Lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi)

(Baohatinh.vn) - Các ý kiến của đại biểu Hà Tĩnh đối với dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) là cơ sở quan trọng để hoàn thiện, nâng cao hiệu quả các chính sách giải quyết việc làm cho người lao động.

Chuẩn bị nội dung Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, sáng 16/10, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Sở LĐ-TB&XH tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý xây dựng dự án Luật Việc làm (sửa đổi).

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia và Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đinh Hữu Công chủ trì hội nghị. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ cùng dự.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia và Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đinh Hữu Công chủ trì hội nghị.

Mở đầu hội nghị, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia cho biết: Dự án Luật Việc làm (sửa đổi) sẽ được xem xét và cho ý kiến tại kỳ họp. Sau gần 10 năm thi hành, Luật Việc làm đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng các chính sách hỗ trợ người lao động, trong đó có lao động yếu thế và tăng cường cơ hội việc làm theo hướng bền vững cho lao động không có quan hệ lao động, không tham gia bảo hiểm xã hội; hỗ trợ lao động tìm việc làm, tiếp cận thông tin việc làm, nghề nghiệp thông qua phát triển hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm, cho vay hỗ trợ tạo việc làm; hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển kỹ năng nghề...

Tuy nhiên, qua quá trình triển khai, Luật Việc làm đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Do đó, việc sửa đổi luật là cần thiết.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ và các đại biểu tham dự hội nghị.

Qua 10 năm thi hành Luật Việc làm năm 2013, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh đã tổ chức 781 phiên giao dịch việc làm với 5.711 DN đăng ký tuyển dụng lao động và 191.921 lượt người tham gia tư vấn học nghề; 177.753 lượt người lao động giới thiệu việc làm; 24.718 người được các DN tuyển dụng.

Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Tĩnh và phòng giao dịch các huyện đã thực hiện giải ngân, cho vay vốn giải quyết việc làm đối với 42.264 người; giải ngân cho 179 khách hàng vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ Quỹ quốc gia về việc làm.

Hằng năm, Hà Tĩnh giải quyết việc làm cho trên 20.000 lao động; bình quân có trên 8.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Đến nay, có 84.897 người tham gia bảo hiểm thất nghiệp; giải quyết cho 56.571 người hưởng trợ cấp thất nghiệp...

Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) gồm 9 chương, 130 điều, quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm, đăng ký và quản lý lao động, hệ thống thông tin thị trường lao động, phát triển kỹ năng nghề, dịch vụ việc làm, bảo hiểm thất nghiệp...

Tại hội nghị, đại biểu cơ bản nhất trí với việc dự thảo luật đã bổ sung nhiều nội dung mới có ý nghĩa quan trọng được rút ra từ thực tiễn hoạt động, qua đó đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH, thúc đẩy phát triển thị trường lao động.

Đại biểu cho rằng, để tạo điều kiện tốt hơn cho các đối tượng thuộc diện vay vốn, cần bổ sung quy định nguồn vốn để cho vay; cấp tỉnh và các huyện, thị dành một phần ngân sách chuyển sang ngân hàng chính sách xã hội để các đối tượng có nhu cầu hỗ trợ việc làm được tiếp cận; bổ sung quy định mở rộng đối tượng cho vay. Bổ sung đối tượng chủ hộ kinh doanh vào nhóm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Bổ sung một số nội dung liên quan tới quy định nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp...

Về nội dung cụ thể, đại biểu đề nghị bổ sung tính đồng bộ trong hệ thống thông tin thị trường lao động (Điều 47); giữ nguyên mức đóng và trách nhiệm đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định Luật Việc làm năm 2013; bỏ thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng (Điều 87)...

Phó Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Nguyễn Tuấn Anh đề xuất liên quan đến chính sách vay vốn.

Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét bổ sung khái niệm "việc làm xanh" tại Điều 3; cần có quy định hoặc hướng dẫn thêm về nội dung liên quan đến các điều kiện vay vốn, đặc biệt là về hình thức, nội dung phương án sử dụng vốn vay (Điều 10); bổ sung quy định về đăng ký và quản lý lao động (từ Điều 28 đến Điều 39); bổ sung thêm cụm từ "người sử dụng lao động" trong nguyên tắc đăng ký và quản lý lao động (Điều 29).

Bổ sung trình tự, thủ tục về đăng ký lao động (Điều 33); bổ sung cách thức nộp hồ sơ đăng ký lao động qua dịch vụ bưu chính (Điều 33); xem xét thêm nghĩa vụ của người lao động (Điều 35); xác định rõ hơn điều kiện về đánh giá viên kỹ năng nghề (Điều 58); bổ sung nội dung liên quan tới cấp lại, cấp mới giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm (Điều 76)...

Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia khẳng định, đây là dự án luật quan trọng, tác động tới nhiều đối tượng, ảnh hưởng tới sự phát triển KT-XH, QP-AN của địa phương, của cả nước. Các ý kiến của đại biểu về dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) lần này có giá trị thực tiễn cao; qua đó, giúp Đoàn ĐBQH tỉnh nắm bắt, đánh giá đầy đủ, khách quan để kịp thời góp ý tới cơ quan soạn thảo cùng các đơn vị liên quan.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia phát biểu kết thúc hội nghị.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh khẳng định, Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp tục chọn lọc các ý kiến chất lượng để tổng hợp trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ 8.

Chủ đề Họp Quốc hội

Chủ đề Hoạt động của lãnh đạo tỉnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói