Lai hóa, nâng tầm vóc đàn bò ở huyện miền núi Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Có tổng đàn bò lớn nhưng tỷ lệ bò lai còn thấp nên huyện miền núi Hương Khê (Hà Tĩnh) đang nỗ lực nâng cao tầm vóc, năng suất, chất lượng để tăng hiệu quả kinh tế của ngành chăn nuôi chủ lực này.

Trung tâm Ứng dụng KHKT và bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Hương Khê phối hợp với Sở KH&CN triển khai dự án ứng dụng tiến bộ KHKT hỗ trợ xây dựng 5 mô hình chăn nuôi bò nái sinh sản Zêbu trên địa bàn.

Với nhiều điều kiện thuận lợi, Hương Khê đã đưa tổng đàn bò đạt 25.202 con. Mỗi năm, sản lượng thịt xuất chuồng đạt 1.371 tấn, giá trị sản xuất hơn 112,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, trước đây, nông dân chủ yếu nuôi giống bò địa phương, có trọng lượng và tỷ lệ nạc thấp, giá trị kinh tế chưa được phát huy tối đa. Theo số liệu từ ngành nông nghiệp huyện, tỷ lệ bò lai Zêbu, bò thịt chất lượng cao chỉ chiếm 18%/tổng đàn bò.

Thời gian qua, huyện Hương Khê đã quan tâm hỗ trợ người chăn nuôi cải tạo đàn bò địa phương bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả cho người chăn nuôi.

Hoạt động chăn nuôi bò ở Hương Khê thời gian gần đây đã chuyển dần từ nhỏ lẻ sang nuôi tập trung, nhiều hộ gia đình đã bố trí diện tích trồng cỏ, ngô phục vụ chăn nuôi.

Thực tế cũng chứng minh, việc nuôi bò lai cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với nuôi bò giống bản địa. Ông Hán Duy Nhân (thôn 12, xã Hà Linh) cho hay, từ năm 2019, gia đình bắt đầu biết đến và nuôi 10 con bò lai (5 con bò nái và 5 con vỗ béo). Kết quả hằng năm, mỗi con bò lai cho lãi khoảng 10 - 12 triệu đồng, cao gấp đôi so với nuôi giống bò cỏ địa phương.

Ông Nguyễn Văn Sửu (thôn Tiền Phong, xã Hương Trà) chia sẻ, trước đây, gia đình đã thử nuôi giống bò lai nhưng do chưa được tiếp cận với các ứng dụng KHKT nên con lai dù phát triển chậm, tỷ lệ thịt chưa cao. Chúng tôi mong được tiếp cận với những phương pháp tiên tiến để tăng tỷ lệ máu ngoại nhằm nhân giống những con bò hình thể to, khỏe vượt trội, tốc độ tăng trưởng nhanh, tỷ lệ thịt cao.

Thời gian qua, Hương Khê cũng tập trung chuyển giao kỹ thuật ủ chua phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi.

Theo ông Trần Hoài Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Hương Khê, tỷ lệ máu lai của đàn bò lai quyết định lớn đến hiệu quả kinh tế chăn nuôi bò. Với những con bê có tỷ lệ máu lai càng cao thì tốc độ sinh trưởng càng nhanh, tỷ lệ thịt cũng nhiều hơn hẳn. Từ thực tiễn đó, trung tâm đã triển khai thực hiện dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình chăn nuôi bò sinh sản tạo con lai 3 máu chuyên thịt tại huyện Hương Khê”.

Mục tiêu dự án là xây dựng mô hình chăn nuôi bò lai Zêbu sinh sản chất lượng cao tập trung theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, phát triển bền vững, góp phần đạt mục tiêu Chương trình Zêbu hóa đàn bò của huyện.

Từ 8 con bò nái tham gia dự án, ông Nguyễn Văn Sửu, xã Hương Trà phấn đấu tăng đàn bò ngoại lên đến 60 con.

Dự án được triển khai từ nguồn ngân sách KH&CN (Sở Khoa học và Công nghệ) nhằm hỗ trợ 5 mô hình thả giống bò nái zêbu (hỗ trợ trực tiếp 12 triệu đồng/con). Hiện tại, các mô hình chăn nuôi bò lai chủ yếu sử dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo, lai giống bò ngoại với bò nái địa phương (tỷ lệ máu ngoại từ 25 - 50%). Qua dự án này, Hương Khê kỳ vọng sẽ nâng tỷ lệ máu ngoại lên đến 75%.

Ông Nguyễn Văn Sửu - người dân tham gia dự án ở xã Hương Trà phấn khởi chia sẻ, đang có nhu cầu nên tôi tiên phong tham gia dự án. Hiện, tôi có 8 con bò nái Zêbu nhưng quy mô chuồng trại đã được đầu tư hoàn chỉnh và có thể nuôi 60 con bò. Thời gian tới, tôi tiếp tục nhân giống giữa đàn bò nái Zêbu với giống bò 3B để tiếp tăng đàn bò ngoại, phủ kín chuồng trại.

Nhiều hộ gia đình ở Hương Khê đã đầu tư chuồng trại chăn nuôi bò lai với quy mô lên đến gần 100 con/lứa. Trong ảnh: Mô hình chăn nuôi bò lai của ông Đàm Thọ, xã Lộc Yên.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê Phan Kỳ cho biết, thời gian gần đây, chăn nuôi bò ở Hương Khê đã chuyển dần từ nhỏ lẻ sang tập trung. Nhiều hộ gia đình đã bố trí diện tích trồng cỏ, ngô phục vụ chăn nuôi. Người dân cũng đã chú trọng lai cải tạo, nâng cao chất lượng đàn bò nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đặc biệt, với quyết tâm nâng cao tầm vóc đàn bò, tháng 12/2021, HĐND huyện đã thống nhất thông qua Nghị quyết ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp năm 2022. Trong đó, huyện hỗ trợ kinh phí mua con giống cho các cá nhân, hộ gia đình đầu tư xây dựng mới mô hình chăn nuôi nhốt bò 3B, quy mô tối thiểu 10 con/lứa với mức 30 triệu đồng/mô hình. Đồng thời, hỗ trợ kinh phí mua con giống cho các cá nhân, hộ gia đình đầu tư xây dựng mới mô hình chăn nuôi nhốt bò nái nền giống Zêbu có 50% máu ngoại trở lên, quy mô trang trại tối thiểu 5 con với mức 15 triệu đồng/mô hình.

Chủ đề Khoa học - kỹ thuật

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói