Kỳ Anh thích hợp với cây sắn. Có doanh nghiệp bao tiêu là yếu tố phát triển bền vững. Vừa qua, huyện đã tổ chức cuộc làm việc giữa người dân, chính quyền và doanh nghiệp để nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp và bàn hướng phát triển thời gian tới. Theo đó, để xây dựng chuỗi liên kết bền vững, cần phải xây dựng mối quan hệ mật thiết giữa người dân và doanh nghiệp. Chính quyền địa phương đã và đang hỗ trợ thành lập các tổ hợp tác, HTX để liên kết với doanh nghiệp một cách bài bản, lâu dài...”.

Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hà Tĩnh “đói” nguyên liệu!

Nhà máy chuẩn bị sẵn bao bì đóng gói sản phẩm cho vụ thu hoạch tới

Theo ghi nhận, Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hà Tĩnh đã đầu tư nguồn kinh phí lớn xây dựng dây chuyền sản xuất hiện đại. Đến năm 2020, khi 2 dây chuyền cùng hoạt động, nhà máy cần tới 8.000 ha nguyên liệu.

“Chúng tôi mong muốn tỉnh Hà Tĩnh tạo điều kiện cho Nhà máy thuê lại diện tích đất bỏ hoang tại các xã Kỳ Sơn, Kỳ Lâm, Kỳ Hợp, Kỳ Tây để mở rộng sản xuất. Và ngoài huyện Kỳ Anh, chúng tôi mong muốn tỉnh vận động thêm một số địa bàn lân cận trồng sắn trên cơ sở liên kết bền vững với doanh nghiệp” – ông Nguyễn Quang Thành nói thêm.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast