Làng hương Báo Ân tất bật phục vụ thị trường Tết

(Baohatinh.vn) - Về thôn Báo Ân (xã Thạch Mỹ - Lộc Hà) trong những ngày cận tết, chúng tôi cảm nhận được bầu không khí rộn ràng, nhộn nhịp của bà con nơi đây. Nhà nhà làm hương, người người làm hương để cung cấp cho thị trường tết.

Người làm hương Thạch Mỹ thêm một mùa bội thu khi Tết đăng cận kề
Người làm hương Thạch Mỹ thêm một mùa bội thu khi Tết đăng cận kề

Ông Lê Văn Thân – Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạch Mỹ cho biết: Toàn xã có hơn 40 hộ làm hương, tập trung ở thôn Báo Ân và một số hộ ở thôn Đại Yên. Theo một số cụ cao niên ở Thạch Mỹ, nghề làm hương xuất hiện ở Báo Ân cách đây khoảng 30 năm. Trước đây, chủ yếu sản xuất thủ công, với quy mô nhỏ lẻ. Nhưng mấy năm nay, được sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, các hộ đã mạnh dạn vay vốn, đầu tư mua sắm máy móc, trang thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất. Hầu như gia đình nào cũng có 1-2 máy sản xuất bán tự động, trị giá mỗi máy khoảng 15-25 triệu đồng.

Trong làng xuất hiện nhiều hộ sản xuất quy mô lớn, như gia đình chị Lê Thị Bưởi, Trần Thị Nguyệt, Trần Đình Thanh, Trần Thị Sang… Đặc biệt, gia đình anh Phạm Văn Dũng đã đầu tư kinh phí để vừa làm hương, mua máy sản xuất bao bì in nhãn mác trị giá hơn 1 tỷ đồng, vừa thu mua nguyên vật liệu để cung cấp cho bà con trong vùng… Đây là điển hình vươn lên làm giàu từ nghề làm hương.

Hương Báo Ân có mùi thơm tự nhiên. Đây cũng là lí do vì sao bà con nơi đây có nhiều đơn đặt hàng và sản phẩm làm ra không kịp để bán. Thị trường hương Báo Ân trải khắp các huyện trên toàn tỉnh và các tỉnh lân cận như Nghệ An, Quảng Bình, Thanh Hóa…

Chị Trần Thị Nguyệt có thâm niên làm hương hơn 20 năm ở Báo Ân chia sẻ: “Gia đình tôi làm ra rất nhiều hàng nhưng không đủ bán; các tiểu thương ở Đức Thọ, Hương Sơn đặt hàng thường xuyên. Với 2 máy sản xuất liên tục, mỗi ngày, gia đình tôi làm hơn 15 bó, mỗi bó 300 búp, GQVL thường xuyên cho 4 lao động, thu nhập bình quân 150 ngàn đồng/người/ngày, lúc cao điểm 400-500 ngàn đồng/người/ ngày. Mỗi năm, trừ chi phí, gia đình tôi lãi khoảng 80 triệu đồng. Tết năm nay, đơn đặt hàng rất nhiều”.

Gia đình chị Trần Thị Nguyệt sản xuất hương bằng máy bán tự động.
Gia đình chị Trần Thị Nguyệt sản xuất hương bằng máy bán tự động.

Không chỉ vậy, nghề làm hương còn GQVL cho lượng lao động khá lớn, cả trong và ngoài độ tuổi lao động. Hiện Báo Ân và Đại Yên là 2 thôn làm hương chính, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 200 lao động, những ngày cao điểm khoảng 400-500 người, với thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng.

Gia đình bà Trần Thị Sang (thôn Đại Yên) gắn bó với nghề làm hương đã hơn 30 năm. Bà Sang tâm sự: “Cũng như mọi năm, dịp này là thời điểm cao trào của làng hương, đơn đặt hàng dày đặc, không làm kịp cho khách”. Được biết, tổ hợp sản xuất hương của gia đình bà Sang hiện GQVL thường xuyên cho hơn 20 lao động với mức lương ổn định 6 triệu đồng/người/ tháng.

Nghề làm hương Báo Ân có từ lâu đời và ngày càng phát triển. Thế nhưng, vấn đề đáng nói là sản phẩm chưa xây dựng được thương hiệu, do đó không tránh khỏi tình trạng các tiểu thương nhập hàng từ đây nhưng lại dán nhãn mác khác, rồi đưa ra thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó là sự khó khăn về thị trường, bởi các hộ sản xuất phải tự liên hệ đầu mối tiêu thụ… Trước tình hình đó, lãnh đạo xã Thạch Mỹ cùng các hộ làm hương thôn Báo Ân đã thành lập HTX hương Báo Ân vào tháng 11/2013.

Hiện HTX đang trong quá trình làm hồ sơ để xin giấy phép kinh doanh, giấy sở hữu bản quyền để khẳng định thương hiệu riêng của địa phương. Có thể nói rằng, đây là chiến lược để phát triển và gìn giữ làng nghề. Hơn nữa, xã Thạch Mỹ đã mở các lớp đào tạo nghề, trong đó có nghề làm hương theo Đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Tá Bình – Chủ tịch UBND xã Thạch Mỹ cho biết: “Ở Thạch Mỹ, mặc dù số hộ tham gia sản xuất hương chưa nhiều nhưng hiệu quả kinh tế mang lại rất lớn. Những hộ làm hương có thu nhập cao, nhiều hộ khá giả. Hiện lãnh đạo và nhân dân Thạch Mỹ đang cố gắng gìn giữ và mở rộng làng nghề truyền thống”.

Người làm hương Thạch Mỹ lại thêm một mùa bội thu khi tết đăng cận kề. Nhà nhà hối hả làm việc để cung ứng cho thị trường những sản phẩm chất lượng nhất, với mong ước 1 năm “mưa thuận, gió hòa”. Tin tưởng rằng, với sự ra đời của HTX Hương Báo Ân, cùng sự đầu tư của các cấp, ngành và sự quan tâm kích cầu của Nhà nước, làng hương Báo Ân sẽ phát triển thành một làng nghề nổi tiếng, tạo được chỗ đứng riêng trên thị trường.

Đọc thêm

Công điện ứng phó với bão MAN-YI gần biển Đông

Công điện ứng phó với bão MAN-YI gần biển Đông

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có công điện điện: UBND các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận; các Bộ: Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Ngoại giao; Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam về việc ứng phó với bão MAN-YI gần biển Đông.
Thông tin mới nhất về bão USAGI

Thông tin mới nhất về bão USAGI

Tin mới nhất về bão USAGI, hiện đang ở gần Nam Đài Loan, sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn, nguy cơ cao với tàu thuyền. Biển động rất mạnh.
Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trong suốt hành trình 40 năm phát triển, Trường Năng khiếu thị xã Hà Tĩnh xưa và Trường THCS Lê Văn Thiêm nay luôn là lá cờ đầu của ngành GD&ĐT tỉnh nhà. Không chỉ đảm đương sứ mệnh là “nôi” bồi dưỡng nhân tài, chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học sinh, Trường THCS Lê Văn Thiêm đang bắt nhịp xu thế, phát triển mô hình trường học tiên tiến, năng động, từng bước hội nhập quốc tế.