Công nhân làm việc trên một công trường xây dựng ở thủ đô New Delhi, Ấn Độ - Ảnh: Reuters.
Ấn Độ sẽ vượt Đức để trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2022 và đẩy Anh khỏi top 5, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo. Tuy nhiên, những thách thức mà quốc gia Nam Á này phải vượt qua là không hề nhỏ.
Hãng tin Bloomberg dẫn báo cáo của IMF cho biết, những vấn đề mà kinh tế Ấn Độ đang đối mặt ở thời điểm hiện nay bao gồm cuộc cải tổ trên diện rộng hệ thống thuế, giải quyết khối tài sản xấu lớn nhất trong số các nền kinh tế lớn của thế giới, gia tăng năng suất lao động, thúc đẩy bền vững cơ hội việc làm, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, và nâng cấp cơ sở hạ tầng yếu kém.
Theo Bloomberg, nền kinh tế Ấn Độ hiện nay vẫn đang phục hồi sau cuộc đổi tiền hút 86% tiền mặt khỏi lưu thông vào cuối năm ngoái. Sắp tới, những xáo trộn lại có thể xảy ra khi chính phủ nước này thực hiện đánh thuế hàng hóa và tiêu thụ (goods and sales tax). Thủ tướng Narendra Modi đã không đạt được thời hạn đề ra ban đầu là đánh thuế hàng hóa và tiêu thụ từ tháng 4, và hiện đang nỗ lực để đưa loại thuế này vào thực thi từ ngày 1/7.
Nhiều người tin tưởng thuế hàng hóa và tiêu thụ sẽ mang lại lợi ích cho nền kinh tế Ấn Độ trong dài hạn. Tuy nhiên, giới phân tích tỏ ra lo ngại về hệ thống ngân hàng của Ấn Độ và tình hình sức khỏe nền tài chính công của nước này - một vấn đề khiến các tổ chức đánh giá tín nhiệm toàn cầu xếp hạng nợ của Ấn Độ chỉ cao hơn 1 bậc so với hạng “rác” (junk).
So sánh quy mô nền kinh tế Ấn Độ (cột màu vàng) và kinh tế Đức (cột màu xanh) qua các năm (đơn vị: nghìn tỷ USD) - Nguồn: IMF/Bloomberg.
Nợ xấu, nợ tái cơ cấu, và tiền đặt trước đối với những công ty mất khả năng trả nợ đã tăng lên khoảng 16,6% tổng dư nợ ở Ấn Độ, theo dữ liệu của Chính phủ nước này. Nợ xấu tăng vọt buộc các ngân hàng Ấn Độ phải tập trung vào việc giải quyết các khoản nợ xấu. Kết quả là tăng trưởng tín dụng đã giảm xuống gần mức thấp kỷ lục, thách thức nỗ lực của Thủ tướng Modi trong việc thúc đẩy đầu tư và tạo việc làm.
Bên cạnh sự giảm tốc của đầu tư, năng suất lao động của Ấn Độ cũng đi xuống, cản trở tăng trưởng kinh tế và cơ hội việc làm. Theo số liệu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), giá trị sản lượng mà mỗi người lao động Ấn Độ tạo ra trong năm 2017 chỉ đạt 3.962 USD, bằng một phần nhỏ so với mức 83.385 USD của người Đức.
Mặc dù vậy, những tiềm năng của nền kinh tế Ấn Độ vẫn rất lớn. Theo dự báo của IMF, trong thời gian từ năm 2017-2022, nền kinh tế Ấn Độ sẽ đạt tốc độ tăng trưởng danh nghĩa 9,9% mỗi năm, và sau 5 năm nữa, nước này sẽ vượt Đức để trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới. IMF cũng dự báo sau năm 2017, nước Anh sẽ bị Ấn Độ đẩy khỏi top 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Như vậy, sau 7 thập kỷ độc lập, Ấn Độ có thể sớm “soán ngôi” quy mô kinh tế của quốc gia từng một thời cai trị mình.