Tại châu Á và Trung Đông, chênh lệch dân số nam so với nữ là 100 triệu người - Ảnh: Nikkei.
Theo tờ Nikkei, tình trạng mất cân bằng giới tính tại châu Á đang ngày càng trở nên trầm trọng. Ước tính nam giới tại châu lục này đang nhiều hơn nữ giới 100 triệu người, trong đó chênh lệch lớn nhất ở Trung Quốc và Ấn Độ.
Tình trạng này gây ra nhiều hệ lụy kinh tế xã hội, gia tăng áp lực trong việc duy trì mức tăng trưởng bền vững của châu lục này.
Bỏ lỡ tiềm năng tăng trưởng
Theo ước tính của Liên hiệp quốc, năm 2015, châu Á và Trung Đông có 2,24 tỷ nam giới, trong khi nữ giới chỉ có 2,14 tỷ người. Chênh lệch nam nữ là 100 triệu người, tăng 70% so với năm 1985. Trong khi đó, mức chênh lệch này ở châu Âu và Bắc Mỹ lần lượt chỉ là 26 triệu và 3 triệu người trong năm 2015.
Tại Ấn Độ, lực lượng lao động do nam giới thống trị. Theo Tổ chức Lao động quốc tế, năm 2014, tỷ lệ nữ giới tham gia lực lượng lao động của nước này chỉ là 27%, thấp hơn mức trung bình 50% toàn thế giới.
Theo Nikkei, kinh tế Ấn Độ đang tăng trưởng 7% mỗi năm. Tuy nhiên, tình trạng bất cân bằng giới tính trong lực lượng lao động khiến nước này bỏ lỡ nhiều tiềm năng tăng trưởng.
Theo một báo cáo năm 2015 của McKinsey Global Institute, cơ quan nghiên cứu của McKinsey & Co., trong bối cảnh kinh tế ổn định, GDP năm 2025 của Ấn Độ có thể cao hơn 60% nếu nữ giới đóng vai trò tương đương với nam giới.
Tình trạng mất cân bằng giới tính có nguyên nhân từ yếu tố văn hóa, lịch sử. Phá thai chọn giới tính cũng phổ biến tại châu Á, cũng là nguyên nhân khiến nam chênh lệch rõ rệt so với nữ.
Tại Ấn Độ, vấn đề tài chính là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng mất cân bằng giới. Theo văn hóa truyền thống, nữ giới sau khi kết hôn phải sống với gia đình chồng, và của hồi môn cho con gái là một gánh nặng tài chính khổng lồ. Nhiều cha mẹ thậm chí phải bắt đầu tiết kiệm để mua của hồi môn khi con gái vừa ra đời.
"Con gái tốn kém rất nhiều trong khi đóng góp của chúng cho ra đình không đáng kể. Đó là lý do các cặp cha mẹ đều muốn có con trai”, Yuiko Nishikawa, một giáo sư ngành nhân khẩu học Ấn Độ tại đại học Josai, Nhật Bản, cho biết.
Vấn đề tài chính cũng khiến các gia đình sinh ít con hơn và chỉ sinh khi xác định đó là con trai. Tổng hòa các yếu tố này khiến tỷ lệ nam giới chênh lệch ngày càng cao so với nữ giới, Nishikawa nhận định.
Áp lực kinh tế lên nam giới
Tại Trung Quốc, tỷ lệ chênh lệch nam nữ là 120/100, theo thống kê của Liên hợp quốc năm 2015. Ở một số vùng, tỷ lệ này còn lên tới 130/100.
Từ năm 1979 - 2015, chính phủ nước này đưa ra chính sách “một con” để hãm đà tăng dân số như vũ bão. Chính sách này thậm chí còn khiến nhiều gia đình càng muốn có con trai hơn là con gái. Sau nhiều thập kỷ, nước này phải hứng chịu hậu quả là tình trạng thiếu nữ giới trầm trọng.
Theo Nikkei, chế độ một con là một trong những nguyên nhân khiến bong bóng bất động sản Trung Quốc ngày một phình to.
Vì ít nữ, nên nam giới nước này gặp phải khó khăn khi tìm vợ và một trong những yếu tố giúp họ “hấp dẫn và giá trị hơn” là có nhà. Theo một khảo sát năm 2010 của tờ Shanghai Daily, 80% các bà mẹ có con gái trẻ không muốn con gái họ kết hôn với một người không có nhà. Do đó, áp lực mua nhà lên nam giới trong độ tuổi lấy vợ của Trung Quốc ngày càng trở nên nặng nề.
Theo lệ bất thành văn, giá trị của nam giới được xác định qua tình trạng sở hữu nhà đất. Đây là một trong những nguyên nhân lớn khiến giá nhà đất tại quốc gia đông dân nhất thế giới không ngừng tăng cao trong vài thập kỷ tới, Nikkei nhận định.
Gánh nặng an sinh xã hội
Theo một nghiên cứu năm 2014 của đại học Columbia, mất cân bằng giới tính khiến nam giới Trung Quốc khó lấy vợ, khiến tình trạng bạo lực tình dục, bắt cóc trẻ em gái và buôn bán người tăng mạnh, Toru Suzuki, giám đốc Viện nghiên cứu dân số và an sinh xã hội tại Tokyo, nhận định. Bạo lực gia tăng vô hình chung gia tăng gánh nặng với hệ thống an sinh xã hội nước này.
Ngược lại, ở một số nơi như Hồng Kông, Thái Lan, Indonesia, nữ giới lại chiếm tỷ lệ ưu thế so với nam giới. Nikkei dẫn số liệu từ chính quyền Hồng Kông cho biết, năm 2016, tỷ lệ nam/nữ của đây là 85,2/100. Tại Hồng Kông, tỷ lệ sinh là nam nhiều hơn so với nữ. Tuy nhiên, nữ giới vẫn chiếm số lượng ưu thế so với nam giới gần như trong tất cả nhóm tuổi từ 25 trở lên.
Dân số già là nguyên nhân của tình trạng này. Tại Hồng Kông, nữ giới có tuổi thọ cao hơn nam giới 6 năm. Năm 2015, nữ giới trên 85 tuổi nhiều gấp 2 lần nam giới cùng độ tuổi.
Một nguyên nhân nữa là nam giới Hồng Kông xu hướng kết hôn với phụ nữ từ Trung Quốc đại lục và mang họ tới đây sinh sống. Nữ giới Trung Quốc lấy chồng Hồng Kông có xu hướng sống ở nhà làm nội trợ mà không tham gia lao động.
Xu hướng này khiến cho số lượng người sống phụ thuộc vào lực lượng lao động ngày càng tăng. Theo ước tính của chính quyền Hồng Kông, vào năm 2041, cứ 1.000 người lao động thì có tới 712 người sống phụ thuộc, gấp đôi con số 355 người năm 2012.
Dân số già, lại thiên về nữ giới, những người có xu hướng sử dụng dịch vụ y tế cao hơn, gây ra áp lực lớn tới hệ thống an sinh xã hội của Hồng Kông.