Linh hoạt ứng phó với bão lũ

(Baohatinh.vn) - Nhằm linh hoạt ứng phó với bão lũ, các tiểu ban phòng chống bão lụt – tìm kiếm cứu nạn đã chủ động xây dựng các phương án cụ thể với những tình huống giả định sát đúng tình hình thực tế, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.

Ông Ngô Đức Hợi - Chánh văn phòng Thường trực phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết: Theo dự báo, trong năm nay, Hà Tĩnh có thể xẩy ra bão mạnh, siêu bão với tần suất rất cao, tính chất ngày càng nghiêm trọng. Vì vậy, các tiểu ban, ngành, đơn vị và chính quyền địa phương cần tập trung xây dựng các phương án một cách căn cơ, kết hợp với kinh nghiệm truyền thống, thực tiễn của địa phương để linh hoạt, sáng tạo, chủ động triển khai thực hiện sát tình hình nhằm giảm thiểu thiệt hại.

linh hoat ung pho voi bao lu

Phương án neo đậu tàu thuyền trong mùa mưa bão được Tiểu ban An toàn nghề cá xây dựng chi tiết, khoa học.

Dự báo, cảnh báo kịp thời, chính xác về thời tiết có vai trò hết sức quan trọng để từ đó cả hệ thống chính trị cùng người dân chủ động vào cuộc ứng phó với thiên tai. Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Trần Đức Bá cho biết: Trước sự biển đổi khí hậu toàn cầu gây ra những diễn biến bất thường, khiến công tác dự báo, cảnh báo, khí tượng thủy văn trở nên khó khăn và phức tạp hơn. Năm nay, các bản tin dự báo, cảnh báo lũ sẽ được phát sớm hơn từ 15-30 phút so với trước đây và chuyển ngay đến các sở, ban, ngành liên quan để góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng chống thiên tai. Đặc biệt, chuyển thông tin qua tin nhắn điện thoại và qua mạng internet khi có thiên tai xẩy ra nhằm rút ngắn thời gian xử lý thông tin, cung cấp thông tin phục vụ chỉ đạo điều hành kịp thời hơn.

Hà Tĩnh có hơn 5.000 tàu thuyền hoạt động khai thác hải sản, trong khi đó, hầu hết các khu neo đậu tránh trú bão lại bị bồi lắng nghiêm trọng, gây khó khăn cho tàu cá ra vào neo đậu. Ông Nguyễn Công Hoàng - Phó Tiểu ban An toàn nghề cá trên biển cho biết: Để đảm bảo an toàn cho người và tàu cá, trong trường hợp vượt khả năng của các địa phương, tỉnh sẽ bố trí mỗi huyện vùng ven biển 20 tàu cá có công suất từ 40-90 CV và tàu kiểm ngư của Chi cục Thủy sản làm phương tiện cứu hộ, cứu nạn tại các khu vực Xuân Hội (Nghi Xuân); Thạch Kim, Thạch Bằng (Lộc Hà); Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên); Kỳ Hà, Kỳ Ninh (TX Kỳ Anh)…

Đối với loại tàu nhỏ tại 30 xã ven biển, sẽ thành lập mỗi địa phương một tổ đội 25-30 người để tổ chức kéo tàu lên bờ khi có bão, áp thấp xẩy ra. Ngoài ra, xây dựng phương án neo đậu tàu thuyền khi có bão xẩy ra. Trong đó, khu vực huyện Nghi Xuân cho neo đậu tránh trú bão tại các khu vực dọc sông Lam, Lạch Kèn; khu vực huyện Thạch Hà, Lộc Hà, các tàu thuyền sẽ di chuyển về neo đậu ở cầu Hộ Độ, sông Cày; các tàu cá ở Cẩm Xuyên bố trí neo đậu ở Cửa Nhượng hoặc sông Quèn (Cẩm Lộc) và sông Rác (đoạn qua Cẩm Lĩnh)…

Bão tố và hoàn lưu sau bão hầu như sẽ gây ngập lụt cục bộ, làm chia cắt các tuyến đường, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân, đồng thời, gây khó khăn cho công tác cứu hộ, cứu nạn. Để kịp thời xử lý những tình huống xấu xẩy ra, Sở GTVT đã tiến hành triển khai phương án phòng chống thiên tai trên cơ sở quán triệt phương châm “4 tại chỗ”. Tăng cường công tác chuẩn bị vật tư, thiết bị dự phòng đủ cơ số tại các địa bàn xung yếu. Theo ông Bùi Đức Đại - Phó Giám đốc Sở GTVT, hiện ngành đã tập kết 453 m3 đá hộc, 227 rọ đá, 500 bao tải và 2 bộ cầu lắp ghép, cầu tạm để kịp thời sử dụng khi cần thiết. Ngoài ra, bố trí 5 ô tô tải, 10 ô tô khách, 6 xuồng cao tốc, ca nô các loại và máy xúc làm phương tiện cứu hộ, cứu nạn…

Các tiểu ban, ngành cùng chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh cơ bản đã hoàn thiện các phương án phòng chống bão lũ theo nguyên tắc “Chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả” .

Chủ đề Hạn hán - Thiên tai

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast