Kỳ họp thứ 8 - Quốc hội khóa XIV dự kiến kéo dài 27 ngày

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 38, sáng 17/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội.

Kỳ họp thứ 8 - Quốc hội khóa XIV dự kiến kéo dài 27 ngày

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, đề nghị của Chính phủ và căn cứ tình hình thực tế, Chương trình kỳ họp dự kiến bổ sung thêm nhiều nội dung.

Cụ thể, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân tại các phường thuộc quận, thị xã của Hà Nội; cho ý kiến 2 dự án: Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) (thay cho dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp).

Quốc hội cũng sẽ xem xét Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1; xem xét, quyết định nhân sự cơ quan của Quốc hội và thành viên Chính phủ; xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pet, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận; việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 (vốn ngoài nước) cho tỉnh Trà Vinh...

Tuy nhiên, chương trình Kỳ họp sẽ rút Báo cáo về kết quả thanh tra việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011-2017 (Chính phủ đề nghị rút do không kịp chuẩn bị).

Với điều chỉnh như trên, ông Nguyễn Hạnh Phúc thông tin, dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 27 ngày, bế mạc vào ngày 27/11/2019.

Về bố trí chương trình kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị, bố trí 0,25 ngày thảo luận ở tổ các nội dung về: miễn tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước; xử lý tiền thuế nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước; việc sử dụng 20% kinh phí kết dư Quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; chuyển mục đích sử dụng đất tại dự án Hồ chứa nước Ka Pét (không thảo luận chung cùng kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước).

Đáng chú ý, liên quan đến việc bố trí xem xét, quyết định công tác nhân sự vào cuối kỳ họp, ông Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị báo cáo Quốc hội cho phép không bố trí họp đoàn đại biểu Quốc hội đối với dự kiến nhân sự bầu Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nếu nhân sự đó đã được bầu giữ chức danh Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu tán thành với dự kiến điều chỉnh chương trình Kỳ họp. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ: Những nội dung phát sinh đều là những việc không thể “đình lại” nữa như việc cho ý kiến về Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 hay vấn đề xem xét, quyết định nhân sự cơ quan của Quốc hội và thành viên Chính phủ…

Một số ý kiến cho rằng, đến thời điểm này, vẫn còn khá nhiều nội dung kỳ họp chưa đủ tài liệu gửi đến đại biểu, trong đó, có một phần lớn tài liệu của các cơ quan của Quốc hội do Chính phủ chậm gửi dẫn đến việc chậm thẩm tra hoặc chậm hoàn thiện hồ sơ. Các đại biểu nhấn mạnh, việc hồ sơ chậm gửi đến đại biểu Quốc hội sẽ không thực hiện được các quy trình trong kỳ họp do đó Chính phủ cần lưu ý chuyển sớm.

Giải trình, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, đến nay, đã có 64/71 tài liệu được gửi đến Văn phòng Quốc hội, còn 7 tài liệu chưa gửi đến Quốc hội như: Báo cáo về công tác quản lý thi hành tạm giam tạm giữ; Báo cáo của Bộ Giao thông vận tải về thực hiện dự án đường sắt đô thị Bến Thành Tham Lương tại Thành phố Hồ Chí Minh; Báo cáo tổng kết 3 năm thi hành Luật Thủ đô; Báo cáo về nợ công năm 2019 và dự kiến năm 2020 hiện đang được Văn phòng Chính phủ trình xin ý kiến Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Riêng Báo cáo về đối ngoại Nhà nước 2019 mới được Bộ Ngoại giao chuyển sang ngày 16/10 nên hiện đang lấy ý kiến Chính phủ; Nghị quyết thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân tại các phường của Hà Nội đang được Chính phủ tiếp thu, hoàn thiện theo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 38 và sẽ sớm chuyển sang.

Cũng trong sáng 17/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; cho ý kiến về chuyển mục đích sử dụng đất rừng tại dự án Hồ chứa nước Ka Pét (tỉnh Bình Thuận).

Theo TTXVN

Đọc thêm

Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh: Đổi mới hoạt động, đáp ứng kỳ vọng của cử tri

Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh: Đổi mới hoạt động, đáp ứng kỳ vọng của cử tri

2024 tiếp tục là năm thành công, ghi dấu nhiều kết quả nổi bật, toàn diện của Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh với sự đổi mới, quyết tâm cao, góp phần lan tỏa mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, thống nhất về nhận thức và hành động, bồi đắp niềm tin, kỳ vọng trong lòng cử tri và Nhân dân tỉnh nhà.
Phát huy truyền thống, xây dựng LLVT Hà Tĩnh theo hướng “tinh - gọn - mạnh”

Phát huy truyền thống, xây dựng LLVT Hà Tĩnh theo hướng “tinh - gọn - mạnh”

Cách đây 80 năm, trước yêu cầu của cách mạng, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được thành lập và đánh dấu sự ra đời, phát triển của LLVT cách mạng Việt Nam. Hòa chung trong dòng chảy lịch sử đó, LLVT Hà Tĩnh đã ra đời và không ngừng chiến đấu, trưởng thành để hôm nay đã lớn mạnh theo hướng “tinh - gọn - mạnh”.
Tổng đại diện Giáo phận Hà Tĩnh chúc mừng Bộ CHQS tỉnh

Tổng đại diện Giáo phận Hà Tĩnh chúc mừng Bộ CHQS tỉnh

Thay mặt các linh mục, chức sắc, chức việc cùng bà con giáo dân tỉnh nhà, linh mục Gioan Baotixta Nguyễn Khắc Bá - Tổng đại diện Giáo phận Hà Tĩnh chúc mừng cán bộ, chiến sỹ LLVT Hà Tĩnh nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Kỷ niệm trọng thể 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Kỷ niệm trọng thể 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Sáng 20/12, tại Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm cấp quốc gia 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2024). Tổng Bí thư Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương dự và đọc Diễn văn kỷ niệm.