Lý do Tổng thống Mỹ cương quyết rút quân khỏi Afghanistan

Lầu Năm Góc đã đưa ra những cảnh báo nghiêm trọng đối với Tổng thống Mỹ Biden ngay cả trước khi ông nhậm chức, về khả năng Taliban đánh bại quân đội Afghanistan.

Lý do Tổng thống Mỹ cương quyết rút quân khỏi Afghanistan

Binh sỹ Mỹ tại căn cứ không quân Bagram (Afghanistan). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo BBC, trong bối cảnh Taliban tuyên bố chiến thắng chính quyền Afghanistan và cuộc chiến tranh tại nước này đã kết thúc thì tờ New York Times đã tiết lộ những thông tin hậu trường về các cuộc bàn thảo của Nhà Trắng, cũng như nguyên nhân Tổng thống Joe Biden cương quyết rút quân khỏi quốc gia Tây Nam Á này.

Theo tờ báo, Lầu Năm Góc đã đưa ra những cảnh báo nghiêm trọng đối với ông Biden ngay cả trước khi ông nhậm chức về khả năng Taliban đánh bại quân đội Afghanistan. Tuy nhiên tình báo Mỹ lại đánh giá sự sụp đổ chỉ có thể xảy ra trong 18 tháng chứ không phải vài tuần.

Mỹ biết rõ các vấn đề của quân đội Afghanistan: Tham nhũng sâu sắc, chính phủ không trả lương cho nhiều binh sỹ và cảnh sát Afghanistan trong nhiều tháng, tình trạng đào ngũ, những người lính được đưa ra mặt trận mà không có đủ thức ăn và nước uống.

New York Times dẫn nguồn các trợ lý của ông Biden nói rằng sự tồn tại dai dẳng của những vấn đề đó đã củng cố niềm tin của Tổng thống rằng Mỹ không thể chống đỡ cho Afghanistan vĩnh viễn.

Trong các cuộc họp tại Phòng Bầu dục vào mùa Xuân 2021, ông nói với các phụ tá rằng việc ở lại thêm một năm, hoặc thậm chí 5 năm, sẽ không tạo ra sự khác biệt đáng kể và không đáng để mạo hiểm. Sự hiện diện của quân đội Mỹ sẽ chỉ làm chính phủ Afghanistan càng phụ thuộc Washington.

Tổng thống nói với nhóm an ninh quốc gia của mình, bao gồm Ngoại trưởng Antony J. Blinken và Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan rằng ông tin chắc rằng bất kể Mỹ làm gì, Afghanistan gần như chắc chắn sẽ rơi vào một cuộc nội chiến khác.

Đối với những người chỉ trích ông Biden, họ cho rằng Tổng thống đã đánh giá thấp tầm quan trọng của việc Mỹ nên duy trì lực lượng ít ỏi tại Afghanistan.

David H. Petraeus, vị tướng về hưu từng chỉ huy các lực lượng quốc tế ở Afghanistan, phê phán rằng chính quyền của ông Biden không nhận thức được rủi ro của việc rút lui chóng vánh.

Lý do Tổng thống Mỹ cương quyết rút quân khỏi Afghanistan

Trực thăng Chinook đưa các công dân Mỹ di tản khỏi Kabul (Nguồn: AP)

Nhưng các quan chức chính quyền phản bác rằng quân đội Afghanistan có lợi thế hơn nhiều. John F. Kirby, Thư ký báo chí Lầu Năm Góc cho biết: “Họ có trang thiết bị hiện đại. Họ được hưởng lợi từ việc đào tạo mà chúng tôi đã cung cấp trong 20 năm qua. Bây giờ là lúc để sử dụng những lợi thế đó.”

Tổng thống Mỹ nói với các phóng viên tại Nhà Trắng vào tối ngày 10/8 rằng: “Các nhà lãnh đạo Afghanistan phải tập hợp lại với nhau. Họ phải chiến đấu cho chính họ, chiến đấu cho quốc gia của họ.”

Sự tan rã của quân đội Afghanistan chỉ trong một vài tuần đang khiến quân đội và các nhà hoạch định chính sách của Washington suy ngẫm về những thất bại của họ trong suốt gần 2 thập niên.

Trong một cuốn sách ra năm 2020, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates nhận xét Mỹ lẽ ra cần rút sớm khỏi Afghanistan.

Còn tờ Washington Post ngày 14/8 dẫn lời Michèle Flournoy, một trong những kiến trúc sư của đợt tăng quân thời cựu Tổng thống Barack Obama hồi năm 2010, cho biết: “Nhìn lại, Mỹ và các đồng minh đã thực sự sai ngay từ đầu. Tiêu chuẩn được thiết lập dựa trên lý tưởng dân chủ của chúng tôi, mà không dựa trên những gì bền vững hoặc khả thi trong bối cảnh Afghanistan.”

Còn cựu Bộ trưởng Quốc phòng Michèle Flournoy cho hay ban đầu bà còn tưởng đợt tăng quân năm 2010 sẽ thành công. Nhưng khi đến Afghanistan, bà nhận ra nạn tham nhũng ăn sâu bám rễ những gì họ nghĩ và gây nguy hiểm cho chiến lược của Mỹ và kết luận “chúng tôi đã đặt cược lớn chỉ để biết rằng đối tác địa phương của chúng tôi là thối nát.”./.

Theo Vietnam+

Đọc thêm

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.
Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ngày 24/10 đến ngày 5/12, CHDC Congo ghi nhận 406 ca mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân với các triệu chứng như sốt, đau đầu, ho, sổ mũi và đau nhức cơ bắp.