Vì sao người dân vùng thượng Can Lộc thu hẹp diện tích trồng bưởi?

(Baohatinh.vn) - Thời tiết không thuận lợi, việc chăm sóc gặp nhiều khó khăn, cây thoái hóa, khiến người dân vùng trà sơn (Can Lộc, Hà Tĩnh) đang dần thu hẹp diện tích trồng bưởi.

Thay cho việc chuẩn bị vệ sinh vườn trồng, cắt tỉa cành, bón phân bổ sung dinh dưỡng phục hồi cho cây bưởi sau một mùa thu hoạch, những ngày này, anh Trần Thư Phúc ở thôn Thanh Mỹ, xã Thượng Lộc (Can Lộc) lại đang tranh thủ phá bỏ vườn bưởi để chuyển đổi cây trồng.

1.2.jpg
Anh Trần Thư Phúc ở thôn Thanh Mỹ (xã Thượng Lộc) phá bỏ vườn bưởi để trồng keo, tràm.

Anh Phúc chia sẻ: “Vườn bưởi 1 ha của tôi đã từng được xem là một trong những vườn đẹp trong thôn. Thời kỳ đỉnh cao cách đây 3 năm, vườn bưởi mang lại thu nhập 70-80 triệu đồng/1 mùa thu hoạch. Tuy nhiên, sau 3 năm trồng thì bưởi mới cho thu hoạch và đến năm thứ 7 trở đi, cây bắt đầu thoái hóa. Việc chăm sóc bưởi cần phải đầu tư công sức lớn nên tôi đành phải chuyển đổi sang trồng keo, tràm, vừa có thu nhập, vừa không mất công chăm bón”.

Cùng chung thực trạng, nhiều gia đình ở thôn Thanh Mỹ như: anh Trần Thư Hải, Trần Thư Duẩn, Nguyễn Huy Xuân, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Thị Nga... cũng đã phá bỏ diện tích trồng bưởi để trồng các loại rau màu.

1.3.jpg
Chị Nguyễn Thị Nga đã thay thế vườn bưởi thoái hóa bằng các loại rau quả ngắn ngày cho thu nhập cao.

“Trồng bưởi đòi hỏi phải có kỹ thuật, đầu tư công sức, đặc biệt đến mùa ra hoa phải thụ phấn cho cây mới có quả. Trong khi đó, thời tiết nắng nóng kéo dài, việc tưới cây hết sức khó khăn do không chủ động nguồn nước nên tỷ lệ đậu quả đạt thấp. Chính vì thế, gia đình tôi cũng đã phá bỏ gần 1 ha bưởi để trồng rau màu”, chị Nguyễn Thị Nga ở thôn Thanh Mỹ cho hay.

Từ lâu, xã Thượng Lộc được xem là “thủ phủ” của cam, bưởi ở Can Lộc. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, theo chu kỳ sinh trưởng, cây bưởi thoái hóa, việc chăm sóc của người dân không đảm bảo nên chất lượng quả thấp, đầu ra sản phẩm khó khăn. Nhiều gia đình không còn mặn mà với loại cây từng được xem là thế mạnh kinh tế trên vùng bán sơn địa này.

1.4.jpg
Bước sang mùa thu hoạch thứ 2 nhưng năm nay do nắng hạn, chất lượng bưởi đạt thấp nên gia đình bà Nguyễn Thị Phương (thôn Anh Hùng, xã Thượng Lộc) có một mùa bưởi thu nhập kém hiệu quả.

Ông Nguyễn Hải – Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Lộc cho biết: “Năm nay, nắng nóng kéo dài vào thời điểm cây trổ hoa nên tỷ lệ đậu quả không cao, quả nhỏ, giá thấp so với trước nên người dân có một mùa vụ kém vui. Thêm vào đó, đầu ra sản phẩm cũng khó khăn nên nhiều người đã chặt phá vườn bưởi để chuyển đổi cây trồng. Đến thời điểm hiện tại, toàn xã còn khoảng 102 ha bưởi, giảm 19 ha so với năm 2023”.

1.1.jpg
Những vườn bưởi thoái hóa đang chuẩn bị được phá bỏ.

Tình trạng diện tích trồng bưởi ngày càng thu hẹp cũng diễn ra khá phổ biến ở một số xã vùng trà sơn của huyện Can Lộc. Tại Gia Hanh, năm 2023, toàn xã có khoảng 70 ha bưởi thì đến thời điểm hiện tại cũng chỉ còn khoảng 40 ha. Tương tự, ở xã Thường Nga, diện tích trồng bưởi trên địa bàn chỉ còn khoảng 18 ha, giảm 7 ha so với năm trước...

Ông Phan Đình Thành – Phó Chủ tịch UBND xã Gia Hanh thông tin: “Diện tích trồng bưởi phần lớn tập trung tại thôn Tân Bình. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, cây thoái hóa, hiệu quả kinh tế thấp, người dân không còn mặn mà nên đã bắt đầu phá bỏ để chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả khác có hiệu quả kinh tế hơn như: na, ổi, sim...”.

Được biết, trên địa bàn huyện Can Lộc hiện có 962 ha trồng cam, bưởi, chủ yếu tập trung ở các xã vùng trà sơn, trong đó diện tích bưởi là 322 ha. Tuy nhiên, thời gian qua, theo chu kỳ sinh trưởng và do một số gia đình không có điều kiện chăm sóc nên diện tích bưởi bị thoái hóa khá nhiều, hiệu quả kinh tế không cao nên người dân đã phá bỏ.

1.5.jpg
Diện tích bưởi dần thu hẹp, thay vào đó là các vườn rau màu và keo tràm.

Trước tình hình diện tích trồng bưởi ở vùng trà sơn đang dần bị thu hẹp, huyện đã chỉ đạo các địa phương rà soát và chuyển đổi diện tích bưởi bị thoái hóa sang các loại cây trồng khác. Với tiềm năng, lợi thế và điều kiện thổ nhưỡng phù hợp, huyện cũng khuyến khích người dân phát triển cam giòn. Đây là loại cây đặc sản đã có thương hiệu ở vùng trà sơn mang lại giá trị kinh tế cao cho bà con, được thị trường ưa chuộng. Trong định hướng phát triển kinh tế, từ nay đến năm 2025, huyện sẽ cố gắng tăng diện tích cam giòn lên 200 ha.

Ông Phan Cao Kỳ - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Can Lộc

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Khai mạc tuần lễ hồng Bình Du Vũ Quang

Khai mạc tuần lễ hồng Bình Du Vũ Quang

Hoạt động này nhằm giới thiệu, quảng bá đặc sản hồng Bình Du và các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) đến với người tiêu dùng trong và ngoài địa phương.
Vũ Quang có thêm 4 sản phẩm OCOP 3 sao

Vũ Quang có thêm 4 sản phẩm OCOP 3 sao

Các sản phẩm OCOP không chỉ góp phần mang lại thu nhập ổn định cho cơ sở sản xuất mà còn góp phần hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới trên địa bàn huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh).
Khấm khá nhờ nuôi con “đặc sản”

Khấm khá nhờ nuôi con “đặc sản”

Với chi phí thấp, đầu ra ổn định, mô hình nuôi dúi và chồn hương sinh sản của anh Nguyễn Văn Hùng ở thị trấn Xuân An (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Lo phòng ngừa dịch bệnh cho tôm sau mưa lớn

Lo phòng ngừa dịch bệnh cho tôm sau mưa lớn

Người nuôi tôm Hà Tĩnh đang tăng cường áp dụng các biện pháp ổn định môi trường ao nuôi và tăng sức đề kháng, giảm thiểu dịch bệnh sau đợt mưa lớn vừa qua.
Điều tiết xả tràn 2 thủy điện lớn ở Hà Tĩnh

Điều tiết xả tràn 2 thủy điện lớn ở Hà Tĩnh

Nhà máy Thủy điện Hố Hô liên tục điều tiết qua tràn từ tối qua đến sáng nay; trong khi đó, từ 13h30 chiều nay, Nhà máy Thủy điện Hương Sơn (Hà Tĩnh) sẽ xả tràn điều tiết qua các cửa van đập tràn.