Nhìn chung, hôi miệng không ảnh hưởng lớn đến sức khỏe nhưng lại khiến cho người mắc rất mất tự tin khi giao tiếp trong cuộc sống thường nhật.
Khi không may lâm vào tình trạng này, điều quan trọng là phải tìm và giải quyết triệt để nguyên nhân, đồng thời có thể sử dụng một số biện pháp mang tính chất kinh nghiệm dân gian của y học cổ truyền.
Dùng món ăn - bài thuốc
- Bột đậu xanh 150g và hạnh nhân 60g, sao thơm tán bột, hòa với nước chín và đường phèn lượng vừa đủ thành dạng chè đặc, bảo quản trong tủ lạnh, mỗi ngày ăn 3 thìa canh. Dùng chữa hôi miệng do bệnh lý đường hô hấp.
- La hán 1 quả, trần bì 6g, sắc lấy nước uống thay trà hàng ngày. Dùng chữa hôi miệng do bệnh lý hầu họng.
- Bách hợp và đậu xanh nghiền thành bột, nấu chín dưới dạng bột đặc, mỗi ngày ăn 1 bát con. Dùng chữa hôi miệng có ho, khạc đờm, hai gò má đỏ.
- Mướp già 2 quả, thái vụn, luộc nhỏ lửa lấy nước, hòa thêm một chút muối, uống mỗi ngày 2 bát con. Dùng chữa hôi miệng kèm táo bón, đau nhức xương khớp toàn thân.
- Đằng thái 250g, rửa sạch, đem xào qua với dầu thực vật rồi chế đủ nước nấu thành canh, cho thêm đậu phụ thái miếng nhỏ 250g, chế đủ gia vị, dùng làm canh ăn hàng ngày. Chữa hôi miệng do bệnh lý đường tiêu hóa.
- Bột gạo tẻ 250g, bột hoài sơn 15g, bột biển đậu 15g, bột bạch truật 15g, mật ong lượng vừa đủ, đem nấu thành dạng bột đặc, chia ăn vài lần trong ngày. Dùng chữa hôi miệng do bệnh đường tiêu hóa.
- Cá quả 1 con, lọc lấy thịt thái miếng. Đầu tiên dùng 60g rau thơm luộc trong 20 phút, sau đó cho các miếng cá sống vào, chần chín, chấm gia vị ăn. Dùng chữa hôi miệng do các nguyên nhân nội nhiệt gây nên.
- Hoàng liên 6g, đường trắng 20g. Đem hoàng liên sắc kỹ với 100 ml nước, sau đó bỏ bã lấy nước, hòa với đường, chia uống 2 lần trong ngày. Nếu không thích đường thì đem hoàng liên hãm cùng với trà uống trong ngày. Dùng chữa các loại hôi miệng.
- Thảo quả tươi loại tốt 250g, ngâm với 500 ml rượu trắng trong 100 ngày, mỗi ngày uống 1 thìa canh. Dùng chữa hôi miệng kèm rối loạn tiêu hóa.
- Vỏ bưởi 3 miếng, thái nhỏ đem nấu với thịt lợn nạc lượng vừa đủ làm canh ăn. Dùng chữa hôi miệng có kèm theo nóng trong, đại tiện bí kết.
- Mã thầy tươi 90g, bỏ vỏ, rửa sạch, ép lấy nước uống trong ngày. Dùng chữa hôi miệng kèm theo mắt đỏ, nước tiểu vàng, đại tiện táo.
- Thạch cao 12g, tri mẫu 8g, mạch môn 12g, xạ can 10g, sắc uống mỗi ngày 1 thang thay trà. Dùng chữa hôi miệng do vị nhiệt với biểu hiện khát nước, chóng đói, tiểu tiện vàng đỏ, đại tiện táo kết.
Dùng thuốc nước súc miệng
- Mộc hương 10g, đinh hương 10g, hoắc hương 10g, bạch chỉ 10g, hương nhu 10g, cát căn 20g, thạch tiêu thảo 30g. Tất cả đem sấy khô, tán vụn rồi đem sắc với 1.000ml nước trong 10 phút, lọc bỏ bã lấy nước, đựng trong lọ kín dùng dần. Mỗi lần ngậm một ngụm dịch thuốc, lưu càng lâu càng tốt, sau đó nhổ đi không được nuốt, mỗi ngày 1 lần.
- Nhi trà 10g, thạch vi 10g, binh lang 10g. Ba vị tán vụn sắc lấy nước để súc miệng, mỗi ngày 2 lần sáng sớm và tối trước khi đi ngủ.
- Hoắc hương 15g, thương truật 10g, băng phiến 1g. Đem hoắc hương và thương truật sắc lấy 500ml dịch chiết, hòa băng phiến rồi đựng vào lọ dùng dần, ngậm và súc miệng mỗi ngày 3 đến 4 lần, không được nuốt.
- Đinh hương 5g, lá trà 3g, hai thứ rửa sạch rồi cho vào miệng nhai kỹ trong 5 phút, 5 ngày là 1 liệu trình, kiêng ăn ớt cay.
Đinh hương
- Hắc phàn 1g, tỳ bà diệp 3g, kha tử 2g. Ba thứ đem tán vụn rồi sắc lấy nước để ngậm và súc miệng, mỗi ngày 3 đến 5 lần, không được nuốt
- Bạch đậu khấu 15g tán vụn sắc lấy nước, đựng vào lọ để dùng dần, mỗi ngày ngậm súc miệng 2 đến 3 lần.
- Hồ hoàng liên 15g, đởm phàn 10g, kha tử 50g, bạc hà tử 50g, mật gấu 2g. Tất cả tán thành bột mịn, mỗi lần lấy 2 đến 3g bột thuốc hòa với nước sôi để nguội ngậm và súc miệng.
- Hoàng liên 3g, minh phàn 3g, muối ăn 3g. Các vị thuốc đem sắc với 200ml nước, mỗi ngày 1 thang, để nguội rồi ngậm và súc miệng 3 - 4 lần.
- Hoắc hương, trạch lan, hương nhu, tế tân lượng bằng nhau, đem sắc lấy nước ngậm và súc miệng hàng ngày, mỗi ngày 2 đến 3 lần.
- Lá trúc tươi 15g, lá trà 9g, nấu lấy nước để súc miệng nhiều lần trong ngày. Chữa hôi miệng do viêm nhiễm vùng miệng, hầu họng.