Bệnh đốm trắng hoành hành, hàng trăm héc ta tôm lâm nguy

(Baohatinh.vn) - Hiện 187 hộ dân nuôi tôm trên địa bàn Hà Tĩnh đang lo lắng trước hiện tượng tôm chết hàng loạt do bệnh đốm trắng. Đến thời điểm hiện tại, có hơn 221 ha tôm chết và bị bệnh nằm rải rác 7 huyện thị.

Được biết, hiện tượng tôm chết trên các ao đầm bắt đầu từ tháng 4/2017. Có những đầm tôm vừa mới thả 20 ngày, có nơi đến 90 ngày cũng đồng loạt chết. Lo ngại trước dịch bệnh đốm trắng bùng phát mạnh, một số hộ dân đã ngưng thả giống ở những diện tích còn lại.

Sáng 6/7, tại đầm tôm của gia đình ông Trương Văn Hoàng (thôn Vĩnh Tiến, xã Thạch Bàn), tôm chết hàng loạt nổi trên mặt nước, một số đã được chủ đầm vớt lên bờ. Ông Hoàng cho biết: “Số tôm này tôi nuôi được 80 ngày, trọng lượng đã đạt 130 con/kg, khoảng 20 ngày nữa là xuất bán.”

Theo lời ông Hoàng, ngày 4/7, ông phát hiện một con tôm chết nổi trên mặt nước, khoảng một buổi sau thì hơn 3 tấn tôm trên đầm đồng loạt chết trắng, không kịp trở tay. Ước tính tổng thiệt hại lên đến hơn 300 triệu đồng”.

benh dom trang hoanh hanh hang tram hec ta tom lam nguy

Chỉ còn 20 ngày nữa là có thể thu hoạch tôm, nhưng ông Trương Văn Hoàng (thôn Vĩnh Tiến, xã Thạch Bàn) đã mất trắng hơn 3 tấn tôm, trị giá khoảng 300 triệu đồng.

Ông Lê Văn Thuận - cán bộ nông nghiệp xã Thạch Bàn (Lộc Hà) cho biết: “Toàn xã đợt này thả gần 7 ha, khoảng 4 triệu con. Cho đến nay có 8 hộ ảnh hưởng, với diện tích 2 ha. Số tôm dưới 20 ngày các hộ dân không thể thống kê, còn tôm trên 30 ngày tuổi có gần 8 tấn bị chết. Sau khi nhận phản ánh người dân, chúng tôi đã báo cáo Phòng Nông nghiệp huyện lấy mẫu phân tích, qua đó phát hiện tôm chết do bệnh đốm trắng”.

Ông Lưu Quang Cần – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh cho biết: Trước vụ tôm, Chi cục đã có văn bản gửi về các địa phương cách chăm sóc tôm. Ngày 24 – 25/5 có trận mưa lớn thất thường, chúng tôi lại có công văn khuyến cáo người dân đề phòng các loại dịch bệnh, thế nhưng vẫn xảy ra hiện tượng tôm chết hàng loạt. Sau khi nhận phản ánh người dân, chúng tôi lấy mẫu nước thì phát hiện vi khuẩn Vibrio campbellii, một loại vi khuẩn gây hoại tử gan tụy trên tôm ở một số đầm nuôi. Chúng tôi đã khuyến cáo người dân không được tháo nước trong ao ra khi tôm đang bị bệnh, xử lý hóa chất Clorin, sau 1 tuần mới tháo nước, xử lý ao đầm hoàn chỉnh một lần nữa mới được thả con giống.

Để phòng bệnh đốm trắng, người dân cần tăng cường giữ vệ sinh môi trường ao đầm, lựa chọn con giống có uy tín, nuôi mật độ vừa phải, giảm lượng thức ăn từ 30 đến 50% khi trời nắng nóng, bổ sung chất khoáng và C cho tôm… Nếu tôm đạt kích cỡ, khi phát hiện có dịch ngay lập tức thu hoạch, ao hồ bị dịch xử lý trước khi thải ra môi trường.

Chủ đề Đánh bắt - Nuôi trồng thủy hải sản

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast