Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo đẩy nhanh tiến độ thực hiện quyết định 162 của Thủ tướng Chính phủ.

Sáng 26-8, Ban quản lý KKT cửa khẩu quốc tế Cầu Treo tổ chức công bố Quyết định số 961/QĐ-TTg, ngày 25/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt qui hoạch chung KKT cửa khẩu quốc tế Cầu Treo đến 2025, và 2 bản qui hoạch chi tiết các khu chức năng. Nhân dịp này Hà Tĩnh Online đã có cuộc trò chuyện với ông Trần Báu Hà – Trưởng ban quản lý KKT Cửa khầu Cầu treo xung quanh vấn đề này.

Ông có thể khái quát về việc triển khai quy hoạch tổng thể khu phi thuế quan của cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo sau khi có quyết định 162 của Thủ tướng Chính phủ?

Căn cứ Quyết định số 155/QĐ-TTg ngày 09/02/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo, tỉnh Hà Tĩnh; Ban quản lý đã triển khai công tác lập Qui hoạch và đến ngày 30/12/2009 thì UBND tỉnh đã có VB trình Bộ XD thẩm định và trình CP phê duyệt.

Ông Trần Báu Hà – Trưởng ban quản lý Khu Kinh tế Cửa khẩu Cầu Treo
Ông Trần Báu Hà – Trưởng ban quản lý Khu Kinh tế Cửa khẩu Cầu Treo

Phạm vi lâp qui hoạch là toàn bộ Khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo với tổng diện tích là 56.685 ha, gồm 4 đơn vị hành chính: xã Sơn Kim 1, xã Sơn Kim 2, xã Sơn Tây và thị trấn Tây Sơn thuộc huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Diện tích lập quy hoạch chung xây dựng là 12.500 ha, là khu vực trung tâm khu kinh tế trải dài theo hướng Đông - Tây dọc theo Khu kinh tế, đồng thời trải dọc theo sông Ngàn Phố. Dân số đến 2025 dự kiến 5 vạn người.

Tính chất của Khu kinh tế theo qui hoạch là Khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, nhưng trọng tâm là hoạt động thương mại cửa khẩu và nông lâm nghiệp với công nghệ tiên tiến (bao gồm sản xuất công nghiệp, chế biến), có giá trị cảnh quan sinh thái nông lâm nghiệp, kết hợp bền vững với các hoạt động dịch vụ du lịch.

Đến nay đơn vị đã thu hút được mấy dự án đầu tư? Số vốn cam kết và thực hiện là bao nhiêu? Triển vọng phát triển các dự án này như thế nào?

· Sau khi có Quyết định 162 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều doanh nghiệp đã đến tìm hiểu đầu tư­ vào Khu kinh tế. Đã có 04 Nhà đầu tư được cấp giấy chứng nhận đầu tư (Công ty cổ phần đầu tư và thương mại VCT; Công ty VLI; Công ty cổ phần thuỷ điện Hương Sơn và Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp, dịch vụ Hương Sơn) với số vốn gần 1000 tỷ đồng; Trong đó dự án Nhà máy gạch và chế biến lâm nghiệp của Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp, dịch vụ Hương Sơn đã đi vào hoạt động, Nhà máy thủy điện Hương Sơn dự kiến phát điện trong Quý II năm nay; Dự án lắp ráp xe điện của Công ty VLI đã hoạt động nhưng do một số vướng mắc về chính sách thuế nên đang tạm dừng, đến nay đã có văn bản tháo gỡ chính sách, dự kiến trong QI/2010 sẽ khởi động trở lại; Dự án của Công ty VTC đang triển khai thực hiện;

BQL Khu Kinh tế đã thể hiện những động thái gì trong hoạt động phối kết hợp với các đơn vị : Hải quan, Bộ đội Biên phòng và chính quyền địa phương hai huyện biên giới Hương Sơn – Căm Cớt (Tỉnh Bulykhămxây – Lào) nhằm thúc đẩy việc thực hiện nhiệm vụ chính yếu?

Ban quản lý Khu kinh tế đã tham mưu để UBND tỉnh ban hành Quy chế quản lý và phối hợp hoạt động của Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (ngày 20/5/2009) và Quyết định sửa đổi, bổ sung Quy chế này (ngày 29/12/2009). Đồng thời Ban quản lý đã chủ trì xây dựng Quy chế phối hợp hoạt động giữa Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện Hương Sơn và Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo. Trên cơ sở đó, các cơ quan QLNN chuyên ngành tại cửa khẩu Cầu Treo, Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện Hương Sơn, huyện biên giới Căm Cớt (Tỉnh Bulykhămxây, Lào) và Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo đã phối hợp hoạt động tương đối tốt trên các mặt công tác chủ yếu như: XNK. XNC, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân tổ chức, doanh nghiệp các doanh nhân đi lại làm việc tại cửa khẩu; bồi thường, đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư; quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế,…

Về hoạt động phối kết hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành cửa khẩu Cầu Treo với các cơ quan của khẩu Namphao– Lào: Mỗi quý cả hai bên tổ chức họp giao ban 01 lần với thành phần bao gồm tất cả các cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp làm việc tại 02 cửa khẩu để rà soát toàn bộ hoạt động trong quý, đánh giá kết quả phối hợp, rút kinh nghiệm (Dựa trên cơ sở Thoả thuận Hà Nội/2007 ngày 14/9/2007 về việc tạo điều kiện thuận lợi cho người, phương tiện, hàng hoá qua lại biện giới nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc khuyến khích phát triển hợp tác đầu tư, thương mại giữa hai nước). Trọng tâm của giao ban vẫn là vấn đề: Thời gian đóng, mở cửa khẩu (từ 7h sáng đến 17h30 hàng ngày); phối hợp trong việc: chống buôn lậu, gian lận thương mại; xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, giao lưu văn hoá văn nghệ thể dục thể thao v.v…

Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải và lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh

thị sát Khu Kinh tế Cửa khẩu Cầu Treo

Ban quản lý Khu kinh tế đã giao cho Phòng quản lý hành chính cửa khẩu Cầu Treo đã chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, nhất là trạm kiểm soát Biên phòng cửa khẩu Cầu Treo; chi cục Hải Quan cửa khẩu Cầu Treo thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Phòng quản lý hành chính cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo đã chủ động bàn thảo và thống nhất với lãnh đạo Trạm kiểm soát Biên phòng cửa khẩu Cầu Treo, chi cục Hải Quan cửa khẩu Cầu Treo ký tắt quy chế phối hợp hoạt động để có cơ sở chỉ đạo cán bộ chiến sỹ thực hiện, vì vậy trong năm 2009 việc phối hợp hoạt động trên các mặt công tác chủ yếu về: XNC, XNK, thu lệ phí qua biên giới, tổng hợp thông tin báo cáo v.v... bước đầu đã đi vào nề nếp và có hiệu quả..

Ông có suy nghĩ gì khi phía cửa khẩu đối trọng của Lào chưa có khu kinh tế, khu dịch vụ thương mại lớn tầm cỡ Khu vực A-SE-AN nào?

Thực trạng hiện nay ngoài các hoạt động nhập khẩu lớn của các doanh nghiệp thì việc buôn bán qua lại biên giới chưa ở mức mạnh mẽ. Nếu có một khu kinh tế đối xứng ở phía bạn và có chính sách tương thích thì tôi nghĩ rằng việc buôn bán trao đổi hàng hóa sẽ trở nên sôi động hơn và môi trường đầu tư của cả 2 nước sẽ tăng lên nhiều hơn.

Sắp tới, Ban QLKT cửa khẩu quốc tế Cầu Treo sẽ mở hướng đi như thế nào để đẩy nhanh tiến độ thực hiện quyết định 162 của thủ tướng chính phủ?

Hướng đi thì vẫn vậy, bám sát các mục tiêu phát triển của Khu kinh tế theo Quyết định số 162/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng. Công việc thì rất nhiều nhưng một số công việc trọng điểm của Khu kinh tế trong năm 2010 có thể kể ra như:

· Tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh và các cấp có thẩm quyền để bổ sung, hoàn thiện các chính sách phát triển Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo nhằm đáp ứng đúng mục tiêu tại Quyết định số 162/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

· Tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại với nước bạn Lào và các nước láng giềng. Khai thác lợi ích kinh tế qua các cơ chế hợp tác khu vực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần vào sự phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế của Hà Tĩnh nói riêng và cả nước nói chung. Tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh thoả thuận với chính quyền tỉnh Bô-Ly-Khăm-Xay của Lào về những nguyên tắc phối hợp quản lý, điều hành, hoạt động của Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo và phía Lào trên cơ sở pháp luật hiện hành của mỗi nước và phù hợp với quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa nhân dân hai nước. Đồng thời thỏa thuận quy hoạch Khu vực giữa hai cửa khẩu, xây dựng mở rông đoạn đường nối hai cửa khẩu; Bàn bạc thống nhất với bạn về việc thành lập Khu kinh tế đối xứng có chung chính sách để tăng cường hợp tác kinh tế giữa hai bên...

Phối cảnh cửa khẩu quốc tế Cầu Treo

Bám sát các bộ ngành TW để sớm phê duyệt QH chung KKT để làm căn cứ triển khai các QHCT và các dự án đàu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; Tạo mọi điều kiện để thu hút các nguồn vốn hợp pháp khác ngoài vốn hỗ trợ mục tiêu hàng năm được cấp theo kế hoạch để có thêm vốn xây dựng hạ tầng Khu kinh tế; Xã hội hóa đầu tư một số hạng mục hạ tầng trong Khu kinh tế; Ưu tiên đẩy nhanh hạ tầng Khu vực cổng kiểm soát nội địa (Cổng B) và hạ tầng Khu công nghiệp Đại Kim để thu hút đầu tư mạnh vào Khu kinh tế; Tạo môi trường hấp dẫn thu hút đầu tư trong và ngoài nước; khai thác tối đa lợi thế sẵn có để phát triển sản xuất và các loại hình dịch vụ; đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường, từ đó tạo việc làm, thúc đẩy việc đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Phối hợp tốt với các cơ quan liên quan để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án mở rộng Quốc lộ 8 đoạn từ Phố Châu đến Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo; Triển khai xây dựng các tuyến đường phía nam sông Ngàn phố để mở rộng khai thác quỹ đất phát triển xây dựng đô thị miền núi, tạo vùng kinh tế động lực, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Hà Tĩnh.

Tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp tại Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo và phối hợp với các lực lượng để thực thi có hiệu quả công tác chống buôn lậu, kinh doanh hàng nhập lậu và các hành vi buôn lậu trái phép khác liên quan đến hoạt động của Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo.

Cám ơn ông. Chúc cho sự năng động và phát triển của Khu kinh tế Cầu Treo với tư cách là một khu kinh tế động lực trong việc đưa Hà Tĩnh phát triển nhanh và bền vững trong bối cảnh hội nhập.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast