Theo chỉ đạo của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh và triển khai công tác tiêm phòng gia súc, gia cầm đợt 1 năm 2024, toàn tỉnh tổ chức lịch tiêm phòng tập trung, hoàn thành trước ngày 30/4 và tỷ lệ đạt trên 80% tổng đàn.
Dù đã gần kết thúc thời hạn nhưng tỷ lệ tiêm phòng ở huyện Kỳ Anh vẫn còn đạt thấp. Cụ thể, tiêm phòng vắc - xin tụ huyết trùng cho trâu, bò đạt 37,3%; viêm da nổi cục đạt 14,6%; dịch tả lợn đạt 9,5%; tụ huyết trùng lợn đạt 15,2%; cúm gia cầm đạt 4%...
Theo ông Nguyễn Văn Thái - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật (KHKT) và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Kỳ Anh, ý thức chủ quan với công tác tiêm phòng gia súc, gia cầm tập trung ở những người dân chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ, nhất là 2 năm trở lại đây, địa bàn ít xảy ra các ổ dịch lớn khiến các hộ chăn nuôi bắt đầu có tâm lý chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh. Cùng đó, lực lượng thú y có chuyên môn tại cơ sở còn thiếu, một số xã phải thuê thú y từ địa phương khác về tiêm phòng khiến cho công tác theo dõi, đôn đốc nhiều lúc không kịp thời. Huyện đang tiếp tục cho rà soát tổng đàn sát thực tế để tiêm phòng bổ sung, đặc biệt là đối với vắc - xin viêm da nổi cục trên trâu bò, vắc - xin cúm gia cầm.
Tại huyện Vũ Quang - một trong những địa phương có tổng đàn gia cầm thuộc diện tiêm phòng đợt 1 lớn nhất của tỉnh (trên 245.000 con) nhưng sau 1 tháng triển khai, tỷ lệ tiêm phòng cúm gia cầm chỉ đạt gần 1%.
Trao đổi về vấn đề này, ông Trương Thanh Hà - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Vũ Quang cho biết: “Trên địa bàn huyện có 1 trang trại chăn nuôi gà lớn (trên 10.000 con) đã tiến hành tiêm vắc - xin, còn đối với chăn nuôi nông hộ (hộ gia đình, gia trại nuôi nhỏ lẻ, tự cung tự cấp), người dân chưa phối hợp với việc tiêm phòng dù ngành chuyên môn thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở”.
Qua rà soát, tại Hà Tĩnh, đợt 1 năm 2024 sẽ tiến hành tiêm phòng cho hơn 134.000 con trâu, bò; gần 247.000 con lợn; khoảng 2,3 triệu con gia cầm; hơn 111.000 con chó. Đến nay, theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, công tác tiêm phòng vắc-xin định kỳ tại các địa phương chưa đạt yêu cầu đề ra.
Toàn tỉnh mới tiêm vắc - xin viêm da nổi cục cho trâu, bò đạt hơn 64,9%; lở mồm long móng trâu bò đạt 65,3%; tụ huyết trùng trâu, bò đạt 59,1%; dịch tả lợn trên 61%; tụ huyết trùng lợn hơn 62%; cúm gia cầm chỉ đạt gần 33,5%. Một số địa phương có tỷ lệ tiêm phòng còn thấp như: huyện Kỳ Anh, TX Hồng Lĩnh, huyện Can Lộc…
Nguyên nhân chủ yếu khiến tỷ lệ tiêm phòng chưa đạt theo kế hoạch vẫn là việc thiếu ý thức của người chăn nuôi đối với công tác phòng, chống dịch bệnh; chính quyền một số địa phương còn lơ là, thiếu quan tâm trong công tác tổ chức, bám nắm cơ sở; mạng lưới thú y cơ sở còn yếu và thiếu; tồn tại tình trạng giao chỉ tiêu tiêm phòng chưa đúng đối tượng, không sát tổng đàn thực tế.
Hà Tĩnh hiện có hơn 231.000 trâu, bò; 398.000 con lợn; gần 10 triệu con gia cầm. Từ đầu năm đến nay đã xảy ra các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như dịch tả lợn Châu Phi (huyện Cẩm Xuyên, Đức Thọ), viêm da nổi cục trên trâu, bò (huyện Lộc Hà). Cùng đó, thời tiết nắng nóng, các loại vi rút, vi khuẩn gây bệnh phát triển mạnh, hiệu lực của đợt tiêm phòng trước đã hết khiến vật nuôi suy giảm sức đề kháng, dễ phát sinh lây lan các loại dịch bệnh, gây thiệt hại trong chăn nuôi. Tỷ lệ tiêm phòng đạt thấp trong khi tổng đàn gia súc, gia cầm lớn, chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm phần nhiều nên nguy cơ phát sinh, lây lan các loại dịch bệnh thời gian tới trên địa bàn tỉnh là rất cao.
Để chủ động kiểm soát tốt các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi, ngành chuyên môn đề nghị các địa phương tiếp tục rà soát tổng đàn hiện có để tiêm phòng bổ sung, đảm bảo tối thiểu 80% đàn gia súc, gia cầm được tiêm đủ, đúng loại vắc - xin phòng bệnh; thực hiện đúng quy định về nuôi, quản lý chó mèo, nhất là việc tiêm vắc - xin phòng, chống bệnh dại. Cùng đó, phân công cán bộ chuyên môn bám sát địa bàn để giám sát, hướng dẫn công tác tiêm phòng, quản lý, sử dụng vắc xin đúng chủng loại; tăng cường tuyên truyền để người chăn nuôi tự giác phối hợp trong công tác tiêm phòng dịch bệnh, chú ý vệ sinh chuồng trại sạch sẽ để góp phần bảo vệ đàn vật nuôi.
Bà Hoàng Thị Ngọc Diệp
Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh
”.