“Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”!

(Baohatinh.vn) - Trong giai đoạn cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, hiện diện một nhân vật lịch sử độc đáo, kiệt xuất trên nhiều lĩnh vực góp phần làm rạng danh vùng đất Hồng Lam, đó chính là Uy Viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ.

Hoàng Trung Dũng - Ủy viên BTV, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tĩnh

“Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”!

Tỏa sáng tài năng và đạo lý

Nguyễn Công Trứ (1778- 1858), quê ở làng Uy Viễn (nay là xã Xuân Giang), huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Thân phụ là Đức ngạn hầu Nguyễn Công Tấn, thân mẫu là Nguyễn Thị Phan - người xứ Sơn Nam (nay thuộc Hà Nội). Chính nhờ truyền thống văn hóa, văn hiến của quê hương phụ thân, phụ mẫu đã hun đúc, hình thành nên nhân cách, trí tuệ, bản lĩnh danh nhân đa tài, nhà chính trị, kinh tế, quân sự, nhà thơ lỗi lạc, vị quan giàu lòng nhân đức, luôn chăm lo đời sống cho nhân dân.

Thông minh, văn chương và khí phách hơn người, Nguyễn Công Trứ luôn có khát vọng đem tài năng của mình ra kinh bang tế thế, giúp ích cho dân, cho nước với tuyên ngôn lập thân:

Đã mang tiếng ở trong trời đất

Phải có danh gì với núi sông…

Kiếp sau xin chớ làm người

Làm cây thông đứng giữa trời mà reo

28 năm làm quan, giữ trên 50 chức vụ với nhiều lần bị trù dập, giáng chức…, bất cứ ở hoàn cảnh và cương vị nào, Nguyễn Công Trứ vẫn luôn giữ vững khí phách, tiết tháo của một nhà nho chân chính, luôn làm tròn chức phận của một vị quan “thanh, cần, thận, trực”, “trung, dũng, trí, tín”. Ông đã có những đóng góp quan trọng trên nhiều phương diện và để lại dấu ấn đậm nét, được người đời cảm phục.

Về chính trị, Nguyễn Công Trứ đã đem hết sức lực phục vụ chính quyền nhà Nguyễn. Ông trở thành một nhà quản lý xã hội giỏi, liên tiếp được thăng các chức vụ quan trọng, giữ nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt các cấp. Uy Viễn Tướng công là vị quan công chính, liêm minh, có tinh thần chống nạn vơ vét của công quyết liệt. Năm 1803, nhân Gia Long ra Bắc, ông dâng 10 kế sách làm cho đất nước thái bình. Ông đã từng dâng sớ xin thực thi 3 việc: Nghiêm trị bọn du thủ, du thực, gian phi; trừng trị bọn lại dịch tham lam, thải bỏ kẻ vô tài, bất lực, khen thưởng người liêm chính; khẩn hoang mở đất cho dân cày cấy, có công ăn việc làm.

Là quan văn nhưng khi làm võ tướng cầm quân, ở đâu Nguyễn Công Trứ cũng thể hiện tài thao lược và giành nhiều chiến công. Ông đã giúp triều Nguyễn dẹp yên nhiều cuộc khởi nghĩa lớn, giữ vững chủ quyền lãnh thổ và củng cố thái bình nội trị. Năm 1858, khi nghe tin thực dân Pháp xâm lược nước ta, dù đã 80 tuổi nhưng Nguyễn Công Trứ vẫn tha thiết xin vua đi đánh giặc. Tuy nhiên, do tuổi cao, sức yếu, ước nguyện không thành và cuối năm đó ông mất.

Uy Viễn Tướng công không chỉ nổi tiếng là một vị quan văn võ song toàn mà còn là một nhà kinh luân kiệt xuất, đã làm nên công trạng lẫy lừng. Trên cương vị quan Doanh điền sứ, ông đã đứng ra chiêu tập lưu dân khai phá đất hoang, lập nên huyện Tiền Hải (Thái Bình) với 18.970 mẫu ruộng, huyện Kim Sơn (Ninh Bình) được 14.600 mẫu và 2 tổng Hoành Thu, Ninh Nhất (ven bờ biển Thái Bình, Ninh Bình). Ông cũng đã huy động lính thú tham gia khai khẩn, hình thành được một số đồn điền, mở rộng đất đai canh tác, mở thêm nhiều làng mới ở Hải Dương, Quảng Yên...

“Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”!

Đền thờ Nguyễn Công Trứ được xây dựng tại xã Quang Thiện- Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Ảnh Đậu Hà

Trong những năm chỉ đạo nhân dân khai hoang, lập nên các làng quê trù phú, Nguyễn Công Trứ đã nhiều lần dâng sớ xin “được đặt nhà học, được mời thầy về dạy con trẻ”. Điều đó cho thấy, ông có tầm nhìn xa trông rộng, lo việc học tập cho con em để nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài cho đất nước. Cũng trong thời gian này, ông đề xướng xin đặt “xã thương” ở mỗi làng để thuận lợi lưu thông hàng hóa, ổn định đời sống nhân dân. Những hoạt động trên lĩnh vực kinh tế, xã hội của ông được nhân dân, nhất là tầng lớp dân nghèo vô cùng cảm phục và biết ơn.

Nguyễn Công Trứ cũng được đánh giá là một nhà văn hóa lớn, có nhiều đóng góp trong phát triển văn học, nghệ thuật. Bằng cá tính sáng tạo của mình, ông trở thành một nhà thơ hát nói nổi tiếng trong lịch sử văn học dân tộc nửa đầu thế kỷ XIX. Ông được xem là người có công lớn nhất đưa làn điệu ca trù của giáo phường Cổ Đạm - Nghi Xuân lừng danh trên cả phương diện nội dung nghệ thuật và hình thức diễn xướng.

Dù đã đi xa gần 2 thế kỷ, nhưng hình ảnh về một nhà chính trị thanh liêm, mẫu mực, một nhà quân sự tài ba, một nhà kinh luân kiệt xuất, một nhà thơ, một nghệ sĩ lớn… vẫn luôn tỏa sáng trong lòng dân tộc.

Tưởng nhớ Uy Viễn Tướng công

Với những công lao và đóng góp to lớn trên nhiều phương diện, tên tuổi của Uy Viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ đã lưu danh cùng sử sách. Để tưởng nhớ công lao chiêu dân, khai hoang, lập làng, phát triển KT-XH trên những vùng đất mới, các làng xã ở Kim Sơn (Ninh Bình), Tiền Hải (Thái Bình) đã lập đền thờ, tôn ông làm Thành hoàng.

Đánh giá về công trạng, khí phách của Nguyễn Công Trứ, Tổng đốc Hà Tĩnh Hoàng Nho Nhã viết:

Sự nghiệp kinh nhân thiên hạ hữu

Phong lưu đáo lão thế gian vô!

(Sự nghiệp làm người thiên hạ sợ thì trong thiên hạ không ít, nhưng phong lưu đến già như Nguyễn Công Trứ thì trên đời không có ai như ông).

“Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”!

Đền thờ Nguyễn Công Trứ ở xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân. Ảnh Huy Tùng

Để lưu danh ông với non sông, trên quê hương Nghi Xuân, Hà Tĩnh đã xây dựng quần thể Khu di tích Nguyễn Công Trứ. Khu di tích được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1991 và hiện đang được tu bổ, tôn tạo. Ngoài Khu di tích và một số ngôi đền, đình thờ ghi công ông được lập ở Hà Tĩnh, ở một số địa phương như Ninh Bình, Thái Bình, nhiều địa phương khác còn nhiều công trình, con đường và trường học mang tên Nguyễn Công Trứ.

Năm 2018 - nhân kỷ niệm 240 năm ngày sinh và tưởng niệm 160 năm ngày mất Uy Viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, tưởng nhớ, tôn vinh những công lao đóng góp to lớn của ông đối với lịch sử - văn hóa dân tộc. Qua đó, giáo dục truyền thống văn hóa, bồi dưỡng, nâng cao lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ; động viên toàn xã hội tích cực bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển KT-XH của tỉnh, của đất nước.

“Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”!

Họp báo tuyên truyền lễ kỷ niệm 240 năm ngày sinh, tưởng niệm 160 năm ngày mất danh nhân Nguyễn Công Trứ và tuyên truyền kết quả xây dựng nông thôn mới.

Tỉnh đã tổ chức cuộc họp báo tuyên truyền về lễ kỷ niệm, tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch gắn với đăng cai việc tổ chức Liên hoan Ca trù toàn quốc; phối hợp với Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học “Nguyễn Công Trứ với lịch sử, văn hóa Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX” với sự tham gia của hơn 200 đại biểu, 52 tham luận khoa học của các giáo sư, tiến sĩ, các nhà nghiên cứu trong cả nước chuẩn bị công phu, mang lại giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc; xuất bản, tái bản các ấn phẩm sách, đĩa nhạc; thực hiện tôn tạo, tu bổ một số công trình liên quan đến danh nhân Nguyễn Công Trứ và tổ chức nhiều hoạt động văn hóa hướng tới lễ kỷ niệm.

Đặc biệt, ngày 15/12/2018, Hà Tĩnh long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 240 năm ngày sinh và tưởng niệm 160 năm ngày mất Uy Viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ gắn với công bố quyết định huyện Nghi Xuân - quê hương ông - đạt chuẩn huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh.

240 năm ngày sinh, 160 năm ngày mất, một khoảng thời gian khá dài nhưng những cống hiến của Uy Viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ vì dân, vì nước sẽ mãi được ngợi ca, tôn sùng. Tự hào về những đóng góp to lớn của Nguyễn Công Trứ, Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh đã và đang phát huy tích cực các giá trị di sản văn hóa để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, xứng đáng với công lao của Uy Viễn Tướng công - người làm rạng danh non sông.

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

Thơm nức mũi món chả rươi Hà Tĩnh

Thơm nức mũi món chả rươi Hà Tĩnh

Chả rươi thơm ngậy, ngoài giòn, trong mềm là tinh túy của ẩm thực vùng đất ven bờ sông Lam. Đến mùa rươi, thưởng thức món đặc sản này mới cảm nhận được hết nét đẹp của văn hóa ẩm thực truyền thống của Hà Tĩnh.
Về sông Phủ thưởng thức đặc sản cua lông

Về sông Phủ thưởng thức đặc sản cua lông

Mô hình thí điểm nuôi cua lông tại phường Đại Nài (TP Hà Tĩnh) bước đầu mang tới nhiều triển vọng, vừa đem lại giá trị kinh tế cao vừa góp phần lan tỏa sản vật quê hương.
Tổ khúc giao duyên “Ví giặm nên duyên”

Tổ khúc giao duyên “Ví giặm nên duyên”

Tổ khúc giao duyên “Ví giặm nên duyên” do Quang Hiếu sưu tầm và biên soạn; đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh tại Hà Tĩnh.
Thành Sen bát cảnh...

Thành Sen bát cảnh...

“Tỉnh thành bát cảnh” - 8 cảnh đẹp, công trình của Thành Sen xưa mang theo những giá trị văn hóa, tinh thần và cả niềm tự hào của người TP Hà Tĩnh qua các thế hệ.
Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Tĩnh là quê hương của nhiều ca sĩ thành danh trong dòng nhạc dân gian. Nhiều giọng ca người Hà Tĩnh chia sẻ, từ nhỏ họ đã được nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật truyền thống thông qua những câu hò, điệu ví. Chất dân ca cứ thế ngấm dần vào giọng nói, tiếng hát một cách tự nhiên như hơi thở.
Mang câu hò, điệu ví đến muôn phương

Mang câu hò, điệu ví đến muôn phương

Với niềm đam mê mãnh liệt làn điệu ví, giặm, người Hà Tĩnh muôn phương đã không ngừng lan tỏa loại hình nghệ thuật đặc sắc này tới bạn bè trên mọi miền Tổ quốc và bè bạn quốc tế.