Lịch sử ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Ngày 20-11-1958, Ngày quốc tế hiến chương các nhà giáo được tổ chức lần đầu tiên ở miền Bắc nước ta. Những năm sau đó, ngày này được tổ chức ở các vùng giải phóng ở miền Nam.

lich su ngay nha giao viet nam 20 11

Tri ân các thầy cô nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Ảnh: Quý Trung – TTXVN

Tháng 7-1946, một tổ chức quốc tế các nhà giáo tiến bộ được thành lập ở Paris (thủ đô nước Pháp), lấy tên là FISE (Fédération Internationale Syndicale de Lenseignant - Liên đoàn quốc tế các công đoàn giáo dục).

Năm 1949, tại hội nghị Vacsava (thủ đô Ba Lan) tổ chức FISE xây dựng một bản "Hiến chương các nhà giáo" gồm 15 chương với nội dung chủ yếu là đấu tranh chống nền giáo dục tư sản, phong kiến, xây dựng nền giáo dục tiến bộ, bảo vệ những quyền lợi vật chất và tinh thần chính đáng của nghề dạy học và nhà giáo, đề cao trách nhiệm và vị trí của nghề dạy học và nhà giáo.

Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, công đoàn giáo dục Việt Nam đã quan hệ với FISE để tranh thủ các diễn đàn quốc tế tố cáo âm mưu tội ác của bọn đế quốc xâm lược đối với nhân dân ta cũng như đối với giáo viên và học sinh, đồng thời giới thiệu những thành tích của nền giáo dục cách mạng, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của giáo giới trên toàn thế giới đối với cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta.

Ngày 22-7-1951, công đoàn giáo dục Việt Nam được thành lập. Sau một thời gian ngắn, năm 1953, công đoàn giáo dục Việt Nam đã được kết nạp làm thành viên của FISE và được mời dự hội nghị của FISE ở Vienne (thủ đô Áo). Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Khánh Toàn làm trưởng đoàn.

Từ 26 đến 30-8-1957, hội nghị FISE đã diễn ra tại thủ đô Vacsava với sự tham dự của 57 nước, trong đó có Việt Nam. Hội nghị đã thông qua bản Hiến chương các nhà giáo và quyết định lấy ngày 20-11 hàng năm là "Ngày quốc tế hiến chương các nhà giáo".

Ngày 20-11-1958, Ngày quốc tế hiến chương các nhà giáo được tổ chức lần đầu tiên ở miền Bắc nước ta. Những năm sau đó, ngày này được tổ chức ở các vùng giải phóng ở miền Nam.

Vào dịp kỷ niệm 20-11 hàng năm, cơ quan tiểu ban giáo dục thường xuất bản, phát hành một số tập san đặc biệt để cổ vũ tinh thần đấu tranh của giáo giới trong vùng tạm chiếm, động viên tinh thần chịu đựng gian khổ của anh chị em giáo viên kháng chiến.

Sau ngày đất nước thống nhất, các nhà giáo Việt Nam đoàn kết nhất trí xây dựng nền giáo dục theo đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Ngày 20-11 đã trở thành ngày truyền thống của các nhà giáo Việt Nam.

Ngày 28-9-1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ra Quyết định số 167-HĐBT, lấy ngày 20-11 làm ngày "Nhà giáo Việt Nam". Nội dung quyết định có những điều:

Điều 1: Từ nay, hàng năm sẽ lấy ngày 20-11 là Ngày nhà giáo Việt Nam.

Điều 2: Để ngày 20-11 có ý nghĩa thiết thực, hàng năm, từ tháng 10, các cấp chính quyền và đoàn thể cần họp để xem xét tình hình công tác và hoạt động của đội ngũ giáo viên ở địa phương mình, kiểm điểm những việc đã làm và đề ra những việc cần tiếp tục làm nhằm động viên đội ngũ giáo viên phát huy truyền thống tốt đẹp của giáo Việt Nam, rèn luyện phẩm chất và năng lực, làm gương sáng cho học sinh noi theo.

Về phía giáo viên, cần có những hình thức sinh hoạt phong phú nhằm nâng cao nhận thức về vinh dự và trách nhiệm của người giáo viên trong xã hội nước ta ngày nay, từ đó mà ra sức phấn đấu làm tốt nhiệm vụ cao cả của mình.

Điều 3: Việc tổ chức ngày 20-11 hàng năm do ủy ban nhân dân và Hội đồng giáo dục các cấp chủ trì, có sự phối hợp với các ngành giáo dục và các đoàn thể nhân dân.

Các cấp, các ngành cần phân công cán bộ lãnh đạo đi thăm hỏi giáo viên, tổ chức các cuộc gặp thân mật với giáo viên, nhân dịp này có thể tổ chức khen thưởng các giáo viên có thành tích.

Việc tổ chức ngày nhà giáo Việt Nam cần được tiến hành trọng thể và thiết thực, tránh hình thức phô trương, gây phiền hà cho học sinh và cha mẹ học sinh.

Điều 4: Trong ngày 20-11, các trường có thể sắp xếp lại việc học tập và giảng dạy để giáo viên được nghỉ và tham gia các sinh hoạt của trường và của địa phương./.

Theo TTXVN

Đọc thêm

Lắng nghe “Điều em muốn nói”

Lắng nghe “Điều em muốn nói”

Diễn đàn “Điều em muốn nói” được các trường học ở Hà Tĩnh tổ chức góp phần mở “cánh cửa” tâm hồn của học sinh, giúp người lớn thấu hiểu, đồng hành với các em trên hành trình trưởng thành.
Thầy Tổng phụ trách Đội yêu nghề, mến trẻ

Thầy Tổng phụ trách Đội yêu nghề, mến trẻ

Tròn 24 năm làm Tổng phụ trách Đội, thầy Lê Khải Chương - Trường Tiểu học Sơn Lâm (Hương Sơn, Hà Tĩnh) vẫn tràn đầy đam mê với nghề và luôn thương yêu, tận tâm với học trò.
Bí thư Tỉnh ủy chúc mừng các Nhà giáo Nhân dân

Bí thư Tỉnh ủy chúc mừng các Nhà giáo Nhân dân

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng bày tỏ sự tri ân sâu sắc trước những đóng góp, cống hiến của các Nhà giáo Nhân dân đối với sự nghiệp trồng người cũng như phát triển KT-XH tỉnh nhà.