Sau khi đi đám tang một người bạn đồng niên qua đời vì đột quỵ, bà K.O (60 tuổi ở Hà Đông, Hà Nội) rất lo lắng. Thấy mình hay mất ngủ, đau đầu, ngồi dậy đứng lên là chóng mặt, xây xẩm, bà nghĩ “chắc do máu lên não kém” nên tự đi mua các sản phẩm hoạt huyết dưỡng não . Dùng liên tục hơn hai năm nay, nhưng tình trạng mất ngủ, đau đầu hay chóng mặt của bà vẫn không dứt điểm nên bà luôn phải duy trì.
Nỗi lo lắng của bà càng lớn hơn khi mới đây, bà đọc báo thấy thông tin Bệnh viện Việt Đức cảnh báo người dùng hoạt huyết dưỡng não.
Cụ thể, khoa Phẫu thuật hàm mặt tạo hình và thẩm mỹ của Bệnh viện này tiếp nhận nam bệnh nhân 38 tuổi (làm nghề thợ mộc) vào viện trong tình trạng chấn thương tay nhưng không cầm được máu. Nguyên nhân là do bệnh nhân này đã phẫu thuật và điều trị chống đông heparin, tuy nhiên trước đó, người đàn ông này thấy mẹ mình thường xuyên dùng hoạt huyết dưỡng não nên cũng dùng ké (trong nửa năm). Điều này khiến vết thương của anh chảy máu nhiều dẫn tới thiếu máu, cần truyền máu.
1. Dùng hoạt huyết dưỡng não để dự phòng đột quỵ là sai lầm
Theo các chuyên gia của Bệnh viện Việt Đức, hoạt huyết dưỡng não là loại thuốc được sử dụng phổ biến tại Việt Nam. Thuốc chứa Ginkgo Biloba chiết xuất từ lá cây bạch quả, được quảng cáo như thuốc bổ não, chữa nhiều bệnh: hoa mắt, chóng mặt, mất ngủ, đái tháo đường, gút, giúp tăng lưu thông máu trong lòng mạch, tăng cường trí nhớ, thuốc bổ thần kinh…
Thực tế hiện nay, với giá mua thấp, nhiều người bệnh uống hoạt huyết dưỡng não do nghe theo các quảng cáo mà không cần kê đơn, sử dụng với liều lượng và thời gian không cố định, kéo dài, không được theo dõi tác dụng phụ.
Bên cạnh hoạt huyết dưỡng não, các loại thực phẩm chức năng “bổ thần kinh” chiết xuất Ginkgo cũng được giới thiệu trên thị trường với nhiều mức giá khác nhau.
Các sản phẩm này được quảng cáo có khả năng tăng tuần hoàn máu lên não, hỗ trợ ngăn ngừa hiện tượng nhồi máu não, thiếu máu lên não, bảo vệ và làm giảm thoái hóa võng mạc, hỗ trợ giảm rối loạn thần kinh cảm giác, phòng ngừa và làm chậm tiến triển của bệnh Alzheimer; sử dụng cho cả trường hợp di chứng sau tai biến, chấn thương não, rối loạn mạch máu ngoại biên…
PGS.TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai), cho biết, không ít bệnh nhân, đặc biệt là người trung niên, lớn tuổi đã tìm tới bác sĩ để tư vấn về việc sử dụng hoạt huyết dưỡng não, bổ thần kinh.
Ngoài nhu cầu điều trị mất ngủ, chóng mặt, nhiều bệnh nhân còn sử dụng với mục đích dự phòng, ngăn ngừa đột quỵ vì nghĩ rằng, sản phẩm này có khả năng lưu thông máu, không gây tắc nghẽn các mạch máu… “Đây là quan điểm sai lầm” - PGS Tôn khẳng định.
Theo vị chuyên gia, hầu hết các loại hoạt huyết dưỡng não trên thị trường hiện nay đều là thực phẩm chức năng, không phải thuốc điều trị bệnh. Bên cạnh đó, hoạt huyết dưỡng não không có trong phác đồ điều trị đau đầu, chóng mặt hay đột quỵ hiện nay của Bộ Y tế.
2. Mắc bệnh lý nền cần cẩn trọng khi dùng Ginkgo Biloba
Với các trường hợp thường xuyên đau đầu, nghĩ rằng cần sử dụng hoạt huyết dưỡng não như bà O trên đây, BS Tôn nhấn mạnh không nên tự tiện uống thuốc mà cần đến bệnh viện để thăm khám.
Một số bệnh lý đau đầu liên quan đến vận mạch, có nhiều trường hợp là đau đầu lành tính. Tuy nhiên, trong gia đình nếu có người có tiền sử xuất huyết dưới nhện, đột quỵ… thì bệnh nhân nên chụp cộng hưởng từ để loại trừ các bất thường liên quan đến nhu mô não, bất thường mạch máu, từ đó, có phác đồ điều trị hợp lý nhất.
PGS Mai Duy Tôn: Tùy tiện dùng thuốc có thể dẫn tới tương tác thuốc. Một số thuốc gây ra chống đông làm tăng hoặc giảm tác dụng của thuốc.
Đặc biệt, với người dùng các thuốc chống đông, liên quan tới bệnh lý đột quỵ, tim mạch , cần tuyệt đối theo chỉ dẫn của bác sĩ. Khi sử dụng nhiều thuốc sẽ bị tương tác, các thành phần gây tương tác làm giảm tác dụng, mất tác dụng hoặc gây ra biến cố chảy máu. Thuốc không có tác dụng gây ra tắc mạch.
Đồng quan điểm, TS Trần Thị Ngọc Anh, Phó Trưởng khoa Xét nghiệm huyết học (Bệnh viện Việt Đức), lưu ý những người bị bệnh tim mạch thường được kê đơn sử dụng thuốc chống đông không nên tự ý sử dụng Ginkgo biloba, chỉ dùng khi có đơn của bác sĩ. Nữ bác sĩ cũng cảnh báo về việc tăng nguy cơ xuất huyết ở người bệnh chấn thương có dùng Heparin và Ginkgo Biloba.
Theo TS Ngọc Anh, Ginkgo Biloba được ứng dụng trong vấn đề chống oxy hóa, chống gốc tự do nhưng cũng gây giảm ngưng tập tiểu cầu với collagen nên gây chảy máu lâu cầm ở người bệnh chấn thương, đặc biệt người bệnh chấn thương có điều trị chống đông. Nếu người bệnh vừa dùng thuốc chống đông như Sintrom, Heparin, Aspirin lại dùng cả thuốc chứa Ginkgo Biloba thì có thể làm tăng tác dụng các thuốc này và làm tăng nguy cơ chảy máu.
Ginkgo Biloba còn có thể gây đau đầu, chóng mặt, đánh trống ngực, buồn nôn và tiêu chảy nếu người có cơ địa dị ứng với hoạt chất này.
TS Ngọc Anh cũng khuyến cáo, người dân có bệnh lý nền như đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn tuần hoàn não, tuần hoàn ngoại vi, gút, ung thư … nếu sử dụng Ginkgo biloba hoặc các loại thuốc, thực phẩm chức năng cần gặp bác sĩ để được tư vấn kỹ lưỡng.
Hoạt huyết dưỡng não và mối nguy chảy máu khó cầm