BIDV cùng ngư dân Hà Tĩnh vươn khơi

(Baohatinh.vn) - Con tàu vỏ thép tươi mới màu sơn nước biển, dài hơn 25m, rực rỡ cờ hoa kết trên cột buồm làm lễ xuất bến cửa Hội - Nghi Xuân. Trên chiếc buồng lái màu trắng in dòng tên ngân hàng đầu tư tín dụng - BIDV, chủ tàu Nguyễn Lưu Truyền điều khiển tàu chầm chậm di chuyển thực hiện thủ tục “cáo bến” rồi dần tăng tốc xuất quân chuyến đánh bắt xa bờ đầu tiên.

Chuyện vay vốn đóng tàu không khó

Câu chuyện kể của anh Truyền về những ngày tiếp cận Nghị định 67/NĐ-CP, được Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Chi nhánh Hà Tĩnh (BIDV) đồng hành đóng con tàu mơ ước trị giá trên 13 tỷ đồng vẫn văng vẳng bên tai tôi trong rì rầm sóng biển: “Làm nghề biển từ năm 16 tuổi, 18 tuổi, tôi sắm được chiếc thuyền nhỏ, tới gần 10 năm sau mới tích lũy mua lại thuyền cũ có công suất máy 440 CV đi đánh bắt xa bờ, tất cả đều cật lực lao động mà có. Chưa bao giờ tôi đi đến ngân hàng để vay vốn và cũng chẳng bao giờ nghĩ rằng có ngân hàng nào dám cho vay trên chục tỷ đồng để ngư dân đóng những con tàu thép vững chãi giữa khơi xa.

bidv cung ngu dan ha tinh vuon khoi

Tàu vỏ thép đầu tiên của Hà Tĩnh chuẩn bị xuất bến.

Vậy nhưng, khi nghe xã phổ biến về Nghị định 67 với nhiều chính sách hỗ trợ lớn chưa từng có cho ngư dân đóng tàu, tôi bắt đầu ấp ủ dự định làm ăn lớn. Được vợ và mẹ động viên, khích lệ, tôi là một trong những người đầu tiên ở Xuân Hội đăng ký tham gia và đã được UBND tỉnh phê duyệt đóng tàu lớn từ đợt đầu tiên.

Gần 1 năm trời thực hiện các thủ tục, bám xưởng đóng tàu, sắm sanh ngư cụ, máy móc để làm nghề mới, tôi nhận thấy điều thuận lợi và may mắn nhất đó là ngay từ đầu chúng tôi đã nhận được sự chủ động đồng hành của một ngân hàng lớn, có uy tín và nguồn lực, đó là BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh. Lần đầu tiên làm hồ sơ vay vốn, lại là nguồn vốn được Nhà nước hỗ trợ lãi suất nên các hồ sơ thủ tục đòi hỏi sự chặt chẽ, đúng nguyên tắc. Tuy nhiên, mọi khó khăn đều đã vượt qua nhờ có sự hỗ trợ của cán bộ ngân hàng trong từng bước đi.

Quá trình đóng tàu, đến giai đoạn nào cần vốn, chúng tôi chỉ cần thông báo trước là ngân hàng sẽ phối hợp với doanh nghiệp đóng tàu thực hiện các thủ tục giải ngân ngay. Hồ sơ vướng ở đâu, cán bộ ngân hàng cùng gỡ đến đó, chúng tôi không hình dung được rằng vay cả chục tỷ đồng đóng tàu lớn mà lại thuận lợi đến thế.

Nhận bàn giao tàu vỏ thép vào cuối tháng 6, chúng tôi tập trung hoàn thiện các thủ tục giấy tờ và cả những thủ tục tâm linh của ngư dân để nhanh chóng ra khơi sản xuất. Hơn 13 tỷ đồng tiền đầu tư, vốn vay ngân hàng chiếm tới 95% tổng giá trị con tàu, chúng tôi cũng rất lo lắng và quyết tâm làm ăn hiệu quả để trả nợ”...

Khi có sự tiếp sức của ngân hàng

Cán bộ tín dụng trực tiếp thực hiện các thủ tục cho 9 ngư dân ở Hà Tĩnh được vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67 - anh Trần Duy Hùng (Phòng Khách hàng cá nhân BIDV Hà Tĩnh) cho rằng, cái khó ở đây không phải là quy trình thủ tục mà ở chỗ quan điểm của ngân hàng có thực sự quyết tâm đồng hành, hỗ trợ ngư dân vay vốn hay không. Khi ngân hàng đã sẵn sàng tiếp sức thì trên cơ sở khẳng định được năng lực, phẩm chất của người vay và tin tưởng ở phương án sản xuất của họ, cán bộ ngân hàng phải cùng khách hàng tháo gỡ từng điểm vướng mắc để thực hiện đầy đủ thủ tục, giải ngân nguồn vốn. Thực tế là ngư dân chỉ quen việc biển, nếu không nhiệt tình hỗ trợ thì họ khó thực hiện được bộ hồ sơ đúng chuẩn.

bidv cung ngu dan ha tinh vuon khoi

Tại TP. Hải Phòng, Công ty cổ phần Cơ khí đóng tàu thủy sản Việt Nam (Fishipco) vừa tổ chức lễ đặt ky đóng mới 2 tàu đánh cá vỏ thép cho 2 ngư dân thuộc 2 xã Thạch Bằng và Thạch Kim, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh).

Là ngân hàng tiên phong thực hiện cho vay đóng tàu lớn theo Nghị định 67, từ đầu năm 2015, BIDV Hà Tĩnh đã chủ động tiếp cận và triển khai cho vay. Đến thời điểm này, BIDV Hà Tĩnh đã ký hợp đồng cho vay đối với 9 ngư dân ở các xã Xuân Hội (Nghi Xuân), Thạch Kim, Thạch Bằng (Lộc Hà) và Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên) với tổng số tiền cam kết tài trợ tín dụng trên 120 tỷ đồng. Ngoài chiếc tàu cá của ngư dân Nguyễn Lưu Truyền đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, trong tháng 8 tới, tàu cá của ngư dân Nguyễn Đức Huy sẽ hạ thủy và tháng 9, tàu cá của ngư dân Trần Quốc Rạng, Lê Văn Ất (đều ở Xuân Hội) cũng ra khơi.

Gặp ngư dân Nguyễn Đức Huy ở cảng cá Xuân Hội khi ông đang cùng với các thuyền viên chuẩn bị hệ thống lưới lắp đặt trên chiếc tàu lưới rê công suất trên 800 CV sắp sửa hoàn thành, ông cho biết: Ngoài số tiền đóng tàu gần 9 tỷ đồng, tiền sắm các thiết bị cho nghề rê xù xấp xỉ 4 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư khổng lồ này nếu không có sự sẵn sàng, tích cực của BIDV Hà Tĩnh thì chúng tôi không thể tiếp cận được. Tôi tự tin là mình sẽ sớm trả nợ cho ngân hàng bởi nghề rê xù tôi đã làm cách đây nhiều năm khá hiệu quả. Tàu cá vỏ thép hiện đại sắp hoàn thành sẽ cho phép chúng tôi thả lưới trên 10 hải lý (khoảng 120 km) với độ sâu 45m và thời gian thu một mẻ lưới là 10 tiếng đồng hồ. Với thời gian bám biển dài ngày hơn, ngư trường rộng lớn hơn, chắc chắn hiệu quả kinh tế của nghề biển sẽ cao hơn.

Ánh mắt, nụ cười và những câu chuyện kể của ngư dân đang nói lên sự phấn chấn, tự tin của họ trên những con thuyền đánh cá vỏ thép hiện đại đầu tiên. Trên những chuyến ra khơi, mỗi chiếc tàu lớn đều mang theo hình ảnh của BIDV - ngân hàng tiên phong cùng ngư dân đương đầu với sóng gió, hiện thực hóa giấc mơ tàu thép chinh phục biển khơi…

Chủ đề BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast