Mùa hoa tết

(Baohatinh.vn) - Nhiều năm lại nay, trên địa bàn Hà Tĩnh có khá nhiều nơi chuyên trồng hoa phục vụ nhu cầu nhân dân trong dịp tết, trong đó nổi bật nhất là làng đào Thạch Quý, hoa ly Thạch Môn... Tuy nhiên, tùy từng năm, tùy theo thời tiết mà người trồng hoa cũng... những vui buồn.

Như mọi năm thì cữ này, ông Trần Hữu Sỹ (khối phố Trung Đình – Thạch Quý) đang tất bật hãm gốc, cuốc cỏ chăm sóc vườn đào thế để đến 15/11 âm lịch là bắt đầu tuốt lá chờ hoa nở. Nhưng năm nay, vườn đào thế 250 gốc hứa hẹn mùa hoa thắm chỉ còn lơ thơ vài chục gốc do hậu quả của trận mưa to hồi đầu tháng 5.

Xã viên HTX “Làng tôi” chăm sóc hoa ly.
Xã viên HTX “Làng tôi” chăm sóc hoa ly.

Ông cho biết: “Đang trong mùa hè nóng nực, trận mưa to bất ngờ làm ngập vườn hơn 1 ngày nên đào không chịu được đã chết dần. Vườn của tôi thấp nhất nên đào chết nhiều nhất, tính ra cũng thất thoát trên dưới 100 triệu đồng”. Nhìn những luống đào héo hắt, chúng tôi cũng không khỏi chạnh buồn.

Cũng dịp này năm ngoái, chúng tôi đến đây, gốc nào cũng nhú muôn búp tơ, vậy mà năm nay, trên những cây còn sót lại, cành nào cũng rũ buồn. Tương tự như vậy, vườn đào của ông Trần Hữu Lục ở khối phố Hậu Thịnh cũng bị chết quá nửa. Ngoài ra, đào chết mất 20-30% là tình trạng phổ biến ở Thạch Quý trong mùa hoa năm nay.

Hiện các hộ trồng đào ở Thạch Quý có khoảng 4.000 gốc, sau trận mưa lớn hồi tháng 5 còn lại chưa đầy 2.000 gốc. Anh Trần Hữu Phúc - Chủ tịch Hội Nông dân phường Thạch Quý cho biết: “Nguyên nhân các vườn đào bị ngập úng là do hệ thống tiêu thoát nước chậm, hơn nữa, các vùng quy hoạch khu dân cư đang làm dở dang cũng ảnh hưởng đến việc thoát nước, dẫn đến tình trạng đáng tiếc cho các vườn đào”.

Điều đáng nói là, người trồng đào không chỉ mất số gốc đã chết mà số đào còn lại cũng không thể phát triển khỏe mạnh như bình thường. Chính vì thế, bên cạnh việc chăm sóc những gốc đào còn lại, ông Trần Hữu Sỹ đang nghĩ đến kế hoạch gây dựng lại vườn đào cho mùa sau. Trong tình trạng nước vẫn thoát chậm như hiện nay thì việc duy nhất có thể cải thiện được tình hình là tôn cao vườn. Nếu làm thế thì theo ông Sỹ, những vườn thấp như của gia đình ông buộc phải hy sinh ½ diện tích vườn để lấy đất đắp cho ½ còn lại, bởi không thể lấy đất tạp ở bên ngoài. Điều này đồng nghĩa với việc, làng đào Thạch Quý tiếp tục bị thu hẹp diện tích.

Trái ngược với không khí đượm buồn ở làng đào Thạch Quý, không khí tại các HTX rau, hoa ở Thạch Môn khá nhộn nhịp, phấn khởi. Gần 6.000 gốc hoa ly tím và vàng tại HTX rau “Làng tôi” và 3.000 gốc cúc tại HTX Rau an toàn được trồng từ tháng 10 đã phát triển tốt và bắt đầu phân nhánh, đơm nụ, hứa hẹn mùa bội thu.

Hiện nay, tại HTX rau “Làng tôi”, ngày nào các xã viên cũng có mặt ở 2 nhà kính để theo dõi sự phát triển của hoa ly. Ly trồng trên đất Thạch Môn là loại ly nhập khẩu từ Hà Lan, tuy bông không lớn như hoa trồng ở Đà Lạt nhưng được nhiều người chơi hoa ưa chuộng. Tính đến nay, đây là mùa thứ 6 hoa ly về trên đất Thạch Môn. Khác với rau, đầu ra của hoa rất ổn định. Từ mấy năm nay, Thạch Môn là địa chỉ quen thuộc của người chơi hoa và thương lái.

Ông Nguyễn Xuân Tần – Chủ tịch HĐQT HTX rau “Làng tôi” cho biết: “Hoa ly tuy cho hiệu quả kinh tế cao (gấp 10 lần trồng hoa màu) nhưng do thời tiết khắc nghiệt nên chúng tôi chỉ trồng được đúng 1 mùa vào dịp tết. Hơn nữa, đất trồng ly chỉ được 1 mùa, trong khi đó, nhà kính thì cố định nên mỗi năm chúng tôi lại phải đổi đất 1 lần và việc chăm hoa cũng rất vất vả, chỉ cần lơ là một chút là hỏng việc”. Nhìn những luống hoa đều ngăn ngắt với muôn vàn nhánh vừa nhú, chúng tôi hiểu, xã viên không chỉ trồng ly vì mục đích kinh tế mà ở họ còn có niềm đam mê thực sự.

Gần 2 tháng nữa là dịp để chơi hoa. Cùng với nỗi xót xa của người trồng đào thì người chơi đào cũng buồn không kém bởi những gốc đào họ ướm chọn từ năm ngoái hoặc là không còn, hoặc còn nhưng không đẹp như mong muốn. Dẫu vậy, chúng tôi tin, niềm đam mê với đào bích cũng không vì thế mà giảm sút. Còn những ai yêu mến hoa ly thì hãy đợi. Một mùa vui đang về.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast