Lấy máu ở gót chân trẻ sơ sinh - bước sàng lọc quan trọng

(Baohatinh.vn) - Lấy máu gót chân trẻ sơ sinh là phương pháp sàng lọc sơ sinh hiệu quả, giúp phát hiện nhiều chứng bệnh bẩm sinh nguy hiểm.

Bước sàng lọc quan trọng đầu đời

Năm 2009, Hà Tĩnh triển khai đề án "Nâng cao chất lượng dân số thông qua tuyên truyền, vận động phát hiện, can thiệp sớm tật, bệnh ở thai nhi và sơ sinh" tiến hành sàng lọc sơ sinh tầm soát miễn phí một số bệnh lý di truyền, rối loạn chuyển hóa ở trẻ. BVĐK Hà Tĩnh và các trung tâm y tế trong toàn tỉnh đã triển khai lấy máu gót chân trẻ sơ sinh gửi xét nghiệm miễn phí, nhằm tầm soát ba bệnh di truyền, nội tiết: Thiếu men G6PD, suy giáp bẩm sinh, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh.

Lấy mẫu máu trên gót chân trẻ tại BVĐK tỉnh Hà Tĩnh

Đây là những bệnh lý có thể điều trị khỏi và dự phòng để trẻ phát triển bình thường. Tuy nhiên, nếu không được xét nghiệm tầm soát trong những ngày đầu đời thì về sau sẽ khó phát hiện, khó chẩn đoán và bệnh sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sống của trẻ.

Qua 9 năm thực hiện, tại Hà Tĩnh, chương trình đã được mở rộng đến 191 xã, phường, thị trấn của 13 huyện, thị xã, thành phố. Kết quả thu được 11.970 mẫu máu sàng lọc trẻ sơ sinh được lấy. Qua xét nghiệm, phát hiện 335 mẫu dương tính nghi ngờ thiếu men G6PD, 6 mẫu dương tính nghi ngờ suy giáp trạng bẩm sinh.

Quá trình lấy máu diễn ra thế nào?

Để sàng lọc các bệnh lý cho trẻ, nhân viên y tế sẽ lấy máu gót chân trẻ trong vòng 24 đến 72 giờ, tốt nhất từ 48 đến 72 giờ, có thể kéo dài trong vòng 7 ngày sau sinh, khi trẻ đã ăn sữa được hơn 8 lần.

Trẻ sau khi lấy mẫu máu được bàn giao lại cho người nhà

Trong trường hợp các bé sinh non, thiếu cân, bé nên được đưa đi lấy máu gót chân trước ngày thứ 20. Trẻ phải truyền máu sau sinh thì lấy sau thời gian 3 tháng. Giọt máu lấy ra sẽ được cho lên giấy thấm khô chuyên biệt và mang đi xét nghiệm. Sau khi có kết quả, bệnh viện sẽ thông báo và trả kết quả cho gia đình.

Vì sao lại lấy máu ở gót chân?

Theo nguyên tắc, máu ở bất cứ bộ phần nào trên cơ thể bé cũng có thể đem đi xét nghiệm. Tuy nhiên, các bác sĩ chọn lấy máu ở gót chân bé là do bộ phận này có lượng máu dồi dào, đáp ứng đủ lượng cần để xét nghiệm. Hơn nữa, phần gót chân trẻ được cho là kém nhạy cảm hơn so với các bộ phận khác nên khi chích lấy máu sẽ ít đau hơn.

Vùng gạch đen là vùng lấy mẫu máu an toàn trên gót chân trẻ

Việc sàng lọc quan trọng đến mức nào?

Trẻ em mắc các bệnh rối loạn nội tiết, chuyển hóa bẩm sinh nếu không được chữa trị kịp thời có nguy cơ cao bị thiểu năng trí tuệ, trì độn, kém phát triển. Nếu trải qua sàng lọc, được phát hiện và chữa trị sớm, tỷ lệ khỏi lên đến 95%, trẻ có thể phát triển khỏe mạnh và bình thường.

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Thúy - Trưởng khoa Sản, BVĐK tỉnh Hà Tĩnh: "Chương trình lấy máu gót chân trẻ sơ sinh đã triển khai từ lâu, tuy nhiên từ tháng 4/2018 đến nay, gần 100% trẻ sơ sinh đẻ tại BVĐK tỉnh Hà Tĩnh sau khi chào đời đều được lấy máu gót chân miễn phí và gửi đi xét nghiệm. Việc sàng lọc sơ sinh lấy vài giọt máu ở gót chân không gây nguy hiểm cho bé, hiện tại đang được xét nghiệm miễn phí."

Bác sỹ Hoàng Song Hào

Chủ đề Tư vấn sức khỏe

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói