Ông Nguyễn Văn Minh (bên trái) hướng dẫn thợ chạm trổ các hoa văn trên gỗ mít
Giữ lửa làng nghề
Về xã Trường Sơn, nhắc đến ông Nguyễn Văn Minh không ai là không biết và có phần nể phục bởi tài năng của người thợ mộc này.
“Tôi lớn lên ở vùng quê có nghề truyền thống làm mộc, đóng thuyền nên ngay những bước khởi nghiệp đầu đời từ những năm 1990, tôi đã mở xưởng mộc để mưu sinh", ông Nguyễn Văn Minh - chủ xưởng mộc Minh Mít (thôn Sâm Văn Hội, xã Trường Sơn) bắt đầu câu chuyện.
Xưởng mộc của ông Nguyễn Văn Minh tại xã Trường Sơn (Đức Thọ).
Vào những năm 90 của thế kỷ trước, làng mộc kết hợp đóng thuyền của xã Trường Sơn làm ăn phát đạt.
Thời điểm đó, Hợp tác xã Lý Chính Thắng là nổi tiếng nhất, có lúc lên đến trên 300 xã viên chuyên làm mộc, đóng thuyền (trong đó có xưởng của ông Minh). Sản phẩm của HTX này có thị trường tiêu thụ khá rộng, vươn ra ngoại tỉnh vì thế xưởng mộc của ông cũng ăn nên làm ra.
Khi nhu cầu sử dụng thuyền gỗ truyền thống bắt đầu giảm thì xưởng mộc của ông Minh chuyển sang làm nhà bằng gỗ mít.
Thời gian sau đó, nhu cầu sử dụng thuyền gỗ truyền thống bắt đầu ít đi, kinh tế gặp khó khăn, nhiều chủ xưởng, thợ nghề cũng vì thế chuyển sang công việc khác hoặc ly hương nhưng ông Minh vẫn quyết bám trụ với nghề và chuyển đổi mô hình sản xuất để phù hợp với thị trường.
“Nhận thấy nghề đóng thuyền không còn cho thu nhập như trước nữa, tôi chuyển từ sản xuất mộc truyền thống sang chuyên làm nhà bằng gỗ mít. Nhiều chủ xưởng, thợ mộc có tay nghề cao sau khi không còn tham gia đóng thuyền đã chuyển sang làm việc tại xưởng của tôi. Xưởng chuyên làm nhà gỗ nên có sự tương đồng với nghề đóng thuyền, vì vậy, mọi người bắt nhịp rất nhanh” - ông Minh chia sẻ thêm.
Để hoàn thiện được một ngôi nhà gỗ mít, một tốp thợ từ 7 - 10 người phải làm việc liên tục trong nhiều tháng liền.
Hơn 20 năm chuyển sang làm nhà gỗ, đến nay, xưởng mộc của ông Nguyễn Văn Minh có đội ngũ thợ lành nghề có thể chạm, khắc những sản phẩm tinh xảo, đạt giá trị thẩm mỹ cao. Vừa giữ lửa làng nghề vừa tạo thu nhập ổn định, xưởng gỗ liên tục tìm tòi, đưa sản phẩm truyền thống “sống vững” trên thị trường.
Tạo ra giá trị khác biệt từ nghề truyền thống
Ông Nguyễn Văn Minh bên ngôi nhà được làm bằng gỗ mít vừa mới dựng
“Vào năm 2001, trong chuyến tham quan tại các tỉnh miền Bắc, tôi đã xem một số công trình đền, chùa, nhà ở làm từ gỗ mít, từ đó nung nấu ý tưởng táo bạo là chuyển đổi xưởng mộc của gia đình sang chuyên đóng, chế tác các tác phẩm nhà cửa, bàn thờ, đồ mỹ nghệ từ gỗ mít”, ông Minh nhớ lại.
Xưởng mộc Minh Mít còn nhận thêm phần nội thất trong nhà như tủ thờ, phù điêu, tranh tường bằng gỗ mít.
Theo ông Minh, mít là loại gỗ vườn nhà, dễ trồng và thích ứng với nhiều môi trường sống. Gỗ mít có màu vàng sáng và có mùi thơm đặc trưng khi còn cây đứng. Khi chặt xuống, qua thời gian, gỗ mít sẽ chuyển sang màu đỏ sẫm tự nhiên rất đẹp mắt.
Gỗ mít tương đối mềm nhưng rất bền, có khả năng chống mối mọt, do vậy, sử dụng gỗ mít làm cửa hay khung nhà sẽ giúp các công trình đảm bảo chất lượng, cũng như không bị lỗi thời.
Bức tranh gỗ được xưởng mộc Minh Mít sản xuất, làm đẹp thêm những ngôi nhà gỗ mít tiền tỷ.
Nhờ sử dụng tốt đội ngũ thợ lành nghề, có nhiều kinh nghiệm cùng với những mối quan hệ làm ăn từ trước nên các sản phẩm xưởng của ông Minh làm ra nhanh chóng được thị trường tiếp nhận.
Nhiều sản phẩm như: bàn thờ, khung cửa… được chạm trổ tinh tế, có độ thẩm mỹ cao nên người dùng rất ưa chuộng, sản phẩm làm ra không kịp cung ứng cho thị trường.
Kiến trúc nhà gỗ rất hợp với khí hậu của miền Trung là ấm về mùa đông và mát về mùa hè.
Tiếng lành đồn xa, người dân đã tìm về xưởng mộc của ông để đặt hàng, thuê lắp, dựng những căn nhà vườn, nhà thờ họ hàng chục tỷ đồng. Hiện nay, mỗi năm ông nhận từ 15 - 20 công trình nhà ở, nhà thờ tự từ gỗ mít; mỗi công trình tùy theo quy mô, kích cỡ sẽ có giá thành dao động từ 1 tỷ đồng đến hàng chục tỷ đồng.
Khách hàng Trần Văn Kỷ (thôn Sâm Văn Hội, xã Trường Sơn) chia sẻ: “Căn nhà làm bằng gỗ mít có giá trị gần 2,5 tỷ đồng của gia đình tôi được cơ sở ông Minh thi công dự kiến trong 3 năm đang trong giai đoạn hoàn thành. Khá công phu và mất nhiều thời gian, song, mỗi đường nét trên ngôi nhà khiến tôi rất ưng ý. Sự tinh xảo và tài hoa của các nghệ nhân đã làm đẹp hơn cho ngôi nhà của chúng tôi”.
Chi tiết trang trí được những người thợ lành nghề chạm khắc tinh xảo.
Không chỉ thành công trong việc gìn giữ và phát huy giá trị làng mộc truyền thống của xã Trường Sơn, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động với thu nhập từ 10 - 25 triệu đồng/người/tháng, ông Minh còn là thành viên tích cực của tổ hội nghề mộc truyền thống của xã, thường xuyên giúp đỡ, hỗ trợ vốn, kỹ thuật cho các hội viên và các hoạt động an sinh xã hội của địa phương.
Ngôi nhà của ông Trần Văn Kỷ đang được xưởng mộc Minh Mít khẩn trương hoàn thiện.
Người thân, bạn bè thường gọi ông Nguyễn Văn Minh bằng cái tên thân thiết “Minh Mít” - vừa chân chất, mộc mạc vừa thể hiện thương hiệu riêng biệt của người nghệ nhân một lòng giữ gìn và phát triển nghề truyền thống.