Nâng cao chất lượng nguồn nước cho người dân nông thôn Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS&VSMTNT) Hà Tĩnh đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư nâng cấp hạ tầng nhằm nâng cao chất lượng nguồn nước cho hàng nghìn hộ dân nông thôn.

Thêm hàng nghìn hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch

Tháng 4/2022, công trình đầu tư mạng lưới đường ống nước sạch xã Bình An kết nối vào nhà máy nước Thạch Bằng (Lộc Hà) với tổng mức đầu tư trên 12 tỷ đồng hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Nâng cao chất lượng nguồn nước cho người dân nông thôn Hà Tĩnh

Gia đình bà Nguyễn Thị Tờ phấn khởi khi được sử dụng nguồn nước sạch.

Từ đây, niềm mong mỏi được sử dụng nguồn nước sạch của hơn 950 hộ dân xã Bình An bao lâu nay đã trở thành hiện thực. Có nước sạch, không chỉ nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo sức khỏe Nhân dân mà còn giúp địa phương củng cố tiêu chí nước sạch và vệ sinh môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

Bà Nguyễn Thị Tờ (thôn Quyết Thắng, xã Bình An) chia sẻ: “Bao đời nay, người dân địa phương chúng tôi chỉ biết chắc lọc nguồn nước mưa để ăn uống; nước giặt giũ, sinh hoạt thì dùng nguồn nước khoan nhiễm phèn. Từ năm nay, người dân được sử dụng nguồn nước sạch do Trung tâm NS&VSMTNT Hà Tĩnh cấp, ai nấy đều phấn khởi, yên tâm ”.

Nâng cao chất lượng nguồn nước cho người dân nông thôn Hà Tĩnh

Hàng nghìn hộ dân nông thôn Hà Tĩnh được sử dụng nước sạch trong năm 2022.

Cùng với người dân xã Bình An, năm nay, gần 2.000 hộ dân thuộc các xã Tân Lộc (Lộc Hà), Khánh Vĩnh Yên (Can Lộc) cũng được sử dụng nguồn nước sạch nhờ các dự án đầu tư mở rộng mạng lưới cấp nước.

Hiện, chính quyền các địa phương đang tập trung hoàn thiện hồ sơ thủ tục, sớm bàn giao các công trình cho Trung tâm NS&VSMTNT Hà Tĩnh quản lý để phát huy hiệu quả cao nhất.

Khởi động các dự án nâng cao nguồn nước sạch

Ngày 23/11/2022, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành quyết định số 2397/QĐ-UBND về việc giao nhiệm vụ đơn vị làm chủ đầu tư các công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trong đó, giao Trung tâm NS&VSMTNT Hà Tĩnh làm chủ đầu tư 4 dự án (3 dự án mở rộng mạng lưới cấp nước, 1 dự án thay thế nguồn nước) với tổng mức đầu tư 53,9 tỷ đồng.

Các dự án này hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc mở rộng mạng lưới khách hàng, nâng cao chất lượng nguồn nước phục vụ đời sống người dân nông thôn tỉnh nhà.

Nâng cao chất lượng nguồn nước cho người dân nông thôn Hà Tĩnh

Trung tâm NS&VSMTNT Hà Tĩnh đang làm chủ đầu tư 4 dự án mở rộng mạng lưới cấp nước và thay thế nguồn nước.

3 dự án mở rộng mạng lưới cấp nước:

- Dự án đầu tư xây dựng mở rộng hệ thống cấp nước sinh hoạt Thiên Lộc cấp cho xã Vượng Lộc, huyện Can Lộc (giai đoạn 2): tổng mức đầu tư 14,4 tỷ đồng.

- Dự án đầu tư xây dựng mở rộng hệ thống cấp nước sinh hoạt Bắc Cẩm Xuyên cấp cho xã Cẩm Quang (giai đoạn 2): tổng mức đầu tư 14 tỷ đồng.

- Dự án đầu tư xây dựng mở rộng hệ thống cấp nước sinh hoạt Bắc Cẩm Xuyên cấp cho xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên (giai đoạn 3): tổng mức đầu tư 11 tỷ đồng.

1 dự án thay thế nguồn nước: Dự án thay thế nguồn nước cho hệ thống cấp nước sinh hoạt xã Thạch Sơn, huyện Thạch Hà: tổng mức đầu tư 14,5 tỷ đồng.

Nhà máy nước Thạch Sơn (Thạch Hà) được xây dựng từ năm 2013 do UBND xã Thạch Sơn quản lý nhưng không hiệu quả. Đến năm 2017, công trình được bàn giao lại cho Trung tâm NS&VSMTNT Hà Tĩnh vận hành cho tới nay. Công trình có công suất thiết kế 900 m3/ngày đêm, cấp nước sạch cho 946 hộ dân trên địa bàn.

Qua nhiều năm khai thác, đến nay nhiều hạng mục của nhà máy nước Thạch Sơn đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Đặc biệt, chất lượng nguồn nước thô (lấy từ sông Nghèn) không ổn định. Một số thời điểm nhà máy phải ngừng cấp nước do chất lượng nước thô không đảm bảo theo tiêu chuẩn, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.

Nâng cao chất lượng nguồn nước cho người dân nông thôn Hà Tĩnh

Chất lượng nguồn nước thô (lấy từ sông Nghèn) của nhà máy nước Thạch Sơn không ổn định.

Tới đây, nhà máy nước Thạch Sơn sẽ được thay thế nguồn nước thô từ sông Nghèn bằng nguồn nước thô từ hồ Cu Lây (xã Thuần Thiện, Can Lộc); đồng nghĩa nguồn nước cấp cho người dân về lâu dài sẽ đảm bảo quy chuẩn đề ra.

Ông Đặng Hữu Diệu – Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Thạch Sơn cho hay: “Lâu nay, nguồn nước thô lấy từ sông Nghèn có thời điểm không đảm bảo nên người dân vẫn lo lắng khi sử dụng. Nhiều hộ hạn chế sử dụng nước máy và vẫn sử dụng nước mưa để ăn uống. Dự án thay thế nguồn nước cho hệ thống cấp nước sinh hoạt xã Thạch Sơn vừa được phê duyệt, chính quyền và người dân rất phấn khởi. Công trình hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho Nhân dân trên địa bàn”.

Ông Lê Viết Thân - Trưởng phòng Kỹ thuật, Trung tâm NS&VSMTNT Hà Tĩnh cho biết: “Với dự án thay thế nguồn nước cho hệ thống cấp nước sinh hoạt xã Thạch Sơn cũng như 3 dự án mở rộng hệ thống cấp nước còn lại, hiện nay Trung tâm đã lựa chọn đơn vị tư vấn để triển khai công tác khảo sát, lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật, trình cấp trên phê duyệt và triển khai các bước tiếp theo. Chủ đầu tư cam kết sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án gắn với đảm bảo chất lượng, sớm đưa các công trình vào khai thác”.

Nâng cao chất lượng nguồn nước cho người dân nông thôn Hà Tĩnh

Dự án đầu tư xây dựng mở rộng hệ thống cấp nước sinh hoạt Bắc Cẩm Xuyên cấp cho xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên (giai đoạn 3) với tổng mức đầu tư 11 tỷ đồng.

Trung tâm NS&VSMTNT Hà Tĩnh đang quản lý và vận hành 7 công trình cấp nước tập trung trên địa bàn tỉnh với tổng công suất thiết kế 14.200 m3/ngày đêm. Đơn vị hiện đang cấp nước sạch cho 25.000 khách hàng thuộc khu vực nông thôn trên toàn tỉnh.

Trong những năm qua, trung tâm đã tập trung đầu tư nâng cấp, sửa chữa công trình cấp nước. Triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về đầu tư và vận hành công trình cấp nước tập trung, nâng cao chất lượng nguồn nước sạch để phục vụ nhu cầu của người dân và tăng tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch.

Ông Hồ Đình Hoài – Phó Giám đốc Trung tâm NS&VSMTNT Hà Tĩnh

Chủ đề Tài nguyên – môi trường

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast