Nghệ sĩ Yang Yexin cầm những hạt gạo vàng mà ông rải khắp Thượng Hải cuối tuần qua. Ảnh: 163 .
Nghệ sĩ biểu diễn Yang Yexin rải “gạo vàng” xuống sông Hoàng Phố và các địa điểm khác ở Thượng Hải như thùng rác, hố ga và bãi cỏ vào ngày 15/10 và 16/10, Ngày Lương thực Thế giới lần thứ 41, để cảnh báo mọi người vấn đề nghiêm trọng về lãng phí thực phẩm.
“Gạo vàng” là 500 gram vàng nguyên chất được đúc thành những hạt nhỏ như hạt gạo. Số vàng trên ước tính trị giá 230.000 NDT (35.700 USD).
“Lãng phí những thứ bình thường không thể thu hút sự quan tâm của mọi người vào lúc này. Chỉ sự lãng phí tột độ mới có thể khiến mọi người thấy vấn đề nghiêm trọng đến mức nào và thay đổi suy nghĩ, hành vi của họ”, Yang đăng Weibo hôm 17/10.
Thay vì được đông đảo công chúng đón nhận, màn trình diễn đã vấp phải sự chỉ trích dữ dội với nhiều ý kiến cho rằng Yang “phô trương quá đà”. Những người khác chỉ ra điều trớ trêu là Yang chọn gây chú ý đến vấn đề lãng phí thực phẩm bằng cách lãng phí một nguồn tài nguyên khác.
“Vàng có thể được sử dụng trong nhiều ngành công nghệ khác nhau. Vứt gạo thì lãng phí, thế vứt vàng không phải lãng phí sao”, một người dùng Weibo bình luận.
Đến chiều 18/10, hơn 60% trong số 27.000 người dùng Weibo phản ứng với câu chuyện này cho rằng hành động vứt bỏ hạt vàng là lãng phí và không nâng cao nhận thức cộng đồng về tiết kiệm thực phẩm, theo cuộc thăm dò của tạp chí China Newsweek có trụ sở tại Bắc Kinh.
Hashtag “Ném 1.000 hạt gạo vàng xuống sông Hoàng Phố” đã thu hút 200 triệu lượt xem trên Weibo. Một số người ủng hộ cho biết Yang đã thành công khi tạo ra tranh luận.
“Một số người nói rằng thật lãng phí khi bỏ đi một hạt vàng, nhưng họ không quan tâm chút nào khi một hạt gạo bị vứt. Đó chính xác là những người mà nghệ sĩ muốn chế nhạo”, một người dùng viết trên Weibo.
Yang đáp lại những lời chỉ trích bằng cách so sánh gạo với vàng và vàng như rác.
Trong những năm gần đây, giới chức Trung Quốc liên tục cảnh báo tình trạng lãng phí thực phẩm. Chính phủ đã triển khai chiến dịch chống lãng phí thực phẩm mang tên “đĩa rỗng” trên khắp đất nước để kêu gọi người dân không chuẩn bị hoặc gọi món nhiều hơn mức có thể tiêu thụ.
Chính quyền thủ đô Bắc Kinh hồi tháng thông qua luật chống lãng phí thực phẩm. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng mô tả hiện tượng lãng phí thực phẩm là “gây sốc”.
Theo Huyền Lê/ VnExpress (SCMP )