Ngay từ đầu hè, nhiều đơn vị trên địa bàn Hà Tĩnh nói riêng, cả nước nói chung đã giới thiệu các chương trình như “Học kỳ trong quân đội”, “Học làm chiến sĩ công an” dành cho học sinh lứa tuổi từ 8-16. Với các hoạt động phong phú, hấp dẫn như: rèn luyện thể lực; trang bị các kỹ năng sống; giáo dục về đạo đức, tình cảm, các khóa học này thu hút đông đảo phụ huynh đăng ký cho con tham gia.
Đạt danh hiệu học sinh xuất sắc trong năm học vừa qua, em Sơn Tùng (học sinh lớp 6 ở TP Hà Tĩnh) đã được bố mẹ dành phần thưởng là một khóa trải nghiệm “Học làm chiến sĩ công an” tại một cơ sở đào tạo lực lượng cảnh sát ở TP Hà Nội. Chuyến trải nghiệm càng thêm ý nghĩa vì cậu bé được đi cùng người bạn học thân thiết của mình.
Sơn Tùng chia sẻ: “Dù chưa quen với điều kiện sinh hoạt, chế độ tập luyện trong đơn vị nên hơi mệt và nhớ nhà nhưng bù lại, chúng em có nhiều trải nghiệm rất thú vị, được tham gia nhiều hoạt động như tự chăm sóc bản thân, rèn luyện thể lực, tập nghi thức; học các chuyên đề kỹ năng sống… Em được làm quen với những người bạn mới từ các tỉnh thành khác, được nghe các bạn giới thiệu về quê hương mình nên hiểu biết thêm nhiều miền quê”.
Gần 10 ngày tham gia khóa học, thời gian không dài nhưng với những trải nghiệm thú vị chắc chắn sẽ là một kỷ niệm mùa hè đáng nhớ đối với Sơn Tùng và những người bạn của mình.
Các khóa tu mùa hè cũng được nhiều phụ huynh ở các địa phương quan tâm. Đến với các khóa tu, học sinh được tham gia các hoạt động như “tri ân”, “thắp sáng niềm tin”, “tâm trong, trí sáng, hoài bão lớn”… nhằm rèn luyện tư cách, đạo đức; học những điều hay lẽ phải, biết cách trân trọng giá trị của gia đình; hướng thiện, sống lạc quan, yêu đời…
Ngoài các chương trình học nói trên, nhiều phụ huynh cũng lựa chọn trại hè của các trung tâm ngoại ngữ để rèn luyện và giáo dục kỹ năng sống cho trẻ.
Điểm chung của các chương trình này thường diễn ra trong khoảng thời gian 1 tuần - 10 ngày; học viên được bố trí nơi ăn ở; sinh hoạt và rèn luyện theo các quy định của ban tổ chức; tuyệt đối không sử dụng các thiết bị công nghệ, điện tử để liên lạc và giải trí…
Sau các khóa học, nhiều phụ huynh nhận xét con có sự thay đổi tích cực như: có ý thức tự giác hơn trong sinh hoạt hằng ngày; biết nhiều kỹ năng như thoát hiểm khi có hỏa hoạn, bị kẻ xấu theo dõi, dụ dỗ, bắt cóc; cứu đuối, sơ cứu khi gặp tai nạn thương tích…
Tuy nhiên, do thời gian học tập và rèn luyện ngắn nên với nhiều em, sự thay đổi đó không được lâu dài. Tính cách, thói quen và kỹ năng của trẻ phải được giáo dục, rèn luyện thường xuyên, không phải việc của một vài ngày, một vài khóa học. Thế nên, sau khóa học, phụ huynh cần dành thời gian để đồng hành, nhắc nhở con duy trì thói quen tốt, vun đắp những suy nghĩ tích cực.
Việc lựa chọn hình thức nào phù hợp để con rèn luyện, học tập cũng là điều mà các phụ huynh cần hết sức lưu ý. Khi lựa chọn cần tùy thuộc vào tính cách, độ tuổi, sở trường của con; không nên quá áp đặt suy nghĩ, kỳ vọng của cha mẹ.
Ngoài ra, phụ huynh cũng cần tìm hiểu thật kỹ càng về đơn vị tổ chức; nội dung, mục đích triển khai trong chương trình; điều kiện cơ sở vật chất phục vụ cho việc rèn luyện, học tập. Những thông tin, hình ảnh mang tính tiêu cực, có dấu hiệu truyền bá mê tín dị đoan tại khóa tu mùa hè của một ngôi chùa lớn ở tỉnh Quảng Ninh được lan truyền những ngày gần đây là ví dụ điển hình để phụ huynh phải cân nhắc trước khi đưa ra lựa chọn cho con.