Hình thức tổ chức sản xuất (tiêu chí số 13) là một trong những tiêu chí quan trọng trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Để hoàn thành tiêu chí này, xã đạt chuẩn NTM phải có ít nhất 1 HTX và 1 tổ hợp tác hoạt động hiệu quả.
HTX Nuôi trồng thủy sản Xuân Quý (huyện Lộc Hà) là một trong những đơn vị nuôi tôm công nghiệp hiệu quả. HTX hoạt động theo quy trình khép kín, hiện đại, quản lý chặt chẽ từ khâu lựa chọn con giống, kỹ thuật thả nuôi, xây dựng ao hồ...
Riêng Hà Tĩnh, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tập trung cao trong thực hiện tiêu chí này và đặt ở mức cao hơn so với quy định của trung ương (mỗi xã có từ 2-3 HTX, 3-5 tổ hợp tác).
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên số tổ hợp tác, HTX thành lập mới hàng năm ngày càng tăng, đa dạng trên các lĩnh vực: chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, chế biến nông sản, trồng rau, củ, quả, vệ sinh môi trường, thương mại, chợ...
Các HTX, tổ hợp tác đã góp phần quan trọng giải quyết việc làm, tăng thu nhập, hoàn thành tiêu chí số 13, 17 trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM. Bình quân tốc độ tăng trưởng các HTX đạt trên 10%/năm; thu nhập của thành viên và người lao động đạt trên 40 triệu đồng/năm; có HTX thu nhập đạt trên 200 triệu đồng/người/năm.
Không chỉ tăng nhanh về số lượng, hầu hết các tổ hợp tác, HTX đều đổi mới căn bản về chất. Điểm nổi bật là các tổ hợp tác, HTX kiểu mới đã thay đổi mô hình quản lý, phương thức góp vốn; ứng dụng tiến bộ KHKT, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, sử dụng nhiều chuyên gia giỏi; liên kết với doanh nghiệp để phát triển SXKD, đem lại thu nhập ổn định cho người lao động, sự phát triển bền vững của HTX, tổ hợp tác.
Ông Nguyễn Trọng Quế - nguyên Chủ tịch Liên minh HTX Hà Tĩnh khẳng định: "Những năm qua, hoạt động của loại hình kinh tế tập thể trên địa bàn đạt được những kết quả quan trọng. Kinh tế tập thể, nòng cốt là HTX, tổ hợp tác ngày càng phát triển, đa dạng về quy mô và lĩnh vực hoạt động, góp phần xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng NTM bền vững, là động lực quan trọng thúc đẩy KT-XH tỉnh nhà ngày càng phát triển”.
HTX Nuôi trồng thủy sản Xuân Quý (huyện Lộc Hà)
HTX Tiểu thủ công nghiệp và Dịch vụ thương mại Cẩm Thành (Cẩm Xuyên) đã thuyết phục, vận động được 50 hộ liên kết sản xuất trên cánh đồng cùng một loại giống với diện tích 30 ha.
HTX Chăn nuôi lợn nái Thu Hằng (Kỳ Phong, Kỳ Anh) có quy mô 200 con lợn sinh sản, với gần 2.000 con lợn giống thương phẩm/lứa; liên kết cung cấp con giống, bao tiêu sản phẩm cho 4 tổ hợp tác chăn nuôi.
Tổ hợp tác sản xuất rau sạch Hằng Bảy (xã Thạch Văn, Thạch Hà) liên kết với các hộ nông dân sản xuất rau sạch công nghệ cao trên đất cát hoang hóa ven biển, góp phần xây dựng thương hiệu rau sạch Hà Tĩnh.
Hợp tác xã SXKD Giống & Chế biến nông sản Đức Lâm (Đức Thọ) có tổng vốn đầu tư hơn 6 tỷ đồng, công suất chế biến 20 tấn gạo/ngày. Hàng năm, HTX đã bao tiêu hơn 100.000 tấn lúa cho bà con nông dân, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho gần 100 lao động.
HTX Chế biến thủy hải sản Ánh Dương (xã Hộ Độ - Lộc Hà) có vốn điều lệ 1,6 tỷ đồng (do 10 thành viên góp vốn), GQVL cho 15 lao động, với mức thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Thực hiện chủ trương cơ giới hóa sản xuất, Tổ hợp tác Máy sản xuất nông nghiệp Trường Lộc (Can Lộc) ra đời gồm 33 thành viên tham gia góp vốn (bằng máy móc) với hơn 70 máy cày, bừa, gặt đập liên hợp.
HTX Dịch vụ vệ sinh môi trường Tây Sơn (Hương Sơn) với 15 thành viên, vốn điều lệ 1,4 tỷ đồng, GQVL thường xuyên cho 20 lao động, với mức lương 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Nhờ năng động, sáng tạo, linh hoạt trong thu hút vốn, HTX Đóng tàu Hải Hà (Thạch Kim, Lộc Hà) không ngừng lớn mạnh, tạo uy tín, thương hiệu trên thị trường.