Niềm vui trong ngày đại đoàn kết toàn dân ở thôn Bình Hưng, xã Hương Bình (Hương Khê)
Náo nức chuẩn bị ngày hội
Tôi đến xã Gia Hanh (Can Lộc) vào một ngày lạnh đầu đông. Ông Phan Văn Sơn - Chủ tịch UBND xã bảo: “Dịp này, trời hơi mưa, nghe bảo gió mùa đang về nên sẽ ảnh hưởng đến các thôn trong ngày vui đại đoàn kết. Nhưng, các thôn hiện chuẩn bị công phu lắm (!). Thôn của tôi và nhiều thôn khác nữa, các tổ liên gia đã bắt đầu họp bàn kế hoạch tổ chức ngày hội”.
Theo chỉ dẫn về đơn vị làm điểm, tôi đến thôn Nghĩa Sơn tìm hiểu không khí trước ngày vui toàn dân. Trưởng thôn Nguyễn Viết Thảo (53 tuổi) đang loay hoay với những kế hoạch khá chi tiết, từ chương trình, việc ăn uống, mời khách ra sao, con em về thế nào… “Nhọc lắm nhưng mà vui. Chiều 13/11 này, thôn chúng tôi tổ chức ngày hội Đại đoàn kết và đón nhận danh hiệu thôn văn hóa”.
Rồi ông tiếp: “Khoảng 18 người trong đội văn nghệ tối nào cũng tập say sưa lắm. Dự kiến sẽ có nhiều tiết mục phát sinh ngoài chương trình, nhất là của các cựu chiến binh, hội phụ nữ và các cháu thiếu niên, nhi đồng. Tôi đang tiến hành ghi các đăng ký để khỏi… “cháy” chương trình hôm ấy”.
Tìm hiểu từ ông Thảo, tôi được biết, vừa qua, thôn đã tổ chức họp, bình xét được 80% gia đình văn hóa và 10 gia đình văn hóa tiêu biểu. Ngày toàn thôn liên hoan mừng được công nhận thôn văn hóa sẽ tổ chức ăn uống linh đình, con em ở các nơi tụ họp về thắt chặt thêm tình đoàn kết.
Tôi chợt nhớ, trước khi đến với xã Gia Hanh, ông Trần Đình Hùng - Trưởng phòng VHTT huyện cho hay: “Trong 3 ngày 12, 13, 14/11, toàn huyện sẽ có 6 thôn tổ chức đón nhận danh hiệu thôn văn hóa và tổ chức ngày hội Đại đoàn kết toàn dân. Đến nay, công tác chuẩn bị hầu hết đã đến giai đoạn nước rút. Nhiều thôn chuẩn bị rất công phu, có thuê phục trang biểu diễn văn nghệ, dựng rạp, mở rộng khuôn viên để đại biểu và người dân ngồi…”.
Một tiết mục văn nghệ trong ngày hội đại đoàn kết
Một sự kiện, nhiều ý nghĩa
Tổ chức ngày Đại đoàn kết từ lâu đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa không thể thiếu ở các khu dân cư. Với các thôn, tổ dân phố đón danh hiệu văn hóa lần đầu, ngày đó càng ý nghĩa. Như một lời hẹn, mọi người, từ già trẻ, gái trai, người lao động, công chức, doanh nhân đều tập trung về nhà văn hóa thôn, tổ dân phố để vui cùng. Sức lan tỏa về giá trị và ý nghĩa của ngày hội từ đó thêm rộng mở.
Thôn Đồng Giang (Thạch Khê, Thạch Hà) chiếm lợi thế khi ở vị trí trung tâm xã. Năm nay, cùng với các thôn khác quyết tâm đưa xã nhà về đích NTM, thôn đã tập trung nhiều nguồn lực để củng cố tiêu chí văn hóa, chỉnh trang nhà cửa, làm vườn mẫu, củng cố các tiêu chí môi trường. Đường vào thôn được mở rộng, hai bên đường, chính quyền và người dân đã tập trung làm mương thoát nước nên thoáng rộng, sạch sẽ. Ông Dương Đình Tiến - Chủ tịch UBND xã cho hay: “Ngày 13/11, Đồng Giang sẽ là thôn đầu tiên của xã tổ chức ngày hội Đại đoàn kết toàn dân. Cán bộ và người dân trong thôn rất phấn khởi vì năm nay, bộ mặt của thôn thực sự khởi sắc”.
Lời của ông Tiến tuy mộc mạc nhưng tôi hiểu rằng, đằng sau những điều ông nói là cả một giá trị kết tinh trong cộng đồng. Sẽ chẳng có ngày hội nếu trước đó, toàn dân thiếu tinh thần đoàn kết, chưa chung sức vì một cộng đồng lành mạnh. Toàn thôn Đồng Giang năm 2016 đã tập trung nguồn lực, dành nhiều công sức, thời gian để thực hiện các tiêu chí NTM và tin tưởng sẽ đưa xã nhà về đích đúng hẹn. Tinh thần đoàn kết trong thôn Đồng Giang khiến tôi nghĩ rộng hơn đến đoàn kết giữa các thôn trong xã và giữa các xã với nhau vì những mục tiêu lớn lao.
Thôn Tân Phúc (Thạch Khê) tuy không phải đơn vị làm điểm nhưng người dân ở đây rất phấn khởi đón chờ ngày hội. Từ nhà văn hóa chật chội, không có chỗ ngồi, năm nay, toàn dân đã cùng nhau làm nhà văn hóa đến hàng trăm triệu đồng, khuôn viên rộng rãi. Để mở đầu cho những gì tốt đẹp, ngày 2/11 vừa qua, thôn đã cho một cặp uyên ương mượn khuôn viên để tổ chức đám cưới. Đám cưới là sự vui vầy và là cuộc mở đầu cho sự sinh sôi, nảy nở, bởi vậy, hẳn các ông bà đứng đầu thôn đã mang theo hy vọng rằng, một mai, thôn ta sẽ trù phú hơn, xanh đẹp và giàu có, thắt chặt thêm tình thân ái.
Ngày vui đại đoàn kết không chỉ là ngày mọi người “chung nhau về hội quán” mà hơn thế, có nhiều nơi, là ngày của lắng tụ các giá trị tinh thần. Nhiều thôn, để đáp ứng nguyện vọng và sở thích của nhiều người dân, trong dòng chảy của sức sống dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, nhiều cụ cao niên hiểu lẽ đời đã trở thành “nhạc sĩ”. Hơn 10 ngày nay, hội viên chi hội phụ nữ và nông dân thôn Quang Lạc (Thạch Lạc, Thạch Hà) đang hăng say luyện hát và múa tổ khúc dân ca “Quang Lạc đổi mới hôm nay” do ông Hồ Mạnh Hưởng sáng tác. Tổ khúc chuyển tải khí thế mới, niềm vui mới với hội quán khang trang vừa được xây dựng, đường bê tông thay thế đường đất cát... Ngày 13/11, toàn thôn sẽ hân hoan đón nhận danh hiệu thôn văn hóa trong sự chuẩn bị có lẽ là công phu nhất từ trước tới nay.
Tôi nhìn cái nắm tay có vẻ hơi thô kệch, cứng cáp của những người nông dân thôn Quang Lạc khi thực hiện điệu múa mà phút chốc cảm nhận rõ ràng về tình thân ái - vốn là gốc rễ đảm bảo an ninh trật tự, sự ổn định và phát triển của cộng đồng. Tôi hiểu, ngày hội Đại đoàn kết, suy cho cùng chỉ là điểm nhấn, là sự kiện có tính nhắc nhở, bởi trên hết, đoàn kết từ lâu đã được cộng đồng các khu dân cư chung tay xây đắp. Từ các khu dân cư ấy, đoàn kết được mở rộng, tạo thành mô hình mà GS Hà Văn Tấn đã khái quát: làng - liên làng - siêu làng (tức là Tổ quốc).