Loạt nước kêu gọi công dân rời Ukraine

Lo sợ nguy cơ xung đột, ít nhất 19 nước đang kêu gọi công dân rời Ukraine và cắt giảm số lượng nhân viên ngoại giao ở nước này.

Đến nay, các nước đã khuyến cáo công dân rời Ukraine gồm có Mỹ , Đức, Italy, Anh, Ireland, Bỉ, Luxembourg, Hà Lan, Canada, Na Uy, Estonia, Litva, Bulgaria, Slovenia, Australia, Nhật Bản, Israel, Arab Saudi và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

Pháp đã ra khuyến cáo không nên đến các khu vực biên giới phía bắc và đông Ukraine, nhưng chưa yêu cầu công dân của mình rời khỏi nước này.

Loạt nước kêu gọi công dân rời Ukraine

Hành khách chờ tại quầy làm thủ tục trước chuyến bay của họ tại sân bay Boryspil, cách thủ đô Kiev, Ukraine, khoảng 30 km, ngày 13/2. Ảnh: AFP.

Romania, quốc gia có biên giới với Ukraine, đặc biệt khuyến cáo công dân tránh đến Ukraine và “xem xét nhu cầu ở lại” nếu đã tới.

Moskva đã triệu hồi một số nhân viên ngoại giao do lo ngại cái mà họ gọi là “các hành động khiêu khích”.

Mỹ đã ra lệnh rút hầu hết nhân viên ngoại giao ở Kiev, cho rằng Nga có thể động binh với Ukraine “bất cứ lúc nào”. Washington sẽ duy trì hiện diện lãnh sự ở thành phố Lviv, phía tây Ukraine.

Canada và Australia cũng đóng cửa đại sứ quán ở Kiev, chuyển các hoạt động ngoại giao đến Lviv. Các cơ quan của Liên minh châu Âu (EU) khuyến nghị nhân viên ngoại giao không thiết yếu tại Kiev rời Ukraine và ưu tiên làm việc từ xa ở nước ngoài.

Hãng hàng không KLM của Hà Lan hôm 12/2 cho biết sẽ ngừng các chuyến bay đến Ukraine cho đến khi có thông báo mới. Tuy nhiên, Bộ Cơ sở hạ tầng Ukraine nhấn mạnh nước này sẽ không đóng cửa không phận bất chấp những cảnh báo từ phương Tây về nguy cơ Nga tấn công.

Mỹ và nhiều đồng minh phương Tây cáo buộc Nga có kế hoạch tấn công Ukraine, sau khi điều động hơn 100.000 quân cùng nhiều khí tài quân sự áp sát biên giới nước láng giềng. Nga khẳng định mọi hoạt động quân sự sát biên giới phía tây là vấn đề nội bộ và chỉ nhằm mục tiêu diễn tập trước mối đe dọa từ kịch bản NATO mở rộng sang phía đông, đồng thời chỉ trích Mỹ và đồng minh phóng đại nguy cơ chiến tranh.

Trước đợt điều quân của Nga, Mỹ điều chiến hạm và oanh tạc cơ B-1B tham gia “diễn tập ngoài kế hoạch” của NATO tại Biển Đen, với hai thành viên của liên minh là Thổ Nhĩ Kỳ và Romania cùng Ukraine.

Ngoài ra, Mỹ và một số đồng minh NATO tiếp tục bán và viện trợ vũ khí cho Ukraine. Với ủng hộ từ Mỹ, Ukraine leo thang chiến sự với phe ly khai ở miền đông sau nhiều năm giao tranh hạ nhiệt.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm 11/2 cáo buộc Mỹ ngày càng cuồng loạn và muốn chiến tranh bằng bất cứ giá nào sau khi Washington quyết định điều thêm 3.000 lính tới Ba Lan , tập hợp cùng với 1.700 quân đã có mặt ở đó.

Theo VNE

Đọc thêm

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.