Lộc Thủy - xứ tốt đời, đẹp đạo!

(Baohatinh.vn) - Ngày lễ Noel đến gần, cả xứ đạo Lộc Thủy (xã Thạch Long, Thạch Hà - Hà Tĩnh), trên các đường thôn, ngõ xóm giăng đầy khẩu hiệu, tỏ lòng phúc âm tôn kính Chúa, cầu mong Chúa “ban phước lành” cho bà con giáo dân. Thực tế trong đời thường, họ đã làm vui lòng Chúa khi biết tôn trọng mọi chủ trương, pháp luật của Nhà nước, vừa chăm chỉ làm ăn, vừa biết đoàn kết lương giáo, xây đắp cho cuộc đời thêm đẹp.

Gặp những người thợ đóng thuyền

Chiều dần buông, cạnh một khúc sông ở xứ đạo Lộc Thủy, tiếng cưa, tiếng đục của những người thợ đóng thuyền vẫn “cắc cắc..., bục bục” vọng đều đều trong không gian yên ả. Một con thuyền gỗ màu vàng hươm đang chuẩn bị hoàn thiện. Một chàng thanh niên đang cầm chiếc máy bào, bào đi bào lại phía chân vịt. Lưỡi bào lướt trên mặt gỗ xè xè, từng mụn bào rơi lả tả. Xung quanh con thuyền, một tốp thợ khoảng 10 người cũng đang tất bật với công việc. Người cưa, người xẻ, người chuốt mũi, người làm khung thành, bánh lái, triền đà… Tất cả đều tất bật, chú tâm vào từng công đoạn.

loc thuy xu tot doi dep dao

Xứ đạo Lộc Thủy (xã Thạch Long - Thạch Hà). Ảnh: Giang Nam

Mồ hôi nhầy nhụa, bụi gỗ dính đầy người nhưng nét mặt ai cũng vui vẻ. Khi tôi bước vào công trường, gặp ngay một phụ nữ làm nghề sơn thuyền, tên là Trần Thị Thảo, năm nay trạc 40 tuổi, chất phác, hiền lành. Cả gia đình chị từ đời ông tới đời cháu đều theo đạo công giáo. Chị Thảo thoăn thoắt đưa chiếc chổi xuể sơn từng chi tiết trong khoang thuyền mới đóng, nước sơn tím sẫm đang hiện dần lên roi rói trên những trục dày chạy song song với những chiếc đinh tròn xiết chặt theo cự ly được thiết kế từ khuôn mẫu.

Chị Thảo tâm sự: Xứ đạo Lộc Thủy này có nghề đóng thuyền đã hơn 6 thập kỷ. Cha chị trước cũng làm nghề đóng thuyền, hiện tại, cả 2 vợ chồng chị đều tham gia làm nghề này tại tổ hợp đóng thuyền gỗ của ông Võ Công Thịnh. Tiền công thu nhập hàng tháng mà ông chủ thợ trả cho vợ chồng chị mỗi người từ 7-8 triệu đồng... Khi nghe tôi hỏi về hoàn cảnh gia đình, chị Thảo bảo: “Nhà em đất đai dư dả nỏ có, vườn tược không, may còn có cái nghề này cầm tay. Ông chồng em vừa khỏe, vừa siêng lại khéo tay nên cuộc sống tạm ổn. Gắng theo kịp với người trong làng, bọn em cũng chịu khó làm lụng nên xây được nhà và đủ trang trải cho 3 đứa con đang tuổi ăn học”.

Nghe chị Thảo bày tỏ niềm hân hoan với khách, chủ thuyền Võ Công Thịnh cũng cảm thấy vui lây, chủ động bắt chuyện với tôi. Ông Thịnh bật mí: “Ở xứ đạo Lộc Thủy, từ trước tới nay, nghề đóng thuyền vẫn làm ăn theo quy mô nhỏ, không lớn như nghề đóng thuyền ở Trường Sơn (Đức Thọ). Mặc dầu khách hàng ít nhưng năm nào cũng có người tìm đến để đặt hàng. Chúng tôi chưa đủ điều kiện quảng bá và tiếp thị khách hàng, chỉ biết thuyền mình làm được người ta ưa chuộng và khi thả xuống sông, biển đánh bắt cá đều phát huy tác dụng”.

Hiện nay, xứ đạo Lộc Thủy duy trì được 2 tổ hợp “kiểu mẫu”. Mỗi tổ hợp chỉ có 5-8 gia đình tham gia. Nhưng một con thuyền khi hạ thủy và giao đúng cam kết hợp đồng với khách hàng trị giá xấp xỉ 500 triệu đồng, quả thực là một con số lớn. Vốn lớn nên chưa kể việc đầu tư “đồ nghề”, chỉ riêng mua gỗ và nguyên liệu cũng đã đủ mệt rồi. Ngoài vốn vay ngân hàng, đương nhiên, các gia đình trong tổ hợp phải góp vốn, có ý thức tiết kiệm và hành nghề nghiêm túc. Các ông chủ thuyền xứ đạo Lộc Thủy quản lý theo một nguyên tắc chung: “dân chủ, minh bạch”, rủi ro cùng chịu, thuận lợi cùng hưởng nên tạo được sự đoàn kết bền vững. Mỗi năm, 2 tổ hợp này đóng được từ 10-12 thuyền gỗ, doanh số từ 5-7 tỷ đồng. Năm 2016, dù sự cố về môi trường biển nhưng 2 tổ hợp này vẫn đóng mới được 8 con thuyền, trị giá hơn 4 tỷ đồng.

Cả làng đều chịu khó làm ăn

Khi tôi hỏi chuyện làm ăn của bà con giáo dân, linh mục Lê Ngọc Châu tỏ ra khá hài lòng về ý thức lao động, tình đoàn kết lương giáo, trách nhiệm gia đình và trách nhiệm xã hội của giáo dân. Linh mục Châu cho biết: “Xứ đạo Lộc Thủy có 2 xóm Đông Hà 1 và Đông Hà 2 với 600 gia đình giáo dân, gia đình nào cũng chăm chỉ làm ăn. Từ những năm 1990 trở về trước, cuộc sống rất gieo neo, số người thiếu ăn hơn 50% nhưng bây giờ thì xứ này no ấm hẳn lên. Hơn 90% giáo dân có nhà cửa khang trang, tiện nghi đầy đủ. Cả xứ hiện có 10 gia đình sắm ô tô riêng, tỷ lệ hộ nghèo còn 0,4%”.

Linh mục Châu đã nhờ một giáo dân dẫn tôi đi thăm đồng tôm của ông Nguyễn Trung Hoa. Ông Hoa đang một mình cặm cụi bên hồ tôm trong buổi chiều đông lạnh buốt. Ông xách một thùng nhựa trắng đầy ắp thức ăn cho tôm, cạnh ông là một túp lều dựng tạm che mưa, che nắng... Dẫu mới gặp nhau lần đầu nhưng tôi vẫn thấy thiện cảm, bởi nụ cười đầy thân thiện của ông Hoa... Ông say sưa kể chuyện làm ăn của mình, rồi chuyện làm ăn của cả làng, cả xóm.

“Người ta thường bảo, trong cái khó mới “ló” cái khôn, tôi ngẫm ra đúng thật. Anh thấy đấy, xứ này thuộc diện đất chật, người đông nên chuyện nuôi trâu, nuôi bò hay nuôi lợn theo quy mô lớn không thể làm nổi. Xứ đạo Lộc Thủy bây giờ chỉ có 25 gia đình chuyên nghề đi biển, số còn lại phải tự xoay xở tìm việc làm. Làng ni giải quyết được việc làm cho con cái chính là nhờ chính quyền địa phương cùng các cơ quan chức năng tạo mọi điều kiện thuận lợi để con em được đi lao động xuất khẩu”.

Ông Nguyễn Phi Trưng - Chủ tịch UBND xã Thạch Long khẳng định: “Xóm đạo Lộc Thủy có số thanh niên trẻ đi lao động xuất khẩu vào loại nhất nhì các làng quê trong huyện Thạch Hà. Hiện tại, Lộc Thủy có hơn 600 lao động ở khắp các nước từ Thái Lan, Đài Loan, Hàn Quốc tới Nhật Bản”. Giải quyết được nhiều việc làm, không chỉ gia đình vui mà cả cộng đồng vui, xã hội vui. Nguồn tiền con cái gửi về cho gia đình, bằng bàn tay siêng năng, tư duy đổi mới, bằng sự năng động trong cơ chế thị trường, họ đã sớm biến thành những đồng tiền khôn. Chẳng hạn như ông Hoa mà tôi vừa gặp, gia đình ông đã có “trợ sức” của cậu con trai để xây dựng nên cánh đồng tôm, vì theo ông, “Dẫu nghề nuôi tôm đánh bạc với trời, nhưng nếu làm đúng quy trình vẫn mang lại lợi nhuận hơn các nghề trồng trọt và chăn nuôi khác. Cứ một vụ tôm nuôi 3 tháng là có thể cho thu hoạch, 1 ha tôm nuôi không bị sự cố có thể thu hoạch từ 2-3 tấn...”.

Người “có gan” làm kinh tế nhất trong 2 tổ hợp nuôi tôm ở Lộc Thủy vẫn là ông Nguyễn Tiến Dũng. Gia đình ông Dũng hiện có tới 4 hồ lớn nuôi tôm sú với diện tích 6 ha, hy vọng sẽ “trúng đậm”. Một giáo dân ở xứ Lộc Thủy cho biết: Cách đây vài năm, đồng tôm ông Dũng đã thu lãi hơn 70 triệu đồng.

Chung sức, chung lòng cho thôn thêm đẹp

Về thăm xứ đạo Lộc Thủy, tôi có thêm 2 niềm vui lớn: thứ nhất, mọi người ai cũng biết làm ăn; thứ hai, mọi người đều biết yêu thương, chia sẻ lẫn nhau. Một xứ đạo hàng chục năm không xẩy ra tiêu cực xã hội. Không chỉ nổi bật trong phong trào xây dựng nông thôn mới, người dân Lộc Thủy còn luôn nêu cao tinh thần cảnh giác để mọi hiện tượng tiêu cực trong xã hội không thể “xâm nhập” vào làng. Sinh hoạt văn hóa đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu ở xứ đạo Lộc Thủy từ già đến trẻ. Các thôn xứ đạo ở đây hiện nay đã thành lập được các đội văn nghệ, bóng đá, bóng chuyền. Những ngày đại lễ hay tết đến, xuân về, làng lại náo nức tiếng hát, tiếng hò reo trên sân bãi. Từ ngày hội quán được xây dựng khang trang, trở thành nơi hội tụ sức mạnh cộng đồng, bà con giáo xứ lại càng gần gũi nhau hơn. Tại đây, bà con có dịp nghe thêm những “lời hay, ý đẹp”, những chủ trương, chính sách mới của Đảng và Chính phủ cùng với những câu chuyện làm ăn của địa phương mình.

Bồi dưỡng tư tưởng con người giống như cây xanh âm thầm hút dinh dưỡng của đất để vươn cao, tỏa cành, xanh lá. Lộc Thủy đã đi lên bằng những điều giản dị hàng ngày như thế.

Đọc thêm

Cảm ơn đồng bào!

Cảm ơn đồng bào!

Trong cơn hoạn nạn do bão Yagi gây ra, người Hà Tĩnh cùng đồng bào cả nước đã chung tay cùng bà con miền Bắc khắc phục khó khăn, tái thiết sau thiên tai. Giờ đây, những bản làng, thôn xóm trên ấy đã xôn xao nhịp sống mới...
Học sinh Trí Đức rộn ràng chào xuân mới 2025

Học sinh Trí Đức rộn ràng chào xuân mới 2025

Các hoạt động chào xuân là dịp để các bạn nhỏ Trường Mầm non Trí Đức (TP Hà Tĩnh) được vui chơi, hiểu thêm về những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Muôn sắc màu tại Hội báo Xuân Ất Tỵ 2025

Muôn sắc màu tại Hội báo Xuân Ất Tỵ 2025

Hội báo Xuân Ất Tỵ 2025 trưng bày nhiều ấn phẩm báo chí, phản ánh sự sáng tạo và đổi mới trong công tác tuyên truyền của báo chí Hà Tĩnh và cả nước trong kỷ nguyên số.
Thủ khoa trường làng chia sẻ đam mê Hóa học

Thủ khoa trường làng chia sẻ đam mê Hóa học

Nguyễn Nam Tiến - Trường THCS Kỳ Long (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đã trở thành niềm tự hào khi trở thành thủ khoa môn KHTN - B (Hóa học) trong Kỳ thi học sinh giỏi tỉnh lớp 9 vừa qua.