Lối thoát mong manh cho cuộc khủng hoảng Yemen

Khủng hoảng tại Yemen hiện có thể coi là một cuộc nội chiến mở rộng và nguy cơ bất ổn sẽ kéo dài nếu những nỗ lực hòa đàm không mang lại kết quả. Lựa chọn quân sự không thể giúp giải quyết tận gốc rễ bất đồng, nhưng đến nay giải pháp qua đàm phán cũng không hề dễ dàng do tính phức tạp của cuộc xung đột tại Yemen.

Đặc phái viên LHQ về Yemen Ismail Ould Cheikh Ahmed (giữa) và đại diện các nước G16 tại cuộc họp trước thềm đàm phán ở Geneva ngày 14/6. Ảnh: AFP-TTXVN

Đặc phái viên LHQ về Yemen Ismail Ould Cheikh Ahmed (giữa) và đại diện các nước G16 tại cuộc họp trước thềm đàm phán ở Geneva ngày 14/6. Ảnh: AFP-TTXVN


Nỗ lực tổ chức hòa đàm

Mọi kế hoạch đàm phán hòa bình từ trước tới nay đều thất bại dù trung gian hòa giải là Liên đoàn Arab (AL) hay Liên hợp quốc (LHQ). Hội nghị đối thoại dân tộc Yemen tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia với tên gọi “Cứu vãn Yemen và xây dựng một Nhà nước Liên bang" nhưng không có sự tham gia của nhóm phiến quân Hồi giáo Houthi - lực lượng đang nắm giữ thủ đô Sanaa và nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc. Kế hoạch hòa đàm tại Thụy Sĩ hồi tháng Năm cũng bị trì hoãn do sự phản đối của chính phủ Yemen lưu vong, vốn đòi hỏi lực lượng Houthi phải rời bỏ các thành phố lớn và công nhận quyền lãnh đạo của Tổng thống Abed RabboMansour Hadi, trong khi Houthi yêu cầu lệnh ngừng bắn là điều kiện tiên quyết cho đàm phán.

Cuộc đàm phán mới nhất tại Geneva bắt đầu vào ngày 15/6 thể hiện nỗ lực của LHQ nhằm phá vỡ thế bế tắc sau hơn hai tháng diễn ra các cuộc không kích do Saudi Arabia đứng đầu. Mỗi bên cử 7 đại diện tham dự. Cũng trong ngày 15/6, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon và đặc phái viên của Tổng thư ký phụ trách Yemen, Ismail Ould Cheikh Ahmed, tham vấn riêng rẽ với các đoàn Yemen. TTK LHQ cũng tiến hành gặp gỡ với Tổng thư ký của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) và "Nhóm 16 Đại sứ", gồm các Đại sứ của Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh, Mỹ, Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Đức, Nhật Bản, Hà Lan, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như GCC và Liên minh châu Âu (EU).

LHQ hy vọng các cuộc thảo luận có thể tạo ra một động lực mới để xây dựng lòng tin giữa các bên Yemen và mang lại lợi ích cụ thể cho người dân, đặc biệt là giảm bạo lực và tạo điều kiện tiếp cận viện trợ nhân đạo và các dịch vụ cơ bản. TTK kêu gọi tất cả các bên tham dự không nên đưa ra bất kỳ điều kiện tiên quyết nào. Về phần mình, Đặc phái viên LHQ Cheikh Ahmed hoan nghênh các quyết định gửi phái đoàn tham gia đàm phán hòa bình tại Geneva, đồng thời khuyến khích các thành viên cùng tìm kiếm giải pháp nhằm giảm bớt tình hình nhân đạo bi thảm ở Yemen, đưa nước này quay lại con đường hòa bình và quá trình chuyển đổi có trật tự.

Lối thoát mong manh cho cuộc khủng hoảng Yemen ảnh 2

Người dân Yemen tìm kiếm người sống sót sau vụ oanh tạc ở thành cổ Sanaa ngày 12/6. Ảnh: AFP/ TTXVN


Tính phức tạp của cuộc khủng hoảng

Lịch sử Yemen đã có hàng nghìn năm, nhưng đất nước Yemen hiện đại tương đối trẻ, với biên giới mới được định hình vào thập niên 1990 sau khi Bắc và Nam Yemen chấm dứt chiến tranh và thống nhất thành một đất nước. Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh lên nắm quyền từ năm 1978 được xem là đã giúp cuộc thống nhất đất nước thành công năm 1990. Nhưng xung đột hai miền vẫn bùng nổ, với phần thắng nghiêng về lực lượng ủng hộ ông Saleh. Bên ngoài những thành phố lớn của Yemen, các bộ tộc sở hữu vũ khí và tự quản theo truyền thống hơn là theo hiến pháp nhà nước; các đội quân bộ tộc có phần lấn át quân đội quốc gia.

Trong số này, Houthi là một trong những lực lượng dân quân mạnh nhất. Xung đột giữa lực lượng Houthi theo dòng Hồi giáo Shiite ở phía Bắc Yemen và chính phủ trung ương đã nhen nhóm từ năm 2009. Làn sóng “Mùa xuân Arab” nổ ra, Tổng thống Saleh bị lật đổ năm 2011 và ông Mansour Hadi lên nắm quyền. Nhưng tháng 1/2015, lực lượng Houthi đã buộc Tổng thống Hadi từ chức sau khi chiếm thủ đô Sanaa. Từ tháng 2/2015, tình hình xung đột đã buộc ông Hadi phải chạy xuống thành phố Aden ở phía Nam, song phe Houthi tiếp tục tấn công xuống Aden khiến ông Hadi phải đáp chuyến bay sang Saudi Arabia cầu cứu Riyadh. Căng thẳng leo thang từ ngày 25/3, khi liên minh hỗ trợ Tổng thống Hadi, gồm 10 nước Arab và vùng Vịnh, do Saudi Arabia dẫn đầu, bắt đầu tiến hành không kích để ngăn chặn quân Houthi tiến về phía Nam.

Sự phức tạp của cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ mâu thuẫn giáo phái. Ở Yemen cũng như ở khu vực Trung Đông đã tồn tại cuộc đối đầu giữa hai hệ phái Shiite và Sunni của đạo Hồi suốt chiều dài lịch sử của tôn giáo này. Đa số dân Yemen theo Hồi giáo nhưng chia rẽ giữa hai phái Sunni và Shiite Zaidi, liên quan đến việc diễn giải về người kế thừa đấng tiên tri Mohammed. Phái Sunni chiếm 50-55% và áp đảo ở miền Nam và Đông Nam, trong khi phái Shiite Zaidi chiếm khoảng 40% áp đảo ở miền Bắc và Tây Bắc.

Phức tạp hơn nữa khi từ năm 2009, Yemen trở thành căn cứ của Al-Qaeda. Sau khi các nhóm Hồi giáo cực đoan Yemen và Saudi Arabia hợp nhất thành tổ chức Al-Qaeda ở vịnh Arab, nhóm này đã trở thành một trong những nguồn "xuất khẩu khủng bố" Hồi giáo lớn nhất thế giới mà Mỹ cho là một trong các nhóm Al-Qaeda nguy hiểm nhất. Tư tưởng của Al-Qaeda ở vịnh Arab dựa trên tư tưởng của phái Hồi giáo Sunni nên cũng xung đột với phái Houthi. Vì thế Houthi cũng là nhóm chiến đấu chống lại Al-Qaeda ở vịnh Arab. Yemen đã trở thành vùng đất của chủ nghĩa cực đoan với quá nhiều nhóm phái đối địch - quân chính phủ, quân Houthi và chi nhánh Al-Qaeda ở vịnh Arab. Xung đột đã âm ỉ từ lâu giữa lực lượng Houthi theo hệ phái Shiite được Iran ủng hộ, với lực lượng của Tổng thống Hadi theo dòng Sunni được liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu (chủ yếu gồm các quốc gia Arab) hậu thuẫn.

Bất chấp chiến dịch không kích dữ dội, liên minh do Saudi Arabia đứng đầu vẫn không thể thay đổi được cán cân quyền lực ở Yemen và không đạt mục tiêu khôi phục quyền lực cho Tổng thống lưu vong Hadi. Về phần mình, Houthi dù đã bảo toàn vùng lãnh thổ chiếm giữ, trong đó có thủ đô Sanaa, song vẫn không thể mở rộng quyền kiểm soát ra toàn bộ đất nước.

Cuộc xung đột ở đất nước lớn thứ hai bán đảo Arab ngày càng thu hút sự chú ý của thế giới khi mà đã có gần 2.000 người thiệt mạng và khoảng 8.000 người bị thương. Số người phải sống trong cảnh không nhà cửa, thiếu lương thực dự kiến vượt quá 25 triệu. Tình trạng đói nghèo kinh niên vốn đã khiến hơn một nửa dân số Yemen phải sống dựa vào viện trợ nước ngoài. Giờ đây, bạo lực, thiếu nhiên liệu... khiến các bệnh viện, doanh nghiệp, nhà máy điện và giao thông phải ngừng hoạt động. Người dân Yemen mong mỏi cuộc đàm phán hòa bình tại Geneva có thể dẫn tới một lệnh ngừng bắn kéo dài qua tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo và tiến tới các cuộc thương lượng sâu rộng hơn về một lộ trình cho tương lai chính trị của Yemen.

Thực tế cho thấy nếu những giải pháp ngoại giao, sự can thiệp từ bên ngoài nghiêng về một bên với mục tiêu phân định thắng - thua thì khó lòng mang lại kết quả. Chỉ người dân Yemen là đối tượng phải gánh chịu hậu quả nặng nề nếu bất đồng giữa các bên đối địch không được thu hẹp. Sự leo thang của chiến tranh sẽ đẩy Yemen vào cuộc "huynh đệ tương tàn" và đến bờ vực sụp đổ hoàn toàn.

Theo TTXVN

Đọc thêm

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Ngày 19/1, Lực lượng quân đội Colombia cho biết sẽ tăng cường các hoạt động ở khu vực Tây Bắc đất nước để ngăn chặn làn sóng bạo lực bùng phát trong những ngày qua.
WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.