Malaysia tuyên bố vẫn thăm dò dầu khí ở Biển Đông, bất chấp Trung Quốc phản đối

Phát biểu khi đang thăm Nga, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim tuyên bố quốc gia Đông Nam Á này sẽ không dừng hoạt động thăm dò dầu khí ở Biển Đông, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc.

Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim - Ảnh: REUTERS
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim - Ảnh: REUTERS

Theo Hãng tin Reuters, ngày 5-9, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim tuyên bố các hoạt động thăm dò dầu khí của Malaysia nằm trong lãnh thổ của nước này và không nhằm mục đích khiêu khích hoặc thù địch với Trung Quốc, trong lúc hai nước có quan hệ hữu nghị.

"Dĩ nhiên chúng tôi sẽ phải hoạt động trong vùng biển của mình và đảm bảo lợi ích kinh tế, gồm cả việc khoan dầu, trên lãnh thổ của chúng tôi" - ông Anwar nói trong cuộc họp báo ở TP Vladivostok (Nga).

Nhà lãnh đạo Malaysia cho biết thêm: "Chúng tôi chưa bao giờ phủ nhận khả năng thảo luận (với Trung Quốc). Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi phải dừng hoạt động trong khu vực của mình".

Một ngày trước đó, Bộ Ngoại giao Malaysia tuyên bố họ sẽ điều tra vụ rò rỉ công hàm ngoại giao mật từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Công hàm này được truyền thông Philippines đăng tải. Trong công hàm, Trung Quốc nói rằng hoạt động thăm dò dầu mỏ và khí đốt của Malaysia ở Biển Đông đã xâm phạm cái gọi là lãnh thổ của nước này.

Theo Hãng tin Reuters, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ Biển Đông, gồm cả một số phần trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) rộng 200 hải lý của các nước như Philippines, Malaysia... làm phức tạp thêm các nỗ lực thăm dò dầu khí của một số quốc gia trong khu vực.

Tuy nhiên, năm 2016, Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ở Hà Lan đã ra phán quyết, bác bỏ cái gọi là "đường chín đoạn" (đường lưỡi bò) do Trung Quốc tự vẽ ra để tuyên bố chủ quyền với phần lớn diện tích ở Biển Đông. Theo phán quyết, yêu sách của Trung Quốc đối với khoảng 90% Biển Đông là không có cơ sở theo luật quốc tế.

Petronas, công ty dầu khí quốc gia Malaysia, vận hành các mỏ dầu khí ở Biển Đông trong EEZ của Malaysia, nhưng trong những năm gần đây đã có một số cuộc chạm trán với tàu Trung Quốc.

Năm ngoái, Tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) cho biết tàu hải cảnh Trung Quốc đã hoạt động gần khu vực phát triển khí đốt Kasawari của Petronas, và có thời điểm đến gần khu vực triển khai dự án với khoảng cách 2,4km. AMTI thông tin tàu hải quân Malaysia cũng hiện diện trong khu vực.

Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim nói rằng Trung Quốc đã gửi "một hoặc hai" công hàm để phản đối các hoạt động thăm dò dầu khí của Malaysia, nhưng ông nhấn mạnh Chính phủ Malaysia sẽ tiếp tục giải thích với Bắc Kinh về lập trường của mình. Ông không nêu chi tiết về các công hàm này.

Nhà lãnh đạo Malaysia nói thêm: "Chúng tôi đã nói rằng chúng tôi sẽ không vượt qua ranh giới của bên khác. Đó là chính sách và nguyên tắc nghiêm ngặt của chúng tôi. Họ (Trung Quốc) vốn biết lập trường của chúng tôi. Họ nói rằng chúng tôi đang xâm phạm lãnh thổ của họ. Nhưng không phải vậy. Chúng tôi nói không phải như thế, đó là lãnh thổ của chúng tôi".

tuoitre.vn

Bình luận

Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Đọc thêm

8 sự kiện thế giới năm 2024

8 sự kiện thế giới năm 2024

Năm nay chứng kiến các cuộc bầu cử quan trọng cùng nhiều xung đột và biến động, nhưng cũng ghi dấu ấn với một số thành tựu khoa học, công nghệ.
Người vô gia cư ở Mỹ tăng kỷ lục

Người vô gia cư ở Mỹ tăng kỷ lục

Số người vô gia cư ở Mỹ tăng 18% trong năm 2024, mức cao chưa từng thấy, khi giá thuê nhà tăng, lạm phát cao và dòng người nhập cư đổ vào nước này.
Hàn Quốc: Phó Thủ tướng Choi Sang Mok đảm nhiệm vai trò quyền Tổng thống

Hàn Quốc: Phó Thủ tướng Choi Sang Mok đảm nhiệm vai trò quyền Tổng thống

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, chiều 27/12, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Choi Sang Mok đã chính thức đảm nhiệm vai trò quyền Tổng thống Hàn Quốc sau khi Quốc hội do đảng Dân chủ (DP) đối lập chiếm đa số đơn phương thông qua nghị quyết luận tội quyền Tổng thống Han Duck Soo. Ông Han tuyên bố chấp hành nghị quyết của Quốc hội và chờ phán quyết của Tòa án Hiến pháp.