Nông dân Hà Tĩnh khẩn trương bảo vệ rau màu trước ảnh hưởng mưa bão

(Baohatinh.vn) - Trước tình hình mưa lớn, nông dân Hà Tĩnh đang tốc lực để tiêu thoát nước, che chắn bảo vệ rau màu, hi vọng giảm thiểu thiệt hại ở mức thấp nhất.

Chiều 18/9, tranh thủ trời ngớt mưa, ông Lê Hữu Xuân (thôn Thọ, xã Thạch Liên, Thạch Hà) ra ruộng để bơm thoát nước với hi vọng cứu được lứa dưa chuột đang đợt thu hoạch.

1.jpg
Ông Lê Hữu Xuân tích cực bơm thoát nước ra khỏi ruộng để cứu lứa dưa chuột đang đợt thu hoạch.

Ông Lê Hữu Xuân cho biết: “Chúng tôi có 1 sào dưa trồng được hơn 1 tháng và đã thu hoạch được 2 tạ. Nếu thuận lợi thì sẽ thu hoạch trong 20 ngày nữa, sản lượng hơn 1 tấn dưa, thu về khoảng 15 triệu đồng. Nhưng mấy ngày nay mưa lớn, tôi lo sợ dưa bị ngập úng, chết cây. Dù khi trồng tôi đã lên luống cao nhưng hiện có những thời điểm nước đã ngập tới gốc, gây vàng lá. Tôi đã phải bơm thoát nước đến 3 lần, hi vọng giảm thiểu thiệt hại ở mức thấp nhất. Điều lo sợ nhất là bão vào, gió lớn xô đổ cả vườn dưa thì công sức chăm sóc hơn 1 tháng qua xem như đổ sông đổ biển”.

Cách đó không xa, ông Nguyễn Đình Tý (thôn Thọ, xã Thạch Liên) cũng đang khẩn trương thu hoạch những quả mướp trên giàn, thoát nước cho luống cà, dưa chuột và che chắn nilon cho luống su hào, cải bắp vừa xuống giống. Ông Nguyễn Đình Tý cho hay: “Gia đình tôi vừa bỏ gần 2 triệu đồng để ươm cây giống sản xuất vụ đông thì gặp mưa, tôi phải nhanh chóng mua lưới, nilon để che chắn, hi vọng có thể cứu được khỏi đợt mưa này, nếu không mất cả công sức, vốn liếng”.

8.jpg
Luống rau vụ đông vừa xuống giống được ông Nguyễn Đình Tý che chắn bằng lưới, nilon để tránh ảnh hưởng của mưa lớn.

Tại làng rau gia vị La Xá (xã Tân Lâm Hương, Thạch Hà), bà con cũng đang khẩn trương thoát nước để rau không bị ngập úng.

Ông Phạm Văn Đệ (thôn La Xá) cho biết: “Gia đình tôi có 4 sào rau húng, rau quế đang cho thu hoạch và rau kinh giới, tía tô vừa lên cây mầm. Đặc điểm của cây rau gia vị, nhất là cây rau quế rất dễ bị thối rễ và chết khi ngập nước. Thế nên tôi và bà con ở đây phải liên tục ra đồng thoát nước và kiểm tra tình hình để xoay trở kịp thời. Hiện một số cây rau quế đã có dấu hiệu bị chết nhưng chưa đáng kể, chỉ mong mấy ngày tới không bị mưa lớn dồn dập, nếu không nước sẽ thoát không kịp. Sau đợt mưa này, chúng tôi sẽ tiếp tục chăm sóc, bón phân để bổ sung dinh dưỡng cho rau phát triển”.

5.jpg
Người dân làng rau La Xá thoát nước để bảo vệ rau khỏi ngập úng.

Là “vựa” rau giống lớn nhất của toàn tỉnh, bà con nông dân thôn Hồng Lĩnh (xã Vượng Lộc, Can Lộc) đang phải bám vườn để bảo vệ số cây đã xuống giống khỏi những cơn mưa xối xả có thể ập đến bất cứ lúc nào. Chị Phạm Hường (thôn Hồng Lĩnh) chia sẻ: “5 sào cây rau giống với nhiều loại như: súp lơ, su hào, bắp cải, cải mồng gà, cà chua... đang chờ để xuất bán nên gia đình rất lo lắng vì 2 ngày qua có mưa lớn. Vợ chồng phải túc trực thường xuyên để che chắn nilon, giảm thiệt hại vườn rau giống. Cùng với đó, khơi thông dòng chảy giúp ruộng, vườn thoát nước nhanh, tránh ngập úng phần rễ làm cây không phát triển được. Hễ trời tạnh mưa là tôi lại tháo nilon ra để cây được quang hợp, xới qua tầng đất mặt lên cung cấp oxy cho rễ cây”.

Được biết, toàn thôn Hồng Lĩnh có 24 hộ sản xuất cây giống rau, củ, quả với diện tích hơn 2 ha. Nhiều năm qua, thôn đã trở thành trung tâm sản xuất cây giống rau, củ, quả lớn nhất huyện Can Lộc. Bà con nông dân ở đây cố gắng duy trì, bảo vệ vườn rau để đảm bảo cung cấp nguồn cây rau giống cho hàng trăm ha vụ đông trong và ngoài tỉnh.

9.jpg
Người dân khơi thông dòng chảy, làm khô thoáng đất để cây trồng phục hồi bộ rễ.

Theo ông Nguyễn Tống Phong - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh, toàn tỉnh đang bắt đầu xuống giống rau vụ đông các loại, phân bổ chủ yếu tại huyện Thạch Hà, Đức Thọ, Cẩm Xuyên, TP Hà Tĩnh… Các đợt mưa lớn xảy ra dự báo sẽ tác động xấu đến sự sinh trưởng và phát triển của cây rau. Người dân cần chủ động bảo vệ các diện tích rau đã gieo trồng; gia cố, chằng chống các nhà màng, nhà lưới.

Sau mưa, người dân cần thực hiện ngay các biện pháp chăm sóc cây trồng theo chỉ đạo của ngành chuyên môn như: chủ động mở rộng rãnh thoát nước, xới xáo phá bỏ lớp váng khi bị ngập úng để đất thoáng, cung cấp oxy cho rễ cây; lên luống đất cao, vùn đất, bón phân (ưu tiên phân hữu cơ) nhằm tăng cường dinh dưỡng và sức đề kháng cho cây. Trường hợp cây gặp sâu bệnh sau mưa, cần sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật theo quy định.

Chủ đề Mưa lũ ở Hà Tĩnh

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tuyệt đối không chủ quan trước ảnh hưởng của bão số 6

Tuyệt đối không chủ quan trước ảnh hưởng của bão số 6

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, bão số 6 (bão Tramy) sau khi đổ bộ vào bờ, thay vì suy yếu, sẽ quay trở lại ra biển nên các địa phương, đơn vị cần cảnh báo người dân, nhất là ngư dân, tuyệt đối không được chủ quan.
Nông dân Hà Tĩnh xuống giống hoa cúc vụ tết

Nông dân Hà Tĩnh xuống giống hoa cúc vụ tết

Để giúp hoa sinh trưởng tốt, đảm bảo khung thời vụ, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ dịp tết, nhiều hộ dân trồng hoa cúc trên địa bàn Hà Tĩnh đang tập trung xuống giống.
Dư nợ nông nghiệp, nông thôn tăng trên 20%

Dư nợ nông nghiệp, nông thôn tăng trên 20%

Nhu cầu vay vốn đầu tư sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp, nông thôn tăng giai đoạn cuối năm đã đẩy dư nợ lĩnh vực này của các tổ chức tín dụng ở Hà Tĩnh tăng trưởng mạnh.
Mướt mắt trên những vườn cam chín sớm

Mướt mắt trên những vườn cam chín sớm

Dù năng suất cam năm nay đạt thấp hơn mọi năm nhưng bù lại được giá nên các nhà vườn ở huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) vẫn phấn khởi, bà con đang nhanh tay thu hoạch những quả chín sớm.