Trong thời đại công nghệ số phát triển mạnh mẽ, việc tiếp cận phim ảnh, sách vở hay tài liệu học tập trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, cùng với sự tiện lợi đó, một thói quen sử dụng các trang web “lậu”, những nền tảng chia sẻ nội dung không có bản quyền ngày càng phổ biến và gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng.
Tại Hà Tĩnh, có những người chọn truy cập các trang phim miễn phí, tải sách điện tử không bản quyền hay tìm kiếm tài liệu học tập từ các nguồn không chính thống chỉ vì muốn tiết kiệm chi phí. Nhưng thứ họ nhận được không chỉ đơn giản là nội dung mong muốn, mà còn đi kèm hàng loạt rủi ro, từ quảng cáo phản cảm đến các mối đe dọa về bảo mật.
“Là sinh viên, tôi từng tìm tài liệu học tập trên một trang web "lậu" vì nghĩ rằng tiết kiệm được chút chi phí. Nhưng chỉ sau vài cú nhấp chuột, trang tải sách lập tức chuyển hướng sang website cờ bạc. Dù chưa gây hại trực tiếp, nhưng tôi chợt nhận ra, đằng sau vẻ tiện lợi của những trang miễn phí là cả một hệ sinh thái nội dung độc hại đang được nuôi sống bằng chính những cú click tưởng như vô hại của người dùng”, anh Lê Nhật Hoàng (xã Đức Thọ) cho biết.
Trên các trang phim hoặc sách tài liệu lậu, quảng cáo cờ bạc, cá độ bóng đá, môi giới mại dâm trá hình hay thậm chí là phần mềm độc hại xuất hiện với tần suất dày đặc. Chỉ vài cú nhấp chuột, người dùng (có không ít học sinh, sinh viên) đã bị dẫn dụ vào những nội dung không phù hợp, đôi khi có tính chất kích dục hoặc cổ xúy hành vi trái pháp luật.
Việc tiếp xúc thường xuyên với những nội dung này khiến người dùng, đặc biệt là giới trẻ dễ bị bào mòn nhận thức và lệch chuẩn về giá trị sống. Các hành vi lệch lạc dần trở nên “bình thường” trong môi trường số nếu không có sự cảnh tỉnh kịp thời.
Không dừng lại ở đó, nhiều trang web “lậu” còn là ổ chứa mã độc, sử dụng các đoạn mã ẩn để đánh cắp dữ liệu người dùng hoặc dụ họ cài đặt phần mềm nguy hiểm. Đã có không ít trường hợp bị mất tài khoản mạng xã hội, lộ thông tin cá nhân, hoặc bị chiếm đoạt tiền từ tài khoản ngân hàng sau khi truy cập các trang không rõ nguồn gốc. Việc tưởng chừng “miễn phí” ấy rốt cuộc lại khiến người dùng phải trả cái giá rất đắt, không chỉ về vật chất mà còn là thời gian, sự an toàn và chất lượng trải nghiệm trực tuyến.
“Xem phim lậu từng là thói quen tôi không mấy bận tâm, miễn là có phim mới, xem nhanh, khỏi tốn tiền. Nhưng một lần, trang web yêu cầu tôi đăng nhập facebook để “xem chất lượng cao không quảng cáo”. Giao diện nhìn giống hệt thật, chỉ nhờ cảnh báo của trình duyệt, tôi mới biết đó là trang giả mạo. Lúc ấy tôi nhận ra đằng sau những bộ phim miễn phí là cả một hệ thống trục lợi dựa trên sự chủ quan của người dùng”, anh Nguyễn Tuấn Đạt (phường Thành Sen) chia sẻ.
Sự phổ biến của nội dung lậu còn tạo ra hệ quả tiêu cực cho cả nền công nghiệp sáng tạo. Khi người dùng tiếp tục tiếp tay cho các nền tảng không bản quyền, những nhà sáng tạo nội dung chân chính đầu tư công sức, thời gian và chất xám sẽ dần mất đi nguồn động lực và thu nhập. Điều này làm suy yếu toàn bộ hệ sinh thái nội dung chất lượng, từ phim ảnh, sách vở đến giáo dục số.
Chính vì vậy, việc thay đổi thói quen tiêu dùng nội dung số là điều cấp thiết. Lựa chọn các nền tảng hợp pháp, trả phí cho giá trị thật là hành động thiết thực để bảo vệ chính bản thân người dùng khỏi những rủi ro, đồng thời góp phần xây dựng một môi trường số an toàn, lành mạnh và bền vững hơn.
Sự văn minh trong cách tiếp cận thông tin không chỉ phản ánh ý thức cá nhân mà còn là yếu tố quyết định sự phát triển của cộng đồng trong thời đại số hóa.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng phòng Quản lý báo chí và xuất bản (Sở VH-TT&DL) cho rằng, ngày nay, rất nhiều trang chia sẻ nội dung thông tin không minh bạch, thậm chí là thông tin lậu đã được tích hợp tự động kết nối các đường link vào các nội dung quảng cáo độc hại như cờ bạc, mại dâm trá hình, ứng dụng lừa đảo... Những quảng cáo này không được kiểm duyệt, đánh trúng tâm lý tò mò và dễ khiến người dùng (đặc biệt là thanh thiếu niên) bị lôi cuốn vào các game cờ bạc; dẫn dụ vào môi trường thông tin độc hại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhận thức và hành vi.
"Về lâu dài, đây là một vòng xoáy rất nguy hiểm. Khi người dùng quen với việc tiếp cận nội dung không kiểm soát, họ trở thành mục tiêu dễ dàng cho các hình thức lừa đảo, chiếm quyền kiểm soát thiết bị điện tử, chiếm đoạt dữ liệu. Những hành vi này đang làm méo mó môi trường số, làm mai một động lực sáng tạo và ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của cả cộng đồng số", ông Nguyễn Tiến Dũng nhấn mạnh.