Đánh bắt hải sản trong mùa mưa bão - hiểm nguy rình rập

(Baohatinh.vn) - Hầu như năm nào cũng có ngư dân Hà Tĩnh gặp tai nạn khi đánh bắt hải sản trên biển nên trong những tháng nhiều mưa bão hiện nay, cần chú trọng đảm bảo an toàn.

DSC_0225 - Copy.JPG
Tai nạn thương tâm trên biển khiến gia đình mất đi trụ cột, giờ đây, chị L. (người thứ 3 từ phải sang, trú ở xã Thịnh Lộc, Lộc Hà) phải nuôi 2 con ăn học trong điều kiện đau yếu triền miên.

Cứ mỗi lần nghe tin báo bão, biển nổi sóng là trong lòng chị L.T.L. ở thôn Yên Điềm, xã Thịnh Lộc (Lộc Hà) lại đau xót khôn nguôi. Tất cả cũng chỉ vì miếng cơm manh áo cho cả gia đình, phải lo toan cho con cái ăn học mà chồng chị đã mạo hiểm đánh bắt hải sản ở vùng lộng khi thời tiết bất thuận. Và rồi, điều không may đã xảy ra, một cơn sóng dữ cách đây hơn 2 năm đã biến gia đình yên ấm của chị thành cảnh “mẹ góa, con côi”. Chị L. hiện cũng đang đau yếu.

Trước đó mấy năm, anh trai chồng chị L.T.L. cũng mãi mãi ra đi vì lý do tương tự khi áp lực mưu sinh phải đi biển trong điều kiện thời tiết không an toàn. Đây là những mất mát rất lớn, là vết thương lòng luôn ám ảnh khôn nguôi nên chị đã thường xuyên nhắc nhở người thân, xóm giềng phải chú ý an toàn khi đi làm mùa biển động.

123 - Copy.jpg
Tàu thuyền nhỏ nhưng nhiều ngư dân Thịnh Lộc vẫn đi sản xuất trong điều kiện gió cấp 4 - cấp 5 (cách bờ khoảng 1 - 2 hải lý).

Dẫu sự việc đã qua đi tròn 2 năm, nhưng anh Trần Văn Sơn ở TDP Phú Mậu (thị trấn Lộc Hà) vẫn không thể nào quên được thời khắc mình và 3 bạn nghề bị chìm thuyền, giữa sự sống và cái chết chỉ cách nhau một vành nan thúng suốt 5 tiếng trên vùng biển cách bờ 30 hải lý. Vì đã phải trải qua những thời khắc sinh tử, mất hết phương tiện và ngư cụ nên giờ đây việc đảm bảo an toàn khi sản xuất luôn được ngư dân này đặt lên hàng đầu.

Anh Sơn chia sẻ: “Sau vụ tai nạn mất hết phương tiện, ngư cụ và suýt chết ấy, chúng tôi không dám liều lĩnh khi đi biển khi thời tiết xấu. Trong mỗi chuyến biển chúng tôi đều mang theo thuyền thúng, áo phao (những thứ đã từng cứu sống 4 người) để đảm bảo an toàn. Ngoài ra, chúng tôi cũng rút ra kinh nghiệm, nếu không may gặp tai nạn thì cần bình tĩnh, kiên trì, không được nóng vội và phải đồng tâm hợp lực để sống sót”.

Thuyền thúng và áo phao đã trở thành những vật "bất ly thân" của anh Sơn trong những chuyến vươn khơi dài ngày.

Thuyền thúng và áo phao đã trở thành những vật "bất ly thân" của anh Sơn trong những chuyến vươn khơi dài ngày.

Là người từng suýt chết vào ngày 25/9/2023 khi đang đi lặn sò cách bờ 3 hải lý thì bị sóng lớn đánh chìm thuyền, anh Nguyễn Văn Tùng ở thôn 2, xã Cẩm Lĩnh (Cẩm Xuyên) chia sẻ kinh nghiệm: “Để đảm bảo an toàn thì thấy thời tiết không thuận lợi là không đi sản xuất; khi đang sản xuất thấy giông lốc, sấm sét, sóng lớn bất thường là phải nhanh chóng vào bờ. Ngoài ra, trong mùa mưa bão này, ngư dân cần theo dõi thời tiết thường xuyên, kiểm tra máy móc phương tiện cẩn thận...”.

Theo kinh nghiệm của những ngư dân lành nghề, thời điểm trước lúc biển động thường có rất nhiều tôm cá, nhất là ở khu vực gần bờ nên nhiều người mạo hiểm để đánh bắt. Nhưng, đây cũng là lúc nguy hiểm nhất bởi sóng to, gió lớn, giông lốc dữ dội có thể xuất hiện bất cứ nơi nào. Trong khi đó, máy móc, thuyền bè của ngư dân chủ yếu là loại nhỏ, không được bảo dưỡng thường xuyên, các điều kiện đảm bảo an toàn còn hạn chế, cộng thêm tâm lý hoảng loạn nên rất dễ lật thuyền, bị tai nạn...

