Làng mộc truyền thống Thái Yên đìu hiu những ngày cuối năm Tân Sửu.
Vào các năm trước, thời điểm này là mùa sản xuất, kinh doanh sôi động nhất của các cơ sở tại làng mộc Thái Yên (xã Thanh Bình Thịnh, huyện Đức Thọ). Thế nhưng, năm nay, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, doanh thu của các cơ sở đều sụt giảm.
Doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đồ mộc mỹ nghệ Hoàng Lê Bình ở Cụm Công Nghiệp Thái Yên sẵn hàng phục vụ trong dịp cận Tết Nguyên đán nhưng không có khách tới mua.
Ông Lê Thanh Hoàng - Chủ tịch Hiệp hội nghề Mộc Thái Yên - chủ cơ sở chế biến và kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ Hoàng Lê Bình (xã Thanh Bình Thịnh) cho biết: “Làng nghề sản xuất quanh năm nhưng thường sôi động nhất từ tháng 10 âm lịch với sản phẩm chính là đồ thờ, tủ, bàn ghế... Trước khi dịch COVID-19 xuất hiện, bình quân mỗi năm, cơ sở chúng tôi sản xuất và tiêu thụ từ 250 - 300 bộ sản phẩm. Song, từ 2 năm lại đây, sức mua giảm mạnh, kể cả vào cao điểm mua sắm Tết của người dân. Dịp gần Tết này, nhiều ngày cửa hàng không bán được một sản phẩm nào, doanh thu giảm từ 70 - 80% so với những năm trước”.
Những năm trước, cơ sở sản xuất của doanh nghiệp Hoàng Lê Bình luôn có từ 20-30 lao động thì năm nay chỉ lèo tèo một vài người.
Cũng theo ông Lê Thanh Hoàng, vì khó khăn, nhiều cửa hàng kinh doanh đồ mộc tại Cụm Công nghiệp Thái Yên xuất hiện tình trạng bán phá giá, thấp hơn giá thị trường từ 2 - 3 triệu đồng/sản phẩm để thu hồi vốn, giải quyết tiền lãi vay ngân hàng và trả tiền công thợ. Tình trạng này đã làm cho tình hình sản xuất, kinh doanh các sản phẩm làng nghề trong cụm công nghiệp càng khốn khó hơn.
Tín hiệu từ thị trường không tích cực, giá cả vật liệu đầu vào lại tăng từ 20 - 30% đã tác động đến tình hình sản xuất. Hiện, nhiều cơ sở đã đóng cửa do hàng sản xuất ra không bán được.
Anh Nguyễn Khắc Lịch - chủ cơ sở sản xuất đồ mộc Lịch Hoa (thôn Bình Tiến A, xã Thanh Bình Thịnh) cho biết: “Bao nhiêu năm làm nghề, chưa bao giờ tôi thấy khó khăn như năm nay, hàng hóa sản xuất ra không tiêu thụ được, giá bán thấp (bình quân mỗi bộ bàn ghế giảm 2 triệu đồng). Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu như: gỗ, sơn và các loại vật tư đi kèm thì lại tăng giá, khó nhập hàng do dịch bệnh. Chưa kể, trước đây, các xưởng gỗ cho nợ đơn hàng đến cuối năm nhưng năm nay do khó khăn chung nên hầu hết các xưởng đều không bán nợ, chúng tôi lại càng chật vật trong việc tìm nguồn nguyên liệu".
Các cơ sở đang sản xuất cầm chừng.
Để khắc phục khó khăn, hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh đồ mộc Thái Yên đang tìm cách đẩy mạnh hoạt động bán hàng, trong đó từng bước phát triển và tiếp cận kênh bán hàng online trên các trang mạng xã hội Facebook, Zalo... Trước mắt, các cơ sở nỗ lực phát triển kênh bán lẻ, tìm kiếm khách hàng mới để gia tăng tiêu thụ sản phẩm.
Khu vực phun sơn cũng không còn cảnh sôi động như trước.
Được biết, làng nghề mộc Thái Yên hiện có gần 1.000 cơ sở sản xuất và kinh doanh đồ gỗ mộc, nội thất, trong đó có trên 300 cơ sở sản xuất lớn và gần 50 doanh nghiệp. Hằng năm, các cơ sở, doanh nghiệp giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương và các vùng lân cận.
Gỗ thành khí được cưa ra để sản xuất bàn ghế, kệ tủ... chất dài trên vỉa hè từ tháng này qua tháng khác do các cơ sở ngừng sản xuất.
Ông Đoàn Ngọc Hường - Chủ tịch UBND xã Thanh Bình Thịnh cho biết: “Năm 2021, doanh thu công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của xã Thanh Bình Thịnh đạt 282 tỷ đồng, trong đó riêng làng mộc Thái Yên chiếm khoảng 70%. Địa phương đã tích cực động viên các cơ sở, đồng thời tuyên truyền vận động chủ cơ sở có ý thức giữ gìn, phát triển thương hiệu của làng nghề truyền thống “Mộc Thái Yên”; tuyệt đối không được nhập hàng kém chất lượng về bán làm ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng của làng nghề".