Lương tối thiểu dự kiến tăng 6% từ tháng 7/2024

Lương lao động trong doanh nghiệp dự kiến tăng 200.000-280.000 đồng tùy từng vùng từ ngày 1/7/2024, cùng thời điểm với cải cách tiền lương khu vực công.

Phiên họp thứ hai của Hội đồng Tiền lương quốc gia tái khởi động sáng 20/12, bốn tháng sau lần đàm phán thứ nhất hồi tháng 8.

Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất hai mức tăng 6,48% hoặc 7,3%, từ ngày 1/7/2024, cùng lúc với cải cách tiền lương khu vực nhà nước. Mức tăng căn cứ kinh tế khởi sắc, đơn hàng doanh nghiệp tăng trở lại.

Lương tối thiểu dự kiến tăng 6% từ tháng 7/2024

Giờ vào ca của lao động doanh nghiệp may Thái Nguyên, đầu năm 2020. Ảnh: Ngọc Thành

Đại diện giới chủ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI đề xuất tăng 4,5-5%, bởi phải tính đến sức khỏe doanh nghiệp. Khi đơn hàng mới quay trở lại, thì giữ việc làm cho lao động quan trọng hơn.

Sau khi đàm phán, 16/16 thành viên Hội đồng bỏ phiếu thống nhất đề xuất Chính phủ điều chỉnh lương tối thiểu thêm 6%, tăng 200.000-280.000 đồng tùy vùng. Lương vùng 1 nâng lên 4,96 triệu đồng; vùng 2 là 4,41 triệu; vùng 3 là 3,86 triệu và vùng 4 đạt 3,45 triệu đồng. Lương hiện hành các vùng đang dao động 3,25-4,68 triệu đồng.

Mức lương tối thiểu giờ cũng tăng tương ứng 6% từ giữa năm 2024. Cụ thể, vùng 1 lên 23.800 đồng; vùng 2 lên 21.200 đồng; vùng 3 là 18.600 đồng; vùng 4 là 16.600 đồng.

Thứ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia, đánh giá 6% là mức tăng hài hòa, chia sẻ khó khăn của cả lao động và chủ doanh nghiệp.

Cuộc thương lượng diễn ra trong bối cảnh lạm phát cơ bản tăng 4,27%, CPI bình quân 11 tháng của năm 2023 tăng 3,22% so với cùng kỳ năm trước. Điều chỉnh lương tối thiểu năm 2024 đối mặt nhiều thách thức do làn sóng cắt giảm lao động kéo dài từ cuối năm 2022, dự báo tiếp diễn tới đầu năm sau.

Thông lệ hơn 10 năm qua, lương tối thiểu thường điều chỉnh vào ngày 1/1 hàng năm. Song do ảnh hưởng của dịch, khủng hoảng kinh tế, cắt giảm lao động, lương tối thiểu lần tiếp theo được điều chỉnh vào tháng 7 trong vòng bốn năm.

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam thống kê giai đoạn 2015-2022, Chính phủ điều chỉnh lương tối thiểu với quỹ đạo đi lên, từ 119 USD tháng 12/2015 lên 168 USD vào tháng 12/2022. Song lạm phát tăng khiến giá trị thật của tiền lương tối thiểu không tăng nhiều. Thời kỳ 2015-2019, lương tối thiểu danh nghĩa tăng 42,7% song lạm phát khiến tiền lương thực tế chỉ tăng 20,1%. Giai đoạn 2020 -2022, lương tối thiểu điều chỉnh trên 6%, song tiền lương thực tế chỉ tăng 0,7%.

ILO cho rằng điều chỉnh lương tối thiểu cần dựa vào số liệu chính xác về lạm phát, tăng trưởng kinh tế, việc làm, khả năng chi trả của doanh nghiệp và năng suất lao động. Đồng thời mức điều chỉnh phải theo kịp lạm phát để giữ giá trị thật của tăng lương cho người lao động, đo lường nhu cầu của họ và gia đình.

Khảo sát về đời sống lao động nửa đầu năm 2023 của Công đoàn Việt Nam cho thấy thu nhập trung bình của công nhân đạt 7,88 triệu đồng, trong khi chi tiêu mỗi tháng của gia đình họ là 11,7 triệu. Thu nhập chỉ đáp ứng khoảng 70% chi tiêu của người được khảo sát. Mức chi tiêu của người lao động cũng đã tăng 19% so với năm 2022, chủ yếu do giá cả, tiền điện nước tăng cao.

Theo VNE

Đọc thêm

Làm gì để tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế

Do đâu tỷ lệ người dân tham gia BHYT ở nhiều địa phương giảm?

Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế được coi là một trong những nội dung quan trọng để đánh giá sự phát triển của KT-XH ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, 4 tháng đầu năm 2025, tỷ lệ người dân tham gia BHYT ở nhiều địa phương giảm, gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác an sinh xã hội cũng như các nhiệm vụ chính trị tại địa phương.
Bài 2: Huy động tổng lực, dồn sức trên những “đại công trường”

Bài 2: Huy động tổng lực, dồn sức trên những “đại công trường”

Để mục tiêu hoàn thành 2.343 ngôi nhà cho hộ nghèo, cận nghèo, người có công với cách mạng trước ngày 19/5/2025, các địa phương trong toàn tỉnh đang đứng trước khối lượng công việc lớn. Trên chặng nước rút, cả hệ thống chính trị Hà Tĩnh cùng hướng về cơ sở với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt; mỗi thành viên ban chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát các cấp phải thấm nhuần nguyên tắc “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ kết quả, rõ sản phẩm”.
Bài 1: Quyết tâm về đích trước thời hạn của cả nước

Bài 1: Quyết tâm về đích trước thời hạn của cả nước

Vận dụng sáng tạo bài học kinh nghiệm trong làm nhà ở cho hộ nghèo giai đoạn 2021-2025, cả hệ thống chính trị ở Hà Tĩnh đã sớm vào cuộc, chủ động triển khai chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn cả nước. Với sự khẩn trương, chủ động triển khai kế hoạch và huy động các nguồn lực, Hà Tĩnh đặt mục tiêu hoàn thành chương trình trước ngày 19/5/2025 (trước mốc thời gian chung của cả nước hơn 6 tháng).