DSC_0697 - Copy.JPG
Ngư dân Xuân Liên (Nghi Xuân) "treo" thuyền trong những ngày biển động.

Hà Tĩnh hiện có 2.514 tàu cá với khoảng 15 nghìn lao động biển; trong đó 83 tàu cá có chiều dài trên 15m hoạt động vùng khơi, 292 tàu có chiều dài từ 12 – 15m hoạt động vùng lộng và 2.139 tàu từ 6 - 12m hoạt động ven bờ. Do nhiều nguyên nhân khác nhau nên những năm qua, hầu như mùa mưa bão nào Hà Tĩnh cũng có tàu thuyền, ngư dân gặp nạn khi đang sản xuất trên biển. Vì vậy, việc đảm bảo an toàn cho tàu thuyền, ngư dân, ngư cụ trong những thời điểm này phải luôn được các cấp, ngành và chính mỗi ngư dân quan tâm.

DSC_0709.JPG
Biết thời điểm này nhiều tôm cá nhưng sóng gió đã tăng lên cấp 5 nên ngư dân Thạch Lạc (Thạch Hà) vẫn quyết định đưa tàu lên bờ.

Thượng tá Bùi Việt Dũng – Phó Tham mưu trưởng BĐBP Hà Tĩnh cho biết: “Ngoài việc sẵn sàng nhân lực, phương tiện để tham gia cứu hộ, cứu nạn trên biển, thời điểm này, chúng tôi cũng tập trung phối hợp với ngành NN&PTNT, cấp ủy, chính quyền các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nhắc nhở bà con ngư dân tăng cường tu sửa, bảo dưỡng máy tàu, máy phát điện, kiểm tra hệ thống thông tin liên lạc để đảm bảo thông suốt, nâng cao ý thức phòng tránh và chủ động bảo vệ tính mạng, tài sản của mình.

Cùng với thiết bị giám sát hành trình, chúng tôi cũng khuyến khích bà con mua sắm thêm máy thông tin liên lạc tầm xa (máy ICOM), lắp đặt thêm thiết bị nhận dạng tàu cá (AIS), mua sắm thêm áo phao và các thiết bị đảm bảo an toàn. Ngoài ra, trong mùa mưa bão bão này, chúng tôi đã tăng cường theo dõi sát sao tình hình diễn biến thời tiết để thông tin, kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú kịp thời, hỗ trợ bà con đưa tàu thuyền lên bờ hoặc chằng néo kiên cố, ngăn chặn triệt để các tàu xuất bến, xuất lạch khi thời tiết còn xấu...”.

Chủ đề Đánh bắt - Nuôi trồng thủy hải sản

Đọc thêm

Khai mạc tuần lễ hồng Bình Du Vũ Quang

Khai mạc tuần lễ hồng Bình Du Vũ Quang

Hoạt động này nhằm giới thiệu, quảng bá đặc sản hồng Bình Du và các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) đến với người tiêu dùng trong và ngoài địa phương.
Vũ Quang có thêm 4 sản phẩm OCOP 3 sao

Vũ Quang có thêm 4 sản phẩm OCOP 3 sao

Các sản phẩm OCOP không chỉ góp phần mang lại thu nhập ổn định cho cơ sở sản xuất mà còn góp phần hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới trên địa bàn huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh).
Khấm khá nhờ nuôi con “đặc sản”

Khấm khá nhờ nuôi con “đặc sản”

Với chi phí thấp, đầu ra ổn định, mô hình nuôi dúi và chồn hương sinh sản của anh Nguyễn Văn Hùng ở thị trấn Xuân An (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Lo phòng ngừa dịch bệnh cho tôm sau mưa lớn

Lo phòng ngừa dịch bệnh cho tôm sau mưa lớn

Người nuôi tôm Hà Tĩnh đang tăng cường áp dụng các biện pháp ổn định môi trường ao nuôi và tăng sức đề kháng, giảm thiểu dịch bệnh sau đợt mưa lớn vừa qua.
Điều tiết xả tràn 2 thủy điện lớn ở Hà Tĩnh

Điều tiết xả tràn 2 thủy điện lớn ở Hà Tĩnh

Nhà máy Thủy điện Hố Hô liên tục điều tiết qua tràn từ tối qua đến sáng nay; trong khi đó, từ 13h30 chiều nay, Nhà máy Thủy điện Hương Sơn (Hà Tĩnh) sẽ xả tràn điều tiết qua các cửa van đập tràn.