Nguy cơ cháy rừng ở mức báo động

(Baohatinh.vn) - Theo dự báo, mùa khô năm nay, thời tiết sẽ rất khắc nghiệt, nguy cơ cháy rừng ở mức báo động cao và trên diện rộng, trong khi đó, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) đang gặp những khó khăn nhất định. Để những cánh rừng được đảm bảo an toàn, ngay từ đầu mùa nắng nóng, các chủ rừng trên địa bàn đã xây dựng phương án, mua sắm dụng cụ, tu sửa các trang thiết bị...

“Cuộc chiến” gian nan...

Theo các nhà chuyên môn, năm nay nắng nóng đến sớm và có thể kéo dài trên diện rộng, nhiệt độ tăng cao hơn mọi năm. Mặt khác, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có nhiều diện tích rừng dễ cháy nằm ở các khu vực nhạy cảm, có các chùa, đền hoạt động, địa hình phức tạp nên công tác phòng cháy khó khăn, khi xẩy ra cháy khó dập và khả năng thiệt hại lớn. Đặc biệt, trong điều kiện khí hậu nắng nóng, khô hanh, địa bàn khó kiểm soát thì việc những người dân sống ven rừng đi lấy mật ong bất cẩn gây hỏa hoạn xẩy ra khá thường xuyên nhưng chưa ngăn chặn được. Thực tế cũng cho thấy, ngay từ đầu mùa khô đã xẩy ra những vụ việc đáng tiếc như vụ cháy gần 16 ha keo và thông ở Lộc Yên, Hương Giang (Hương Khê) hay vụ cháy gần 5 ha thực bì, đe họa hàng chục ha keo ở thị trấn Vũ Quang và một số điểm phát lửa nhỏ lẻ khác trên địa bàn toàn tỉnh.

Cơ quan chức năng kiểm tra công tác khắc phục hậu quả do cháy rừng tại tiểu khu 226 xã Lộc Yên (Hương Khê)
Cơ quan chức năng kiểm tra công tác khắc phục hậu quả do cháy rừng tại tiểu khu 226 xã Lộc Yên (Hương Khê)

Điều đáng quan tâm nữa là mùa khô năm nay, các vấn đề về kinh phí hoạt động và lực lượng đảm bảo cho các hoạt động PCCCR chưa được cải thiện. Ông Hồ Sỹ Quát - Trưởng BQL Rừng phòng hộ Hồng Lĩnh cho biết: “Do đặc thù của rừng Hồng Lĩnh và diễn biến thời tiết phức tạp nên dự báo công tác PCCCR năm nay sẽ gặp nhiều khó khăn. Yêu cầu công việc ngày càng cao, rừng phải được đảm bảo an toàn tốt nhất nhưng chúng tôi chỉ có 11 biên chế làm nhiệm vụ bảo vệ 10 ngàn ha rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn 19 phường, xã của 4 huyện, thị. Mặt khác, chi phí phục vụ công tác PCCCR hàng năm của các đơn vị rất lớn nhưng Nhà nước không có kinh phí hỗ trợ, trong lúc đó nguồn thu từ rừng không đáng kể nên nhiều công trình phòng cháy đã được xây dựng xong, vẫn chưa có nguồn chi trả theo dự toán”.

Chủ động phương án

Với phương châm bảo vệ rừng tận gốc, phòng chống cháy là chính, chữa cháy rừng phải kịp thời, BQL Rừng phòng hộ Sông Tiêm (Hương Khê) đã xây dựng kế hoạch và có nhiều biện pháp tích cực, đồng bộ để bảo vệ gần 16 ngàn ha rừng và đất lâm nghiệp được giao quản lý. Ban cũng đã bố trí lực lượng tổ chức tuần tra, kiểm soát chặt chẽ để kịp thời phát hiện các vụ cháy rừng, nhất là khi thời tiết nắng nóng, nhiệt độ lên cao thì kiên quyết không cho người dân vào khu vực rừng dễ cháy. Đơn vị cũng đã chủ động phối hợp với chính quyền các địa phương, lực lượng kiểm lâm, Đồn Biên phòng Phú Gia và sẵn sàng các phương án ứng phó trong trường hợp cần thiết.

Trao đổi về vấn đề này, Phó Trưởng BQL Rừng phòng hộ Sông Tiêm - Nguyễn Hữu Thinh cho biết: Các địa điểm có nguy cơ cháy cao đã được khoanh vùng để quản lý. Để chủ động ứng phó khi trường hợp xấu xẩy ra, các tình huống giả định cũng đã được xây dựng, các phương án ứng cứu được triển khai dựa trên phương châm “4 tại chỗ”. Ngoài ra, Ban cũng đã tiến hành xây dựng các công trình, sẻ phát các đường băng cản lửa, mua sắm trang thiết bị và dụng cụ phục vụ PCCCR với tổng giá trị trên 120 triệu đồng...

Ngay từ những ngày đầu quý I, BQL Rừng phòng hộ Hồng Lĩnh đã thành lập ban chỉ huy các vấn đề cấp bách trong công tác bảo vệ rừng và PCCCR, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, thành lập các đội bảo vệ, PCCCR, ký hợp đồng bảo vệ với các hộ nhận khoán. 44 điểm trực gác tại các khu rừng thường xuyên có lực lượng canh gác, nhất là các vùng rừng có nguy cơ xảy ra cháy cao như: Thiên Lộc, Thuần Thiện (Can Lộc); Cương Gián, Xuân Liên, Cổ Đạm, Xuân Lĩnh (Nghi Xuân); Nam Hồng, Bắc Hồng (TX Hồng Lĩnh)... Đặc biệt, đơn vị đã đầu tư 1.650 triệu đồng để sửa chữa và xây dựng mới trên 223 km đường băng cản lửa các loại, 10 chòi canh, 16 biển tường, phát dọn 425 ha thực bì trong rừng thông, viết 480 câu khẩu hiệu và mua sắm hàng trăm dụng cụ, phương tiện, quần áo bảo hộ phục vụ công tác PCCCR...

Cũng với tinh thần đó, công tác PCCCR ở những diện tích do chính quyền địa phương quản lý và giao khoán cho các hộ dân cũng đang được đặc biệt quan tâm. Đến nay, hầu hết các xã có rừng đều đã quán triệt nghiêm túc tinh thần chỉ đạo chung của tỉnh, huyện và các cơ quan chức năng trong việc xây dựng phương án, kế hoạch, huy động lực lượng để bảo vệ, PCCCR. Các xã cũng thường xuyên tuyên truyền, vận động, chỉ đạo các hộ nhận khoán và nhân dân trong vùng nêu cao ý thức chấp hành lâm luật, tinh thần trách nhiệm đối với tài sản của gia đình cũng như của các hộ lân cận thông qua công tác PCCCR. Ngoài ra, chính quyền các địa phương đã chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng như kiểm lâm, công an, bộ đội biên phòng và các chủ rừng nhà nước đóng nơi gần nhất để nâng cao hiệu quả hoạt động PCCCR...

Trong chuyến kiểm tra, làm việc về công tác PCCCR và khắc phục hậu quả vụ cháy 15,8 ha rừng tại tiểu khu 226, thuộc xã Lộc Yên (Hương Khê) vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn phê bình nghiêm khắc các lực lượng chức năng và cho rằng, sự vào cuộc của lực lượng chữa cháy còn quá “mỏng”, thiếu tập trung; việc quản lý lâm phần của các chủ rừng còn lỏng lẻo; chế độ thông tin, báo cáo chưa đầy đủ, kịp thời...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành kiểm lâm, các địa phương, đơn vị liên quan nghiêm túc rút kinh nghiệm từ các vụ cháy; tập trung tuyên truyền, soát xét các phương án PCCCR; tăng cường kiểm tra, kiểm soát người ra vào rừng; ngăn chặn, xử lý tình trạng đốt thực bì, vào rừng lấy mật ong; chủ động các lực lượng ứng cứu...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast