Lộc Hà ưu tiên nguồn lực cho sự nghiệp trồng người

(Baohatinh.vn) - Ngành giáo dục và các địa phương ở Lộc Hà (Hà Tĩnh) đang tiếp tục huy động, ưu tiên nguồn lực để củng cố hệ thống trường lớp và mua sắm trang thiết bị phục vụ cho nhiệm vụ dạy, học.

Dãy nhà học cao tầng của Trường THCS thị trấn Lộc Hà đang gấp rút hoàn thiện để đưa vào sử dụng.

Những năm gần đây, thị trấn Lộc Hà đã vận dụng, bố trí tối đa nguồn lực để nâng cấp, mở rộng hệ thống trường lớp, mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy và học của các nhà trường. Nhờ vậy, hệ thống trường lớp trên địa bàn ngày càng khang trang. Việc huy động nguồn lực được thực hiện theo phương thức “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, chủ động vận dụng tốt các nguồn xã hội hóa, phát huy tinh thần công khai, dân chủ, làm đúng quy trình, đảm bảo quy định.

Chủ tịch UBND thị trấn Lộc Hà Lê Văn Hân thông tin: “Năm học 2022 – 2023 và 2023 – 2024, địa phương đã sử dụng 31,5 tỷ đồng (chiếm 1/3 tổng vốn đầu tư công của địa phương, nguồn xã hội hóa chiếm 5 tỷ đồng) để làm dãy nhà 3 tầng với 18 phòng học của trường tiểu học, dãy nhà 3 tầng 12 phòng học của trường THCS và một số hạng mục khác. Đầu năm học mới này, chúng tôi tiếp tục bố trí ngân sách, vận động các mạnh thường quân để nâng cấp, sửa chữa các hạng mục bức thiết, làm phòng tin học cho trường THCS (khoảng 2 tỷ đồng). Theo kế hoạch, thời gian tới, chúng tôi sẽ đầu tư tiếp 50 tỷ đồng xây trường mầm non ở vị trí mới (3 giai đoạn), bố trí khoảng 20 tỷ đồng xây nhà đa năng, bể bơi của trường tiểu học, THCS, mua sắm thêm trang thiết bị, đồ dùng dạy học”.

2 dãy nhà học cao tầng có tổng mức đầu tư hơn 21 tỷ đồng của Trường THCS Mỹ Châu đang được hoàn thiện.

Với tinh thần “Vì lợi ích trăm năm trồng người", cấp ủy, chính quyền và Nhân dân xã Thạch Châu luôn sẵn sàng đầu tư công sức, tiền của để con em được đến trường đầy đủ nhất. Hiện nay, đây là một trong những địa phương nổi bật nhất huyện với hệ thống trường lớp khang trang, đồng bộ, đủ các cấp học, bậc học từ mầm non đến THPT.

Chủ tịch UBND xã Thạch Châu Lê Văn Thông cho biết: "Trong 4 năm gần đây, địa phương đã đầu tư hơn 70 tỷ đồng để nâng cấp, mở rộng, mua sắm trang thiết bị cho 4 trường học trên địa bàn; trong đó, nguồn xã hội hóa khoảng 3,6 tỷ đồng, còn lại ngân sách các cấp và lồng ghép các chương trình, dự án. Hiện nay, chúng tôi đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ xây dựng 2 dãy nhà cao tầng của Trường THCS Mỹ Châu (tổng mức đầu tư hơn 21 tỷ đồng) để sớm hoàn thiện và đưa vào sử dụng".

Hệ thống trường học ở Thạch Châu được đầu tư xây dựng khang trang, đồng bộ.

Để đáp ứng yêu cầu dạy và học trong tình hình mới, những năm gần đây, huyện Lộc Hà đã bố trí khoảng 60 - 70 tỷ đồng/năm học để kiên cố hóa trường lớp và khoảng 5 - 7 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học.

Đặc biệt, vừa qua, HĐND huyện Lộc Hà đã thông qua Nghị quyết số 114/NQ-HĐND ngày 19/8/2024 cho chủ trương đầu tư công vốn trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để xây dựng thêm hạ tầng giáo dục cho năm nay. Theo đó, huyện sẽ bố trí hơn 44,6 tỷ đồng chuẩn bị làm nhà đa chức năng cho Trường THCS Bình An Thịnh (đóng ở xã Bình An); nhà học 2 tầng và công trình phụ trợ Trường THCS Tân Vịnh (xã Hộ Độ); nhà học 3 tầng Trường Tiểu học Thạch Kim; nhà đa chức năng Trường Tiểu học Hộ Độ; nhà học 3 tầng Trường Tiểu học Thụ Lộc. Ngoài ra, huyện cũng khuyến khích các địa phương, các nhà trường kêu gọi xã hội hóa, vận động doanh nghiệp tài trợ và sử dụng các nguồn hợp pháp khác để tu sửa thường xuyên, xây dựng nhỏ, làm các phòng tin học…

Hệ thống trang thiết bị phục vụ dạy và học, nhất là phòng tin học đang được các cơ sở giáo dục ở Lộc Hà quan tâm đầu tư.

Thầy giáo Nguyễn Hữu Tuấn - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lộc Hà cho biết: “Thời gian qua, ngành và các trường học đã tích cực tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp để ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư cho giáo dục, xây dựng cảnh quan trường học gắn với xây dựng NTM, đô thị văn minh và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm tra, rà soát hệ thống cơ sở vật chất để đầu tư cho các trường đảm bảo tốt các điều kiện để nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới; trước mắt là tập trung hoàn thiện để đưa vào sử dụng các công trình, hạng mục đang triển khai. Ngoài ra, ngành cũng sẽ tập trung khuyến khích, chỉ đạo, giám sát việc đầu tư mua sắm, bổ sung kịp thời trang thiết bị dạy học theo hướng phục vụ nhiều môn học, từng bước chuẩn hóa cơ sở vật chất, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và chuyển đổi số…”.

Chủ đề Đổi mới giáo dục

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói