Hương Khê "nóng" chuyện đất rừng (bài 2): Cần những giải pháp mạnh!

(Baohatinh.vn) - Chuyện lấn chiếm đất rừng, có thể nói địa phương miền núi nào cũng có. Thế nhưng, trong khi các địa phương tập trung giải quyết dứt điểm, thì ở Hương Khê, sự việc vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của chính quyền, ngành chức năng và chủ rừng.

>>(Bài 1): Lấn chiếm khắp nơi

Chính quyền thiếu quyết liệt

Trong hàng chục vụ việc lấn chiếm đất rừng và rừng hiện nay ở Hương Khê, không ít vụ việc kéo dài nhiều năm nhưng chưa được quan tâm giải quyết hoặc có giải quyết nhưng không hiệu quả. Điển hình, ở tiểu khu 192 Hòa Hải, khi phát hiện dân lấn chiếm, chỉ mới 4 hộ, diện tích 15 ha, nhưng sau khi huyện và các ngành chức năng Hương Khê vào cuộc “quyết liệt” thì việc lấn chiếm ngày càng… nghiêm trọng với tổng số hộ lấn chiếm lên đến 55, diện tích 170 ha, trong đó có 165 ha dân đã trồng keo!

Rừng của Công ty Cao su Hương Khê tại xã Hương Giang tiếp tục bị lấn chiếm
Rừng của Công ty Cao su Hương Khê tại xã Hương Giang tiếp tục bị lấn chiếm

Vụ việc này, đích thân Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn cùng lãnh đạo một số ngành cấp tỉnh đã phải trực tiếp nắm tình hình và chỉ đạo giải quyết. Huyện Hương Khê đã thành lập tổ công tác, giao ông Lê Trần Sáng - Phó Chủ tịch UBND huyện (thời điểm đó - PV) làm tổ trưởng chỉ đạo giải quyết nhưng sự việc chưa “nhúc nhích” thì ông Sáng chuyển công tác, chuyển giao nhiệm vụ cho tân Phó Chủ tịch UBND huyện Ngô Xuân Ninh. Tuy nhiên, sau gần nửa năm làm tổ trưởng tổ công tác, ông Ninh chưa một lần về Hòa Hải tổ chức họp dân để nghe ý kiến và tìm phương hướng tháo gỡ! Làm việc với chúng tôi, ông Ninh cho rằng, việc giải quyết vấn đề này là… khó! Và, công tác tiếp theo của huyện, theo ông Phó Chủ tịch UBND là “sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động” - việc mà huyện đã làm cả năm nay nhưng người dân thì vẫn lấn chiếm ngày một nhiều thêm?! Còn Chủ tịch xã Hòa Hải - Phạm Hữu Nhân đưa ra giải pháp hết sức mơ hồ: “Có thể chờ cho họ thu hoạch lứa keo này rồi giải quyết!”. Theo cách nghĩ này, ít nhất cũng phải mất 5 năm nữa cây keo mới đến kỳ khai thác!

Sự “bất lực” của chính quyền và các cơ quan chức năng cũng đã “mở đường” cho người dân Hương Giang lấn chiếm trên 71,1 ha đất của Công ty Cao su Hương Khê tại tiểu khu 200 và 195. Ngay khi sự việc mới manh nha với diện tích bị lấn chiếm chỉ 0,2 ha, Công ty đã liên tục báo cáo và “kêu cứu” chính quyền địa phương nhưng đến nay, sau nhiều tháng trời, huyện Hương Khê vẫn “bó tay” trước thực trạng diện tích đất rừng bị lấn chiếm ngày càng lớn dần.

Địa phương gặp khó

Đề án giao đất, giao rừng của tỉnh đang được huyện Hương Khê triển khai thực hiện với số diện tích chuyển từ các chủ rừng Nhà nước sang cho dân sản xuất gần 5.500 ha. Với những xã có diện tích rừng phải thực hiện chuyển đổi lần này, việc người dân lấn chiếm đất rừng đang gây những khó khăn không nhỏ. Một cán bộ nói rằng, hiện nay, trong số diện tích rừng của Nhà nước cắt về cho xã để giao cho dân sắp tới, nhiều diện tích đất rừng đẹp, thuận lợi hiện đã bị các đối tượng bao chiếm, trồng cây trên đó. Khi phân chia rừng, các chủ rừng lấn chiếm đương nhiên là họ quyết giữ lấy rừng mình, trong khi đại bộ phận khác lại phải chia nhau ở phần rừng còn lại, thường là rừng kém thuận lợi hơn, xấu hơn, diện tích lại ít… Từ đó, mâu thuẫn, tranh chấp sẽ xảy ra, rất khó giải quyết.

Tình trạng lấn chiếm đất rừng khiến doanh nghiệp điêu đứng
Tình trạng lấn chiếm đất rừng khiến doanh nghiệp điêu đứng

Ông Đinh Viết Mạnh - Chủ tịch xã Hương Lâm tỏ ra lo lắng khi gần 100 ha rừng cắt về để chuẩn bị giao cho dân ở xã ông thực tế đã bị người dân xã khác xâm chiếm. Theo ông Mạnh, để đảm bảo công bằng, sẽ phải thu hồi lại tất cả rừng lấn chiếm rồi tổ chức bốc thăm. Nhưng, muốn làm được điều đó, ngoài việc vận động các hộ lấn chiếm thống nhất về quan điểm, còn phải tổ chức đo đếm, định giá tài sản trên đất, rồi tiến hành các thủ tục thanh lý, hỗ trợ cho các hộ lấn chiếm, nên sẽ rất rắc rối và phức tạp.

Đó là chưa nói đến việc thuyết phục các hộ đồng ý đưa rừng lấn chiếm của mình vào quỹ đất chung chia lại cho các hộ khác là điều hết sức khó khăn. Ngoài ra, một số diện tích rừng nhận khoán chuyển sang cũng sẽ dễ xẩy ra tình trạng tương tự. Nếu làm không khéo, có thể dẫn đến xung đột, thậm chí là tạo nên “điểm nóng”.

Doanh nghiệp điêu đứng…!

Từ hơn 1 năm nay, kể từ khi 170 ha rừng của Công ty tại tiểu khu 192 xã Hòa Hải bị lấn chiếm, Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê như vướng vào một vòng luẩn quẩn với nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh. Để bảo vệ diện tích đã bị chiếm dụng trái phép, Công ty chấp nhận chịu thiệt và đưa ra các phương án: mở đường mới vào vùng rừng của dân, hỗ trợ 50% tiền làm thủ tục giấy tờ đất, đền bù công phát sẻ và cây đã trồng trên diện tích đất lấn chiếm (trên 7 triệu đồng/ha)… nhưng dân vẫn không chịu!

Theo tinh thần chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn, huyện Hương Khê và Công ty phối hợp giải quyết dứt điểm vụ việc để Công ty tiếp tục trồng cao su từ ngày 1/8/2013. Thế nhưng, sự việc đã không diễn ra như tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh. Hậu quả là, hơn 1 năm nay, 210 công nhân của Công ty không có việc làm; hàng vạn cây giống sản xuất bị hư hỏng với giá trị thiệt hại 1,8 tỷ đồng. Đó là chưa kể việc Công ty đã bỏ ra gần 6 tỷ đồng chi phí cho việc thuê thiết kế đo vẽ, lập dự án, đánh giá tác động môi trường; nộp tiền thuê đất theo quy định cho tỉnh 1,8 tỷ đồng, cho xã 1,6 tỷ đồng…

Tương tự, ở Hương Giang, sau gần 8 tháng xảy ra việc dân lấn đất cao su, dù doanh nghiệp đã bỏ nhiều công sức gõ cửa các cơ quan chức năng nhưng sự việc không những không được ngăn chặn, mà ngược lại, diễn biến ngày càng phức tạp hơn. 71,1 ha đất rừng, trong đó khoảng 55 ha rừng sản xuất bị lấn chiếm đã ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất và việc làm của hàng trăm lao động.

Thiết nghĩ, đã đến lúc tỉnh cần có sự chỉ đạo quyết liệt hơn đối với cấp ủy, chính quyền, các ngành chức năng huyện Hương Khê trong việc giải quyết các vụ việc lấn chiếm đất rừng. Huyện Hương Khê cũng cần vào cuộc thực sự quyết liệt và có những giải pháp mạnh trong vấn đề này, nhằm sớm ổn định tình hình, tạo môi trường sản xuất ổn định, bền vững cho người dân và doanh nghiệp để phát huy tốt hơn tiềm năng, lợi thế về rừng và đất rừng…

Đọc thêm

Người dân các địa bàn phía Nam Hà Tĩnh nhanh tay ứng phó với mưa bão

Người dân các địa bàn phía Nam Hà Tĩnh nhanh tay ứng phó với mưa bão

Huyện Kỳ Anh và TX Kỳ Anh được dự báo là các địa bàn nằm trong vùng ảnh hưởng của áp thấp có thể mạnh lên thành bão tại Hà Tĩnh. Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, địa phương đã kêu gọi toàn bộ tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn; người trồng đào, mai cũng gấp rút triển khai bảo vệ cây trồng.
Tài chính thị trường ngày 18/9: Giá xăng giảm tiếp vào ngày mai?

Tài chính thị trường ngày 18/9: Giá xăng giảm tiếp vào ngày mai?

Dự báo giá xăng giảm nhẹ trong kỳ điều hành ngày 19/9; chứng khoán trong nước tăng mạnh nhất một tháng; sắp có biện pháp quản lý hàng triệu cá nhân kinh doanh online... là những tin tức tài chính thị trường đáng chú ý sáng 18/9 của Báo Hà Tĩnh.
 Dưa lưới VietGAP Thạch Lạc vào vụ thu hoạch

Dưa lưới VietGAP Thạch Lạc vào vụ thu hoạch

Sau 2 tháng gieo trồng, đến nay, hơn 3.000 m2 diện tích sản xuất dưa lưới theo tiêu chuẩn VietGAP của HT Farm xã Thạch Lạc (Thạch Hà, Hà Tĩnh) chính thức cho thu hoạch vụ thứ 2.