Những lầm tưởng trong chế độ ăn uống gây ung thư

Đậu nành, đường, sữa, chế độ ăn có tính axit gây ung thư là những lầm tưởng thường gặp.

Chế độ ăn uống lành mạnh giúp giảm nguy cơ mắc ung thư. Bởi khoảng 85-90% các trường hợp là do cơ thể người bệnh tiếp xúc với các tác nhân độc hại gây đột biến gene sinh ung thư. Các tác nhân đó có thể là thói quen ăn uống, sinh hoạt không lành mạnh; môi trường ô nhiễm; tia bức xạ; khói thuốc lá...

TS.BS Vũ Hữu Khiêm - Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, ung thư là bệnh lý ác tính gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam và trên toàn thế giới. Do đó, trên báo đài lan tràn rất nhiều thông tin khác nhau về các phương pháp ăn uống “thực dưỡng” để phòng ngừa hoặc điều trị ung thư như “người mắc ung thư nên ăn loại thực phẩm này, không nên ăn loại thực phẩm kia“”,”ăn loại thực phẩm này mỗi ngày có thể giúp bạn tránh xa ung thư“”... Trong số đó có những quan điểm ăn uống gây nhầm lẫn khiến không ít người loại bỏ một số thực phẩm có lợi hoặc sử dụng không đúng cách gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Bác sĩ Khiêm giải thích về những lầm tưởng thường gặp và gợi ý cách ăn uống phù hợp.

Sản phẩm bơ sữa gây ung thư

Một số người cho rằng các hormone được sử dụng trong quá trình sản xuất sữa thúc đẩy sự phát triển bệnh ung thư. Tuy nhiên, theo bác sĩ Khiêm không có mối liên hệ giữa chế độ ăn có chứa sữa và nguy cơ ung thư hoặc thúc đẩy sự phát triển của khối u.

Sữa mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe như góp phần tăng cường sức đề kháng, cung cấp các vitamin và khoáng chất cho cơ thể. Một số nghiên cứu còn nhận thấy sữa góp phần hạn chế sự phát triển của ung thư vú thông qua việc tăng lượng canxi, vitamin D, axit linoleic liên hợp (một axit béo omega-3), lactoferrin (thuộc nhóm chất đạm). Người bệnh ung thư vẫn có thể uống sữa hàng ngày. Trường hợp cần hạn chế là khi bị dị ứng một số thành phần trong sữa gây đầy hơi, đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy...

Đậu nành gây ung thư vú

Các sản phẩm từ đậu nành có chứa isoflavone (một loại phytoestrogen có nhiều trong thực vật), có cấu trúc hóa học tương tự như hormone estrogen. Do estrogen có thể kích thích khối u vú phát triển nên có một số người nhầm lẫn rằng thực phẩm chứa isoflavone như đậu nành là nguyên nhân gây ung thư vú và những người bệnh mắc ung thư vú nên tránh loại thực phẩm này nhằm tránh khối u tái phát trở lại sau điều trị.

Những lầm tưởng trong chế độ ăn uống gây ung thư

Isoflavone trong đậu nành không gây ung thư. Ảnh: Freepik

Bác sĩ Khiêm chia sẻ thêm, đậu nành, sữa đậu nành, đậu phụ... là cung cấp nguồn chất đạm và chất xơ có lợi cho cơ thể. Ăn với lượng vừa phải, không vượt quá 25 gram đạm đậu nành mỗi ngày không làm tăng nguy cơ tái phát ung thư ở phụ nữ và không tương tác có hại với các loại thuốc chống estrogen.

Người khỏe mạnh hay bệnh nhân ung thư đều có thể ăn đậu nành như một phần trong chế độ ăn uống cân bằng. Người bệnh ung thư nếu còn chưa rõ liều lượng phù hợp thì có thể nhờ bác sĩ điều trị hoặc chuyên gia dinh dưỡng tư vấn.

Ăn đường gây ung thư

Các tế bào bình thường và cả tế bào ung thư đều cần đường (glucose) để hoạt động trao đổi chất. Một số tế bào ung thư cần đường gấp 200 lần tế bào bình thường để phát triển. “Điều này không có nghĩa là ăn đường sẽ gây ung thư và việc cắt giảm đường hoặc kiêng đường sẽ giúp ngăn ngừa căn bệnh này. Người ăn nhiều đường có thể dễ bị thừa cân, béo phì... và chính thừa cân, béo phì mới là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh ung thư”, bác sĩ Khiêm nói.

Mỗi ngày, người trưởng thành cần có một chế độ ăn cân đối trong đó lượng đường chiếm khoảng 55-60%. Đường có nhiều trong các thực phẩm lành mạnh giàu vitamin và khoáng chất như rau xanh, trái cây chín. Người trưởng thành có thể ăn 200 gram trái cây mỗi ngày. Với các thực phẩm, thức uống chứa đường bổ sung, bạn nên hạn chế vì dùng nhiều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. Phụ nữ không nên dùng quá 6 muỗng cà phê và đàn ông không nên dùng quá 9 muỗng cà phê đường mỗi ngày.

Chế độ ăn uống có tính axit gây ung thư

Cơ thể hoạt động tốt nhất trong môi trường pH hơi kiềm khoảng 7,35-7,4, trong khi môi trường axit gây nhiều ảnh hưởng bất lợi. Bác sĩ Khiêm giải thích, một số người cho rằng thực phẩm ăn vào có thể ảnh hưởng đến độ pH của cơ thể và vì máu có tính kiềm tự nhiên (pH = 7,4) nên ăn thực phẩm axit sẽ làm đảo lộn sự cân bằng. Song không có bằng chứng xác thực nào chứng minh chế độ ăn uống có thể điều chỉnh độ pH trong máu, của cơ thể hoặc có tác động đến bệnh ung thư.

Bác sĩ Khiêm khuyên, không phải tất cả các loại thực phẩm có tính axit phải loại bỏ hoàn toàn khỏi chế độ ăn uống. Điều quan trọng là phải duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh, cân đối và đa dạng nhiều loại thực phẩm kết hợp với rau củ, trái cây và cả protein có nguồn gốc từ thực vật.

Uống vitamin tổng hợp giúp phòng ung thư

Một số người cho rằng uống các loại vitamin tổng hợp có thể phòng ngừa ung thư. Nếu người bệnh dùng các sản phẩm này có thể tăng khả năng sống sót, tối ưu quá trình điều trị, giảm bớt tác dụng phụ, tăng cường hệ miễn dịch... Tuy nhiên, uống vitamin tổng hợp hoặc các chất bổ sung khác không theo chỉ định có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe và quá trình điều trị bệnh.

Một số vitamin và khoáng chất còn ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của thuốc điều trị ung thư. Các chất chống oxy hóa liều cao (coenzyme Q10, selen, vitamin A, C, E) có thể giúp ngăn ngừa tổn thương tế bào nhưng có thể tương tác giảm hiệu quả của các thuốc đặc trị. Do đó, bệnh nhân ung thư nên được bác sĩ tư vấn nếu muốn dùng bất kỳ thực phẩm chức năng hoặc thuốc không kê đơn.

"Bỏ đói" khối u khiến chúng tự chết

Khối u phát triển bằng cách lấy chất dinh dưỡng trong cơ thể. Khi không cung cấp năng lượng cho tế bào ung thư thì chúng tự chết. Đây là quan niệm về việc “bỏ đói” khối u nhưng chưa có cơ sở khoa học. Chúng ta không thể tiêu diệt tế bào ung thư bằng biện pháp thực dưỡng, ăn uống giới hạn một số thực phẩm. Khi “bỏ đói” khối u thì những tế bào khác trong cơ thể cũng bị thiếu dinh dưỡng, thiếu năng lượng, lâu dần người bệnh ung thư có thể bị suy dinh dưỡng trầm trọng. Cơ thể suy kiệt khiến người bệnh khó có thể chống chọi để kéo dài thời gian sống.

Thay vì “bỏ đói” khối u, người bệnh nên duy trì chế độ ăn cân đối 4 yếu tố gồm chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất; có ít nhất 5 trong 8 nhóm thực phẩm như các loại hạt, sữa và chế phẩm từ sữa, thịt cá trứng... Người bệnh cần tuân thủ thăm khám theo lịch hẹn của bác sĩ, không tự ý bỏ ngang điều trị để áp dụng những biện pháp chưa được kiểm chứng, bỏ lỡ giai đoạn “vàng” trong điều trị.

Theo Kim Uyên/VNE

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast