Người dân Vũ Quang chủ động đưa tài sản lên nhà tránh lũ

(Baohatinh.vn) - Trước diễn biến mưa lớn kéo dài do bão số 4 gây ra, người dân vùng “rốn lũ” Vũ Quang (Hà Tĩnh) đã chủ động đưa tài sản đến nơi an toàn.

IMG_9636 copy.jpg
IMG_9621 copy.jpg
Gia đình ông Đặng Thế An ở thôn Hương Thọ (xã Đức Hương) chủ động ứng phó với mưa lũ.

Từ sáng sớm nay, vợ chồng ông Đặng Thế An ở thôn Hương Thọ (xã Đức Hương) đã khẩn trương di dời tài sản lên nhà tránh lũ để đảm bảo an toàn. Theo ông An, mỗi khi thời tiết có mưa lớn kéo dài, toàn thôn Hương Thọ - nơi sông Ngàn Sâu bao quanh lại bị cô lập, do đó, chủ động ứng phó không bao giờ thừa.

Ông An cho biết: "Khi nghe tin đài báo mưa lớn kéo dài do bão số 4 gây ra, gia đình tôi đã di chuyển, kê cao đồ đạc, tìm cách bảo quản tài sản trong nhà. Đồng thời, sửa chữa lại thuyền để dùng khi nước lũ dâng cao. Hiện tại, gia đình đã chuẩn bị xong mọi công tác ứng phó”.

IMG_9671 3 copy.jpg
Gia đình ông Nguyễn Mậu Mùi ở thôn Hương Thọ (xã Đức Hương) đang di chuyển lúa lên nhà tránh lũ.

Cùng với ông An, gia đình ông Nguyễn Mậu Mùi ở thôn Hương Thọ cũng đang gấp rút di chuyển tài sản. Ông Mùi cho biết: “Dù hiện tại mực nước sông Ngàn Sâu chưa lên cao nhưng dự báo khi mưa lớn kéo dài, nước từ thượng nguồn đổ về nhiều sẽ gây ra tình trạng ngập lụt diện rộng. Rút kinh nghiệm từ những mùa lũ trước, gia đình tôi đã chuẩn bị đầy đủ các loại nhu yếu phẩm thiết yếu, đưa tài sản lên nhà tránh lũ để hạn chế thiệt hại nếu lũ dâng cao. Cùng đó, di chuyển đàn bò 3 con từ trại về nhà để đảm bảo an toàn”.

Theo nhiều người dân thôn Hương Thọ (xã Đức Hương), do nằm ở vùng thấp trũng, lại sát bên dòng sông Ngàn Sâu nên chỉ cần trời mưa to liên tục ít giờ thì nước lũ đã dâng lên. Nếu không chuẩn bị tốt các phương án, hậu quả sẽ khó lường trước. Do đó, bà con luôn chủ động để đảm bảo an toàn.

IMG_9663 copy.jpg
Người dân xã Đức Hương chuẩn bị thuyền trong trường hợp cần thiết.

Ông Phạm Quốc Bảo - Phó Chủ tịch UBND xã Đức Hương cho biết: “Hiện nay, các kế hoạch, phương án tổ chức sử dụng lực lượng và phương tiện đều được xã xây dựng chi tiết đến từng thôn. Đặc biệt, địa phương có 3 thôn: Hương Đồng, Hương Đại và Hương Phố thường xuyên bị cô lập, với gần 400 hộ dân bị ảnh hưởng đã được xã lên phương án sơ tán cụ thể”.

Tại xã Đức Bồng, công tác ứng phó với mưa lũ cũng được bà con khẩn trương thực hiện. Đang nhanh tay di chuyển lúa lên nhà tránh lũ, bà Nguyễn Thị Bình (thôn 1, xã Đức Bồng) cho biết: “Từ chiều qua và sáng nay được chính quyền địa phương cũng như các phương tiện thông tin đại chúng thông tin, bà con chúng tôi đã chủ động gia cố lại nhà cửa, đưa tài sản có giá trị lên cao, cùng đó chủ động các nhu yếu phẩm thiết yếu như: mỳ tôm, thuốc… phòng khi lũ lên cao còn có để sử dụng”.

IMG_9685 copy.jpg
Nhà tránh lũ giúp người dân vùng lũ Vũ Quang bảo vệ người và tài sản khi lũ dâng cao.

Kinh nghiệm sống chung với lũ lâu năm, bà con Vũ Quang đã chủ động thực hiện các giải pháp để ứng phó nhằm hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra. Điều này không chỉ giúp bà con an toàn trong mùa lũ mà còn góp phần giúp các cấp thực hiện tốt công tác phòng, chống mưa bão trên địa bàn.

IMG_9668 copy.jpg
Chủ động ứng phó với mưa lũ giúp người dân Vũ Quang hạn chế tối đa thiệt hại.

Ông Trần Lê - Trưởng phòng NN&PTNT kiêm Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Vũ Quang cho biết: "Đến thời điểm hiện tại, mọi công tác chuẩn bị ứng phó với ảnh hưởng của cơn bão số 4 đã cơ bản được huyện hoàn tất. Riêng đối với vùng “rốn lũ” gồm 6 xã: Đức Liên, Đức Hương, Đức Bồng, Đức Giang, Đức Lĩnh, Ân Phú (trong đó, 2 xã thường ngập sâu nhất là Đức Bồng và Đức Hương), địa phương đã triển khai lực lượng kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt để chủ động tổ chức di dời, sơ tán dân khi có tình huống xảy ra. Bên cạnh đó, công tác đảm bảo hậu cần, lực lượng, phương tiện phòng chống bão lụt cũng được huyện chuẩn bị kỹ lưỡng để huy động khi cần thiết".

Cũng theo ông Lê, để đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và tài sản khi mưa lớn kéo dài, địa phương đã cử người trực và hướng dẫn giao thông tại các khu vực xung yếu, nghiêm cấm đánh bắt cá ở những khu vực lũ nguy hiểm.

Chủ đề ỨNG PHÓ MƯA BÃO

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.
Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa rộng rãi, tác động lên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Cùng cả nước, nông thôn Hà Tĩnh đang vươn lên mạnh mẽ trên hành trình chuyển đổi số.
Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Thời điểm này, người trồng hoa cúc ở thôn Xuân Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đang tất bật xuống giống, chăm sóc vụ hoa tết để kịp cung ứng thị trường cuối năm.