Triển vọng kinh tế Việt Nam 2016 theo nhận định của Credit Suisse

(Baohatinh.vn) - Chuyên trang The Financialist của Tập đoàn tài chính Credit Suisse (Thụy Sỹ) mới đây đã cho đăng tải bài viết khá dài trong đó đưa ra một số nhận định về triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam trong năm 2016.

Bài viết có nhan đề “Chào buổi sáng, Việt Nam!” được tác giả Ashley Kindergan mở đầu bằng một câu hỏi nhanh: “Bạn hãy nêu tên một quốc gia Châu Á có chi phí nhân công giá rẻ, thu hút được hàng loạt các nhà sản xuất nước ngoài tìm đến đầu tư, tạo ra một cú hích lớn đối với các hoạt động kinh tế theo định hướng xuất khẩu thời gian đầu, nhưng hiện tại đang dần chuyển sang xu hướng tăng trưởng ôn hòa hơn – tăng trưởng dựa vào tiêu dùng? Có thể câu trả lời của bạn sẽ là Trung Quốc, tuy nhiên, Việt Nam cũng là một đáp án không hề sai!”.

Theo Credit Suisse, tổng quan tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2016 có nhiều tín hiệu khả quan (Ảnh: The Financialist)

Theo Credit Suisse, tổng quan tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2016 có nhiều tín hiệu khả quan (Ảnh: The Financialist)

Chi phí nhân công ở Trung Quốc đã tăng lên đáng kể trong những năm gần đây, khiến một số lượng lớn các nhà sản xuất quyết định dịch chuyển hoạt động từ đại lục sang Việt Nam, thậm chí có trường hợp đã lựa chọn Việt Nam chính là nơi đặt để cửa hàng đầu tiên của mình.

Xu thế Việt Nam như là một trung tâm sản xuất toàn cầu mới đang ngày càng phổ biến chính là một trong những lý do khiến Credit Suisse đưa ra dự đoán về tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm tới (2017) là 6,3%, cao thứ ba trong nhóm các nền kinh tế mới nổi, chỉ sau Ấn Độ (7,8%) và Trung Quốc (6,6%).

Ngay cả khi con số ấn tượng này là một bước thụt lùi so với tỷ lệ tăng trưởng 6,7% của Việt Nam trong năm 2015, nguyên nhân là do ảnh hưởng từ tình hình kinh tế toàn cầu chưa mấy khởi sắc, các nhà phân tích của Credit Suisse vẫn lưu ý rằng, chính nhu cầu tiêu dùng nội địa tại Việt Nam đang giúp duy trì đà tăng trưởng GDP, theo cách “chậm hơn, nhưng an toàn hơn”.

Trong giai đoạn đầu thập niên, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng với tốc độ đáng kinh ngạc, đạt đỉnh 34,2% vào năm 2011. Từ đây, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam đã dần chậm lại, một phần do nhu cầu hàng nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc giảm xuống (xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm khoảng 5,5% GDP Việt Nam). Cộng thêm với sự chậm lại trong tốc độ tăng trưởng của Mỹ thời gian gần đây cũng khiến cho Việt Nam phải gánh chịu nhiều ảnh hưởng hơn so với bất kỳ một quốc gia Đông Nam Á nào khác. Đây cũng là một yếu tố mà Credit Suisse nhận định có thể làm tổn thương đến tình hình xuất khẩu của Việt Nam trong năm nay.

Credit Suisse dự báo tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sẽ giảm nhẹ (từ 7,1% năm 2015 xuống 6,9% năm 2016), tuy nhiên khi so sánh với mức bình quân cả Châu Á (trừ Nhật Bản), thì tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vẫn đang vượt trội hơn tới 10 - 15%, mặt khác các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang nhắm đến Việt Nam như là “miền đất hứa” và vẫn đang “đổ xô” vào quốc gia này – Credit Suisse cho biết.

Các dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) vẫn đang ồ ạt đổ vào Việt Nam, và được Credit Suisse dự báo sẽ đạt 13 tỷ USD trong năm nay, giảm đôi chút so với mức 14,5 tỷ năm ngoái.

Lĩnh vực sản xuất chiếm khoảng 24% GDP Việt Nam và chiếm đến 57% tổng lượng vốn FDI đổ vào trong năm ngoái. Sau khi thỏa thuận về TPP với 11 quốc gia khác được thông qua, GDP của Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng khoảng 10% vào năm 2025, số liệu dựa trên một nghiên cứu do Viện Kinh tế Quốc tế (Peterson Institute for International Economics) thực hiện. Ngoài TPP, Việt Nam cũng đã ký kết một hiệp định thương mại tự do riêng biệt với Liên minh Châu Âu (EU) vào năm ngoái.

Trong năm 2014 và 2015, tổng doanh thu bán lẻ trong nước tăng lần lượt 8,4% và 9,2%. Sự sụt giảm giá nhiên liệu (xăng dầu) và thực phẩm cũng đã thúc đẩy sức mua của người Việt, với mức tăng thu nhập thực là 10% trong 2014 và 14% trong 2015. Các ngân hàng Việt cũng đang tăng cường cho vay tiêu dùng. Tổng dư nợ tín dụng cá nhân cũng đã tăng 43% trong nửa đầu năm 2015 so với cùng kỳ 2014.

Theo Credit Suisse, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đứng trước nhiều thách thức, cụ thể như, tính thanh khoản hạn chế, số lượng doanh nghiệp được niêm yết chưa nhiều, cộng thêm các hạn chế về room cho khối ngoại. Các nhà phân tích chứng khoán của Credit Suisse cho rằng, các doanh nghiệp lớn mạnh hiện đang phục vụ thị trường tiêu dùng ở Việt Nam như Vinamilk hay FPT là rất đáng được để mắt tới.

Các nhà phân tích của Credit Suisse cũng tỏ ra thận trọng đối với các dạng tài sản khác ở Việt Nam, bao gồm cả ngành ngân hàng và bất động sản. Sự gia tăng tỷ lệ nợ xấu (non-performing loans - NPL) trong vòng 5 năm qua đã gây áp lực lớn đến tỷ lệ vốn cũng như sự bền vững của hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Credit Suisse dự đoán, nếu tăng trưởng tín dụng tiếp diễn với tốc độ như một vài năm qua, tỷ lệ an toàn vốn (Capital Adequacy Ratio - CAR) của 4 trong 6 ngân hàng lớn nhất Việt Nam sẽ tụt xuống dưới 10% vào cuối năm 2016. Ngoài ra, việc áp dụng phương pháp quản trị vốn và rủi ro theo tiêu chuẩn Basel II đối với 10 ngân hàng lớn của Việt Nam cũng có thể khiến CAR giảm đến 3 điểm phần trăm, theo dự đoán của Credit Suisse, do ảnh hưởng của các các quy định ngặt nghèo hơn về vốn. Điều này cũng có thể khiến 3 trong số 6 ngân hàng lớn nhất Việt Nam có CAR nằm dưới ngưỡng chuẩn của thế giới là 9%, và buộc các ngân hàng này phải huy động vốn thêm từ 400 triệu đến 900 triệu USD (tương đương 8% đến 35% giá trị vốn hóa).

Trong tương lai, Credit Suisse tin rằng nguồn cung tín dụng cho bất động sản ở Việt Nam sẽ được thắt chặt lại, tuy nhiên nguồn cung cho cơ sở hạ tầng thì vẫn sẽ được duy trì ở mức ổn định, tuy vậy tổ chức này vẫn nhận định năm 2016 có thể là một năm nhiều thử thách với các cổ đông ngân hàng Việt.

(Theo The Financialist)

Chủ đề Khu kinh tế Vũng Áng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast