Từ vùng cát bạc đến khu kinh tế động lực của cả nước

(Baohatinh.vn) - Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) ra đời với hoạt động sôi động của hàng chục nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là dự án FDI lớn nhất Việt Nam đã biến những vùng cát hoang vu, “ngủ quên” bao đời trở thành vùng kinh tế động lực của Bắc Trung Bộ và cả nước.

“Cuộc cách mạng” đánh thức vùng cát bạc

Hội tụ những lợi thế đặc biệt, Vũng Áng đã sớm được nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh đưa vào tầm ngắm và trăn trở, xúc tiến khai phá vùng đất này nhằm tạo bước phát triển đột phá cho tỉnh nghèo. Sau nhiều nỗ lực, ngày 30/8/1997, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 713/1997/QĐ-TTg về bổ sung danh mục khu công nghiệp ưu tiên đầu tư cho 17 địa điểm trên cả nước, trong đó có Vũng Áng. Ngày 23/10/1997, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 904/1997/QĐ-TTg phê duyệt định hướng quy hoạch chung khu công nghiệp - cảng biển Vũng Áng.

Từ vùng cát bạc đến khu kinh tế động lực của cả nước

Cảng Vũng Áng nhìn từ trên cao.

Đầu năm 1998, Hà Tĩnh khởi công xây dựng cảng biển Vũng Áng 1 và năm 2001, cảng đã đón những chuyến tàu hàng vạn tấn. Năm 2006, KKT Vũng Áng chính thức ra đời theo Quyết định số 72/2006/QĐ-TTg ngày 3/4/2006 của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu đầu tư xây dựng, phát triển Vũng Áng thành KKT đa ngành, đa lĩnh vực…

KKT Vũng Áng với diện tích tự nhiên 22.781 ha, bao gồm 9 xã (Kỳ Trinh, Kỳ Nam, Kỳ Long, Kỳ Liên, Kỳ Thịnh, Kỳ Phương, Kỳ Lợi, Kỳ Ninh, Kỳ Hà) nằm ở phía Nam huyện Kỳ Anh (cũ) đã mở ra thời cơ mới cho những vùng cát “ngủ yên” trong đói nghèo, đưa cuộc sống người dân bước sang trang mới.

Nhớ lại những dấu mốc đầy nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong chặng đường phát triển của KKT Vũng Áng, các thế hệ lãnh đạo, cán bộ ở Kỳ Anh kể cho chúng tôi nghe “cuộc cách mạng” giải phóng mặt bằng (GPMB), di dời hàng nghìn hộ dân lên vùng tái định cư vào những năm 2008-2010.

Từ vùng cát bạc đến khu kinh tế động lực của cả nước

Nhờ sự nỗ lực, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và Nhân dân, cuộc “cách mạng” GPMB di dời hàng nghìn hộ dân lên vùng tái định cư đã thành công (Ảnh tư liệu)

Ông Lê Trọng Bính - nguyên Bí thư Huyện ủy Kỳ Anh (cũ) chia sẻ: “Để bàn giao 3.000 ha mặt bằng sạch cho dự án FDI lớn nhất Việt Nam - khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh do Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) đầu tư, tỉnh đề ra mục tiêu trong 2 năm phải hoàn thành di dời 4 xã (Kỳ Lợi, Kỳ Long, Kỳ Liên, Kỳ Phương) với hơn 2.500 hộ dân, trên 2.000 ngôi mộ, 56 nhà thờ lớn và nhà thờ họ…

Khối lượng công việc khổng lồ, với yêu cầu bàn giao mặt bằng gấp rút từ nhà đầu tư, cả hệ thống chính trị đã quyết liệt vào cuộc. Các tổ vận động, đoàn công tác không kể ngày đêm “đến từng ngõ, gõ từng nhà” vừa vận động, vừa tiến hành kiểm đếm, tổ chức đền bù. Kỳ Anh đã bàn giao đúng thời hạn hơn 3.000 ha (trong đó có gần 2.000 ha đất liền và hơn 1.000 ha mặt biển) cho FHS vào ngày 1/10/2010.

Từ vùng cát bạc đến khu kinh tế động lực của cả nước

Formosa Hà Tĩnh - động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh Hà Tĩnh.

Giờ đây, giấc mơ về một vùng kinh tế với những nhà máy, công trường, trung tâm dịch vụ lớn, các siêu dự án đã trở thành hiện thực. Các xã, phường trong KKT Vũng Áng từ Kỳ Trinh, Kỳ Long, Kỳ Liên, Kỳ Thịnh, Kỳ Phương, Kỳ Lợi, Kỳ Nam, Kỳ Ninh đến Kỳ Hà đã thực sự “thay da, đổi thịt”.

Từ năm 2006 đến nay, có hơn 5.000 hộ dân lên các khu tái định cư; phần lớn người trong độ tuổi lao động đã chuyển đổi sang kinh doanh dịch vụ, thương mại và tham gia làm việc tại các doanh nghiệp ở KKT Vũng Áng; thu nhập bình quân đầu người đến nay đạt trên 42 triệu đồng/năm.

Ông Nguyễn Khắc Liến từ thôn 3 Tân Phúc Thành, xã Kỳ Lợi di dời về khu tái định cư Kỳ Lợi (thuộc địa phận phường Kỳ Trinh) bồi hồi: “Quê tôi trước đây nghèo lắm, bà con mưu sinh bằng nghề chài lưới nhỏ, cả làng chỉ vài người được học hết cấp 3. Cái nghèo, cái khổ cứ thế đeo bám dai dẳng… Chủ trương thành lập KKT Vũng Áng, di dân lên vùng tái định cư đã đưa cuộc sống vật chất, tinh thần của người dân đổi thay vượt bậc. Như gia đình tôi, ngoại trừ vợ chồng đã lớn tuổi, thì 2 đứa con trai hiện đang làm việc tại Công ty FHS, vừa được làm gần nhà, vừa có mức lương ổn định”.

KKT động lực gắn với thành phố phía Nam Hà Tĩnh

Từ vùng cát bạc đến khu kinh tế động lực của cả nước

Các chuyến tàu container của Tân Cảng Sài Gòn cập cảng Vũng Áng, đánh dấu cho bước đi đầu tiên để hình thành nên trung tâm logistics của Hà Tĩnh.

Ông Lê Trung Phước - Trưởng ban Quản lý KKT tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Đến nay, KKT Vũng Áng có 146 dự án đầu tư còn hiệu lực, gồm 89 dự án đầu tư trong nước với tổng mức đầu tư đăng ký gần 49 nghìn tỷ đồng và 57 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký gần 14 tỷ USD... Vũng Áng đang trở thành KKT đa ngành, đa lĩnh vực, là điểm thu hút lao động chất lượng cao của khu vực…”.

Formosa Hà Tĩnh, Nhiệt điện Vũng Áng, Cảng quốc tế Lào - Việt… đang dần đưa TX Kỳ Anh trở thành vùng đất của lọc hóa dầu, điện năng, luyện cán thép, logistics…, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh và cả nước. Chỉ tính riêng giai đoạn 2015-2018, tổng thu ngân sách tại KKT Vũng Áng đạt 22.595 tỷ đồng, chiếm 54,72% tổng thu ngân sách của toàn tỉnh.

Ông Nguyễn Duy Minh - Phó Giám đốc Công ty Điện lực dầu khí Hà Tĩnh chia sẻ: “Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 được xây dựng từ năm 2009 và đi vào khai thác thương mại trong năm 2014. Quá trình xây dựng và phát triển của công ty luôn có sự đồng hành của chính quyền các cấp trong công tác GPMB cho đến các chính sách ưu đãi đầu tư. Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 khi đi vào hoạt động đóng góp cho lưới điện quốc gia trung bình 7,2 tỷ kWh/năm, doanh thu bán điện khoảng 289 triệu USD/năm (khoảng 4.900 tỷ đồng), nộp ngân sách hàng trăm tỷ đồng mỗi năm…”.

Từ vùng cát bạc đến khu kinh tế động lực của cả nước

Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 về đêm (Ảnh do công ty cung cấp)

Dựa trên nền tảng sẵn có, KKT Vũng Áng đang dần hiện thực hóa khát vọng một KKT tầm cỡ với nhiều trụ cột về hậu thép, logistics và dịch vụ cảng biển, công nghiệp chế biến, chế tạo… Trong đó, trung tâm logistics tại KKT Vũng Áng được quy hoạch là trung tâm logistics hạng I, phục vụ các hoạt động dịch vụ logistics trong tỉnh, khu vực và quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần từng bước đưa kinh tế Hà Tĩnh hội nhập sâu vào kinh tế quốc tế.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định “ba đô thị - một trung tâm - ba hành lang” là trọng điểm phát triển KT-XH cho giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. “Một trung tâm”, đó là KKT Vũng Áng; trong “ba đô thị” có đô thị phía Nam với hạt nhân là TX Kỳ Anh gắn với KKT Vũng Áng và các vùng phụ cận. Đây là tiền đề để TX Kỳ Anh đẩy nhanh tốc độ phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phấn đấu trở thành thành phố vào năm 2025.

Từ vùng cát bạc đến khu kinh tế động lực của cả nước

Toàn cảnh khu trung tâm thị xã Kỳ Anh.

Để hiện thực hóa mục tiêu, trong những năm qua, TX Kỳ Anh đã tập trung đầu tư nâng cấp, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội của đô thị, tạo nên bộ mặt mới năng động, phát triển... Theo đó, công tác xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đã từng bước hoàn thành các tiêu chí đô thị loại III và thành phố trực thuộc tỉnh vào năm 2025.

Ông Đặng Văn Thành - Bí thư Thị ủy Kỳ Anh nhấn mạnh: “Thị xã sẽ không ngừng đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tăng cường thu hút đầu tư, tập trung nguồn lực xây dựng hạ tầng kinh tế đồng bộ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển; tiếp tục phát triển văn hóa - xã hội gắn với phát triển kinh tế; xây dựng con người Kỳ Anh đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới…”.

Từ vùng cát bạc đến khu kinh tế động lực của cả nước

Chủ đề Khu kinh tế Vũng Áng

Chủ đề Formosa Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast