Nhiều tháng trôi qua, bà N.T.H. (trú xã Kỳ Bắc, huyện Kỳ Anh) như “ngồi trên đống lửa” khi toàn bộ vốn liếng gần 1,5 tỷ đồng mà bà đưa cho bị cáo Hoàng Thị Thảo để góp hụi “kiếm lời” có nguy cơ mất trắng. Bà H. cho biết, trong quá trình góp hụi (từ năm 2020 đến cuối năm 2022), bà đã nhiều lần trao đổi với Thảo về việc lấy lại hụi theo thời gian cam kết trước đó. Tuy nhiên, lúc thì Thảo nói có người khác đã mua với giá cao hơn, lúc thì viện các lý do như: cần tiền lấy hàng, mua vàng… Tương tự bà H., chị T.T.H. (trú xã Kỳ Phong, huyện Kỳ Anh) cũng bất an khi gần 1,2 tỷ đồng đưa cho Thảo góp hụi khó có thể lấy lại.
Trường hợp của bà H. và chị H. cũng là tình cảnh chung của 63 bị hại còn lại trong vụ án. Do có mối quan hệ quen biết với Thảo trong quá trình kinh doanh buôn bán ở chợ Voi (huyện Kỳ Anh), các tiểu thương đã sẵn sàng đưa tiền cho Thảo để góp hụi nhằm mục đích kiếm tiền lãi.
Theo kết quả điều tra và xác minh của cơ quan chức năng, từ năm 2020 đến đầu năm 2023, bằng các thủ đoạn gian dối, Thảo đã lừa đảo chiếm đoạt tiền của 65 bị hại với tổng số tiền 13.241.350.000 đồng. Toàn bộ số tiền chiếm đoạt, Thảo dùng để trả gốc cho những dây hụi đến hạn, trả lãi hàng tháng cho người góp hụi và chi tiêu cá nhân. Đến khoảng tháng 1/2023, khi số nợ đối với những người tham gia hụi quá lớn, nhiều người yêu cầu trả lại tiền nhưng Thảo không còn khả năng trả mà tuyên bố vỡ nợ.
Tại phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Hoàng Thị Thảo về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" diễn ra vào ngày 19/6 vừa qua, rất đông bị hại và người nhà đã có mặt để theo dõi. Dù cố gắng tỏ ra bình tĩnh để đối mặt với những sai lầm, tổn thất mình đã gây ra, Thảo cuối cùng cũng ngã khụy trước bục khai báo bởi những lời oán trách của bị hại. Đó là số tiền quá lớn và phải rất tin tưởng các bị hại mới giao tiền cho Thảo.
Trước tòa, Thảo giàn giụa nước mắt rồi trần tình: Chỉ đến lúc vỡ nợ, bị cáo mới tỉnh ngộ. Tận đáy lòng, bị cáo xin gửi lời xin lỗi tới gia đình và các bị hại, vì đã khiến cuộc sống và uy tín của nhiều người bị ảnh hưởng. Chỉ vì túng tiền trả nợ, bị cáo đã đưa ra các thông tin gian dối để lừa đảo bị hại hòng chiếm đoạt tài sản. Khoảng thời gian bị bắt, bị cáo cũng đã nhờ gia đình trả lại số tiền 50 triệu đồng cho 65 bị hại (mỗi bị hại nhận 769 nghìn đồng). Bị cáo biết, sai lầm mình gây ra sẽ bị pháp luật nghiêm trị nhưng vẫn mong nhận được sự khoan hồng của pháp luật để sớm làm lại cuộc đời, khắc phục những tổn hại mình đã gây ra.
Dù những lời biện bạch của Thảo có phần nào làm lay động những bị hại có mặt tại phiên xử, tuy nhiên, hội đồng xét xử xét thấy, hành vi của bị cáo đặc biệt nguy hiểm cho xã hội. Lợi dụng lòng tin của những người bị hại, bị cáo đã đưa ra các thông tin gian dối để nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản. Hành vi này đã xâm phạm quyền sở hữu tài sản của người khác được pháp luật bảo vệ, gây mất niềm tin trong quần chúng nhân dân, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự. Do đó, cần phải xử lý nghiêm, cách ly bị cáo một thời gian dài để giáo dục và phòng ngừa chung.
Sau khi cân nhắc kỹ các tình tiết, hội đồng xét xử quyết định tuyên phạt Hoàng Thị Thảo mức án 20 năm tù giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và buộc đối tượng tiếp tục bồi thường số tiền đã chiếm đoạt của 65 bị hại.
Ngoài lời cảnh tỉnh cho những ai cố ý vi phạm pháp luật để làm lợi bất chính, vụ án cũng là bài học đối với người dân trong việc nâng cao hiểu biết về hợp tác làm ăn, tránh tiền mất tật mang.