Không có cơ sở đòi lại đất hương hỏa

(Baohatinh.vn) - Báo Hà Tĩnh nhận được đơn thư của ông Trần Đại Nghĩa, đại diện hợp pháp cho bà Nguyễn Thị Tịu, có hộ khẩu tại xã Xuân Liên (Nghi Xuân), nay tạm trú ở xã Ea Tóh, huyện Krông Năng (Đắk Lắk) phản ánh việc gia đình ông Trần Phi Long chiếm dụng đất hương hỏa của bà Tịu nhưng chính quyền không giải quyết dứt điểm dẫn đến liệt sỹ Trần Điệu (chồng bà Tịu) không có nơi thờ cúng, vợ liệt sỹ không có đất ở. PV Báo Hà Tĩnh đã có mặt tại địa bàn để điều tra làm rõ.

Không thể đòi đất hương hỏa…

Trong đơn “kêu cứu”, ông Trần Đại Nghĩa phản ánh: Trước đây, bà Tịu có một mảnh vườn giáp ranh với ông Trần Kha (bố đẻ của ông Trần Phi Long) ở thôn Linh Trù, xã Xuân Liên. Khi liệt sỹ Trần Điệu hy sinh (năm 1970), bà được bố mẹ chồng cho làm nhà ở riêng nhưng vẫn trong cùng một khu vườn, khi bố mẹ mất thì để lại toàn bộ vườn cho con dâu và cháu nội. Bà ở đó đến khi con gái lấy chồng thì về ở với con và gửi vườn cho ông Trần Kha (hàng xóm liền kề và cũng là anh em trong họ - P.V). Sau đó, ông Kha chuyển đi nơi khác ở, nhường mảnh vườn lại cho con là Trần Phi Long và bị anh này lấn chiếm.

Phần đất tranh chấp đã được gia đình ông Trần Phi Long làm nhà cho con ở riêng dù nó luôn "cửa đóng then cài", không thấy dấu hiệu đã có người ở.

Đến năm 2009, bà Tịu trở về địa phương, lấy lại đất hương hỏa và được ông Long đồng ý trả lại 200 m2 (trong tổng số khoảng 1.000 m2 vườn trước đây) để bà làm nhà ở và thờ cúng liệt sỹ. Vào tháng 4/2010, bà về làm nhà thì ông Long đổi ý, tranh chấp xẩy ra và vụ việc được đưa lên chính quyền các cấp. Đến nay, sự việc vẫn chưa được giải quyết thấu đáo…

Theo nội dung đơn thư, chúng tôi đã làm việc với chính quyền địa phương và gặp gỡ những người lớn tuổi đang sinh sống gần khu vực đất tranh chấp thì được biết: Vườn ông Long đang ở có một phần là đất hương hỏa của bà Tịu, ông Nghĩa (nguyên đơn) và ông Trần Đạt (em chồng bà Tịu) là có thật. Tuy nhiên, do chiến tranh, đất không có giá trị, vùng quê khó khăn và điều kiện công tác nên có rất nhiều gia đình bỏ đi nơi khác, trong đó có 3 gia đình này. Riêng bà Tịu, sau khi chồng hy sinh vài năm đã không ở lại vườn đó nữa. Khi bà đi, HTX thời đó đã cấp một khu đất khác ở thôn Linh Vượng; đến năm 1990, bà theo con vào miền Nam nên đã bán lại cho bà Phan Thị Đích với giá 320.000 đồng.

Ông T.T - một người lớn tuổi, sống gần nhà các đương sự cũng khẳng định: “Đến khoảng năm 1975, khu vườn này không còn ai ở, người cuối cùng rời khu đất đang tranh chấp là bà Nhự (vợ cũ ông Nghĩa). Khu đất bị bỏ hoang nhiều năm, trở thành vô chủ và sau này được ông Long mở rộng làm vườn”.

Mở rộng tìm hiểu, chúng tôi được biết, theo quy định của Luật Đất đai hiện hành thì vụ việc này không đủ điều kiện xử lý và không thể giải quyết. Mặt khác, do bà Tịu và các gia đình có liên quan bỏ đi từ lâu nên trong bản đồ 299 (năm 1984) không thể hiện phần đất của các đối tượng này; giữa bà Tịu và ông Kha không có chứng cứ thể hiện việc cho mượn đất hay ủy nhiệm trông coi và các loại giấy tờ mang tính pháp lý khác. Quá trình ông Long lấn chiếm, mở rộng vườn diễn ra trong thời gian dài nhưng không ai có ý kiến nên đến năm 1995, địa phương đã đo đạc lại, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ sống trên địa bàn và đất hương hỏa của bà Tịu cũng đã được cấp cho người khác sử dụng.

Cần xử lý dứt điểm, thấu tình, đạt lý…

Trong biên bản gặp gỡ, đối thoại do Thanh tra huyện Nghi Xuân tổ chức giữa chính quyền địa phương, các gia đình có quyền lợi và các thành phần khác có liên quan vào ngày 8/7/2010 đã đề xuất phương án các bên tự hòa giải, thương lượng để bà Tịu được nhượng lại một phần đất sinh sống, thờ phụng liệt sỹ.

Văn bản còn nêu thêm: “Trong vòng 10 ngày, nếu hai bên không có ý kiến phản hồi về tự thương lượng giải quyết thì Thanh tra huyện sẽ tham mưu UBND huyện văn bản trả lời”. Thế nhưng, đã hơn 4 năm, Thanh tra huyện Nghi Xuân “đánh trống bỏ dùi”, sự vụ đến nay vẫn chưa có văn bản giải quyết chính thức, dù nguyên đơn nhiều lần yêu cầu xử lý dứt điểm. Vì vậy, đã đến lúc các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần phối hợp xử lý vụ việc một cách thấu đáo, tránh tình trạng đơn thư khiếu nại, khiếu kiện kéo dài và đùn đẩy trách nhiệm...

Theo Chủ tịch UBND xã Xuân Liên - Hoàng Văn Cát: “Việc bà Nguyễn Thị Tịu đòi lại đất hương hỏa là không có cơ sở. Địa phương cam kết nếu bà có nhu cầu trở về quê hương sinh sống thì xã luôn sẵn sàng ưu tiên giải quyết đất ở cho bà và thực hiện đầy đủ các chế độ đãi ngộ của Đảng, Nhà nước đối với gia đình người có công. Tuy nhiên, điều này phải được xuất phát từ nhu cầu thực tế của bà và giá cả, mức miễn giảm phải được thực hiện theo các quy định hiện hành của pháp luật”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói