Chồng tôi, chiến sĩ lái xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập...

Kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Trung tâm bảo tồn và phát triển văn hóa Việt Nam tổ chức gặp gỡ các nhân chứng lịch sử và gia đình của cán bộ, chiến sỹ trên hai kíp xe tăng 390 và 843 húc đổ cổng Dinh Độc Lập ngày 30 tháng 4 năm 1975 và cắm lá cờ Cách mạng tung bay trên nóc Dinh.

Chị Nguyễn Thị Đông, vợ của Trung úy Vũ Đăng Toàn - Chính trị viên Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Tăng Thiết giáp 203, trưởng xe tăng 390, tâm sự: Năm 1974, anh được về phép, chúng tôi làm lễ kết hôn. Anh ở nhà được 26 ngày sau đó vào chiến trường chiến đấu. Tôi ở lại hậu phương chăm lo gia đình và bố mẹ già rồi tham gia công tác xã hội.

Trong cái khó khăn chung của cả dân tộc đang dồn sức cho cuộc kháng chiến vĩ đại, gia đình tôi lúc đó lương thực không đủ ăn, bố mẹ thường xuyên đau yếu, các anh chị đi xa, một mình tôi phải lo toan tất cả. Nhiều lúc tưởng như không đủ sức để gánh vác thay chồng.

Các cựu binh trong kíp lái 2 chiếc xe tăng 390 và 843 cùng gia đình vào thăm Dinh Độc Lập nhân kỷ niệm 35 năm giải phóng miền Nam, tháng 4-2010.

Các cựu binh trong kíp lái 2 chiếc xe tăng 390 và 843 cùng gia đình vào thăm Dinh Độc Lập nhân kỷ niệm 35 năm giải phóng miền Nam, tháng 4-2010.

Lại nói về mặt tình cảm, là một người vợ trẻ khi xa chồng thì biết bao khắc khoải nhớ nhung. Có những đêm buồn trống trải, giở những lá thư ra xem, thấy buồn, thấy nhớ, rồi nước mắt cứ ướt đẫm gối cưới...

Ngày tôi nghe báo đài đưa tin quân ta thắng lớn. Tôi thầm nghĩ anh là bộ đội xe tăng nên thế nào cũng vinh dự được tham gia chiến dịch đó. Tôi lại thấy lòng mình xao xuyến. Buồn vui lẫn lộn sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Và, anh đã trở về trong niềm hân hoan chào đón của mọi người…

Chị Nguyễn Thị Ngọc – vợ anh Lê Văn Phượng - Đại đội phó kỹ thuật, pháo thủ số 2 xe tăng 390, cũng một hoàn cảnh như vậy. Chồng ra chiến trường chị ở lại hậu phương với biết bao khó khăn vất vả để hoàn thành bổn phận của một người con, một người vợ, người mẹ để chồng chị yên tâm công tác. Tâm sự với chúng tôi, chị Ngọc kể: Sau 3 năm tìm hiểu và yêu thương nhau, ngày 24 tháng 9 năm 1971 tôi và anh Phượng chính thức thành vợ thành chồng. Sau đúng 2 hôm, khi vợ chưa bén hơi chồng, chúng tôi đã phải chia tay, anh lên đường đánh Mỹ, còn tôi về lại cơ quan tiếp tục công việc.

Chiến dịch Nam Lào anh bị thương về nghỉ hơn 1 tháng, rồi súng AK lại quàng vai áo theo anh ra chiến trường.

Cả ba anh em cháu sinh ra khi bố cháu đang ở chiến trường. Riêng cháu mãi đến 3 tuổi mới biết mặt bố. Cháu thương bố mẹ cháu những năm tháng chiến tranh, mẹ tất bật làm ca, bố ra chiến trường đánh Mỹ…

Bố mẹ cháu về nghỉ chế độ thời bao cấp, nhà tranh vách đất xiêu vẹo, ăn đói mặc rách, thiếu thốn đủ bề nhưng vẫn động viên, nuôi dưỡng anh em cháu ăn học nên người.

Vết thương của bố cháu thỉnh thoảng lại tái phát, nhưng vì các con, bố không chịu nghỉ làm. Ở chiến trường thì anh dũng, về nhà thì lo cho vợ cho con, bố cháu chẳng có gì cho riêng mình…”

Lê Phương Nam, con trai CCB Lê Văn Phượng

Tháng 9 năm 1972, tôi sinh cháu trai đầu lòng. Vừa hoàn thành tốt công việc, vừa nuôi con với tất cả tấm lòng yêu thương, đằng đẵng lo âu nỗi lòng thương nhớ nhưng tôi vẫn mong chồng tôi xứng danh anh lính Cụ Hồ.

Phòng Kỹ thuật của tôi có treo tấm bản đồ đất nước, hàng ngày đọc báo được biết bộ đội giải phóng đến đâu chúng tôi lại tô màu đến đó. Đến ngày 30 tháng 4 năm 1975, toàn bộ tấm bản đồ phủ một màu xanh! Tôi vừa mừng vừa khấp khởi ngóng chờ. Đọc báo thấy có tên chồng tôi cùng các anh trong ban chỉ huy đại đội, tôi hét lên vì vui sướng mà nước mắt cứ tuôn trào… Nhưng tôi đợi mãi, đợi mãi… đến vài tháng sau mới nhận được thư chồng.

Năm 1976, tôi sinh thêm cháu trai. Năm 1980, tôi lại sinh một cháu gái nữa. Gia đình hai bên nội ngoại đều ở xa, một mình nuôi con thật vất vả nhưng tôi đã vượt qua vì hình bóng anh ở phía tiền tiêu luôn thúc dục tôi không được lùi bước… Và, niềm hạnh phúc đã đến với gia đình tôi, khi cả ba cháu đều chăm ngoan, trưởng thành...

Thật vinh dự khi mình là vợ của người lính xe tăng đã đích thân cầm ngọn cờ của Quân giải phóng cắm lên nóc Dinh Độc Lập. Chị Nguyễn Thị Đót, vợ đại tá Bùi Quang Thận – nguyên Trung úy, Đại đội trưởng Đại đội 4, trưởng xe 843, tâm sự: Chiến tranh đã qua đi hơn một phần ba thế kỷ, giờ đây gia đình đã được đoàn tụ, con cái đã trưởng thành nhưng với tôi, những ngày chồng ở ngoài chiến trường là những ngày đáng nhớ nhất của cuộc đời.

Cũng như bao người phụ nữ khác vắng người thân thời chiến, bao khó khăn gian khổ cứ chồng chất lên đôi vai người phụ nữ... Thế nhưng, hậu phương tiền tuyến cùng thi đua “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, tôi vẫn chủ động sắp xếp việc nhà tham gia vào dân quân, góp một phần nhỏ của mình vào công cuộc bảo vệ miền Bắc XHCN…

“Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, rõ ràng, tuy mỗi người có những hoàn cảnh khác nhau nhưng ở các chị có một điểm rất chung, toát lên vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang". Với những người lính xông pha ngoài chiến trận, hậu phương là điểm tựa vững chắc nhất để họ yên tâm chiến đấu, sẵn sàng hy sinh cho hoà bình, hạnh phúc. Với những người lính lái xe tăng đang ở đây, trong sâu thẳm trái tim mình, các anh ngàn lần ghi ơn những người vợ đảm!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast