Không khai báo y tế bị xử phạt như thế nào?

(Baohatinh.vn) - Ở nước ngoài về nhưng không tự nguyện khai báo y tế, không thực hiện cách ly có vi phạm pháp luật?

Anh Nguyễn Văn Hoàng ở Thành phố Hà Tĩnh hỏi: Tại địa phương nơi tôi cư trú có công dân N.T.H đi từ vùng đang có dịch bệnh COVID-19 ở nước ngoài về, nhưng khi đến địa phương lại không tự nguyện khai báo y tế. Cơ quan có thẩm quyền đã yêu cầu chị H. thực hiện các biện pháp cách ly để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng, thế nhưng người này đã không thực hiện mà tự ý đi lại trên địa bàn. Hành vi của chị H. có vi phạm pháp luật không? Nếu có thì bị xử lý như thế nào?

Không khai báo y tế bị xử phạt như thế nào?

Nhân viên bảo vệ tiến hành đo thân nhiệt cho người dân ra vào tại sảnh khu căn hộ Vinhomes New Center (TP Hà Tĩnh)

Trả lời:

- Tại khoản 7, Điều 8, Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm có quy định về những hành vi bị nghiêm cấm, trong đó nghiêm cấm hành vi không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Vì vậy, việc chị H. không thực hiện việc cách ly theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền mà tự ý đi lại trên địa bàn là đã vi phạm pháp luật.

- Khi bệnh truyền nhiễm xuất hiện và lây lan trong cộng đồng thì biện pháp phòng dịch đầu tiên là cách ly y tế, khoanh vùng dập dịch. Bởi vậy, người nào không tuân thủ quy định sẽ bị cưỡng chế cách ly và bị xử phạt hành chính. Tại điểm b, khoản 1, Điều 10 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế quy định: Xử phạt từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi “Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.

Vậy trường hợp của chị H. sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền từ 2.000.000 đến 5.000.000 đồng và ngoài hình thức xử phạt hành chính nêu trên thì người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế.

- Nếu trường hợp chị H. là người đang mang mầm bệnh viêm đường hô hấp cấp chủng mới của virus Corona, cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp cách ly nhưng chị H. không thực hiện và trốn ra khỏi địa điểm cách ly làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 240 Bộ luật Hình sự và chịu mức hình phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Nếu làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc làm chết người thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm. Nếu làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ hoặc làm chết 2 người trở lên thì có thể phạt tù từ 10 năm đến 12 năm. Ngoài hình phạt tù thì có thể xử phạt bổ sung mức tiền từ 20.000.000 đến 100.000.000 đồng./.

Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Hà Tĩnh

Chủ đề Phòng chống dịch Covid-19

Chủ đề Luật sư của bạn

Đọc thêm

Lời cảnh tỉnh từ một phiên tòa

Lời cảnh tỉnh từ một phiên tòa

Không chỉ là bài học riêng cho 3 bị cáo, phiên tòa mà TAND tỉnh Hà Tĩnh vừa mở còn là lời cảnh tỉnh cho những ai hám lợi để vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới.
Đói ăn vụng, túng làm liều

Đói ăn vụng, túng làm liều

Chỉ vì cần tiền thỏa mãn nhu cầu cá nhân, Nguyễn Văn Trọng (SN 1989, xã Kỳ Văn, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đã bất chấp hậu quả, sa chân vào con đường bất chính…
Phạt thật nặng để thay đổi hành vi!

Phạt thật nặng để thay đổi hành vi!

Quy định mới về xử lý người vi phạm Luật ATGT có hiệu lực thi hành được nhiều người dân đồng tình, tuy nhiên vẫn có một bộ phận cho rằng, mức xử phạt quá nặng.
Khi lòng tham lấn át lý trí

Khi lòng tham lấn át lý trí

Dù trong độ tuổi lao động nhưng Phùng Hà Trang (trú ở TP Hà Tĩnh) không tu chí làm ăn, mà rẽ lối sang con đường phi pháp. Kẻ lừa đảo đã phải nhận 15 năm tù giam.