Hiện nay, lúa vụ xuân 2024 của Hà Tĩnh đang ở giai đoạn phân hóa đòng, một số vùng không chủ động nước, người dân gieo cấy sớm như xã Xuân Hội, Đan Trường (Nghi Xuân), xã Thạch Mỹ, Mai Phụ (Lộc Hà) bước vào giai đoạn trổ bông.
Dự kiến, trước ngày 15/4, khoảng 6.000 ha (Lâm Trung Thủy, Bùi La Nhân, Thanh Bình Thịnh, các xã ngoài đê Đức Thọ; ven biển Nghi Xuân; Trung Lộc, Thanh Lộc, Khánh Vĩnh Yên của huyện Can Lộc;...) sẽ hoàn thành giai đoạn trổ bông.
Từ ngày 15 - 25/4, khoảng 45.000 ha (chiếm 75% diện tích lúa) vụ xuân trên địa bàn toàn tỉnh sẽ trổ bông tập trung. Số diện tích còn lại khoảng 9.000 ha trổ sau 25/4, phân bố rải rác ở các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh.
Hiện nay, bệnh đạo ôn cổ bông đã xuất hiện trên một số diện tích trổ sớm tại xã Xuân Hội, Đan Trường (Nghi Xuân); vết bệnh đạo ôn xuất hiện ở cổ lá trên giống P6, Thái Xuyên 111, VNR20, ADI 168, XT28,… tại xã Bùi La Nhân, Lâm Trung Thủy, Tân Dân (Đức Thọ); xã Thạch Long, Thạch Trị (Thạch Hà); xã Nam Phúc Thăng, Yên Hòa, Cẩm Quan (Cẩm Xuyên)…
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, từ nay đến 20/4 trời ít mưa, nền nhiệt độ không cao, hướng gió chủ đạo là hướng Đông Nam, Đông và Đông Bắc tạo nên hình thái thời tiết khá nhiều mây, một số ngày có mưa. Nhiệt độ thấp (23 - 25 độ C), độ ẩm cao (trên 90%) về đêm và sáng sớm. Với hình thái thời tiết như trên, cùng với nguồn bệnh có trên đồng ruộng là các yếu tố thuận lợi để bệnh đạo ôn cổ bông phát sinh, phát triển và có nguy cơ gây thiệt hại đối với sản xuất.
Để ứng phó với dịch bệnh ở giai đoạn sinh trưởng quan trọng nhất của lúa, UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các phòng chuyên môn, Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi và UBND các xã, phường, thị trấn làm tốt công tác điều tra phát hiện, dự tính dự báo; tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân chủ động trong công tác phòng trừ bệnh đạo ôn cổ bông.
Đồng thời, chú trọng kiểm tra tình hình sinh trưởng, xác định thời gian trổ của từng trà lúa, từng cánh đồng, từng vùng sinh thái, từng giống để chỉ đạo, hướng dẫn phun phòng bệnh, chú trọng trên các diện tích gieo cấy các giống mẫn cảm với bệnh đạo ôn như: VNR20, Thái Xuyên 111, ADI 168, Hương Bình, P6, XT28...; trên số diện tích vừa qua nhiễm đạo ôn lá và vùng có nguy cơ nhiễm bệnh.
Thời điểm phun phòng khi lúa trổ vè (trổ 3-5%) và phun lại lần 2 sau 5 - 7 ngày bằng các loại thuốc có nhóm hoạt chất sau: Tricyclazole, Isoprothiolane, Fenoxanil; các loại thuốc thương phẩm hiện có trên địa bàn tỉnh như: Kasoto 200SC, Flash 75WP, Kabim 30WP, Filia 525SE, Grandgold 510WP, Bimson 750WP, NINJA 35EC,....